Để có được mô hình trang trại trồng vải kết hợp với chăn nuôi một số con đặc sản như: Hươu, nhím... mỗi năm cho thu nhập từ 200- 300 triệu đồng như ngày nay, vợ chồng anh Sáng đã trải qua bao khó khăn, vất vả, cộng với sự "đồng cam cộng khổ", quyết tâm vượt khó, biến vùng đất đồi hoang vu trước kia trở thành mảnh đất màu mỡ đem lại giá trị kinh tế cao.
Nhớ lại thời gian mới lên lập nghiệp tại mảnh đất Đông Sơn, khu vực thôn 3 bây giờ chỉ là những khoảng đất đồi hoang, cây rừng um tùm, kín lối. Vừa mới "chân ướt, chân ráo" đến, lại là hai vợ chồng trẻ, vốn liếng chẳng có nhiều, anh Sáng, chị Loan vẫn quyết tâm phát triển kinh tế để duy trì cuộc sống và nuôi dạy con cái. Ban đầu còn khó khăn nên từ nguồn vốn 10 triệu đồng vay từ Hội phụ nữ xã, anh chị đầu tư vào trồng những cây ngắn ngày để "quay vòng" cho nhanh.
Hiểu được đặc tính của đất nên anh Sáng, chị Loan nung nấu ý nghĩ phải nuôi, trồng những cây lâu năm, con đặc sản thì mới phù hợp với đặc điểm đất đai, khí hậu của vùng và cho năng suất, giá trị thu nhập cao. Sau vài năm lao động cần cù, vất vả, khi đã tích lũy được một chút vốn, anh chị quyết định đầu tư mở mang diện tích, đi tham quan các mô hình cây, con ở một số nơi, tích cực học tập, chuyển giao KHKT, xây dựng chuồng trại... và trồng 300 gốc vải, nuôi 500 con ngan lấy trứng.
Bước đầu cũng không suôn sẻ, thuận lợi vì những cây, con mới khi đưa về nuôi, trồng, do chưa nắm bắt, hiểu hết đặc tính của các cây, con, kinh nghiệm nuôi, trồng chưa nhiều nên có những vụ trồng trọt, chăn nuôi thất bại. Vợ động viên chồng cố gắng làm lại, tiếp tục đi học hỏi, tìm hiểu kinh nghiệm của những người đã làm trước...
Rồi những khó khăn cũng qua đi và những vụ thu hoạch đã tới. Bê từng rổtrứng ngan vừa thu được từ chuồng nuôi ngan, anh Sáng vui mừng cho biết: Trứng ngan hiện nay có giá từ 5.000 đồng- 5.500 đồng/quả. Nhiều "lò" ấp đặt mua để ấp bán ngan giống nên trứng ngan ra đến đâu, hết đến đó. Chỉ tính riêng thu nhập từ trứng của đàn ngan 500 con, mỗi ngày gia đình cũng thu được từ 1,5- 2 triệu đồng. Còn 300 gốc vải sau nhiều năm chăm sóc đến nay đã cho thu hoạch. Vải được các thương lái đến mua tận vườn.
Kết quả bước đầu đã giúp anh chị thêm quyết tâm đầu tư nuôi 30 con hươu sao và 20 con nhím là những vật nuôi có giá trị kinh tế cao mà thị trường đang có nhu cầu nhưng người chăn nuôi chưa nhiều. Dẫn chúng tôi vào chuồng nuôi nhím tham quan, chị Loan vừa đốt mùn cưa vừa giải thích: Nhím là loài vật rất nhát, mỗi khi có người chúng thường xù lông ra như để tự vệ... Trước kia, mỗi khi có nhiều người đến tham quan, một số con nhím bỏ ăn, ốm. Vì vậy, để chúng quen với người, mỗi khi có người lạ, chị Loan lại đốt mùn cưa để sưởi ấm cho chúng và xua đi không khí giá lạnh từ ngoài mang lại...
Nghe những lời chị Loan kể như vậy, chúng tôi thêm hiểu vì sao anh chị trải qua bao nhiêu năm nhưng luôn thành công với các vụ nuôi, trồng cây, con đặc sản. Họ không chỉ chăm chỉ, cần cù, chịu khó, có ý chí vươn lên trong cuộc sống mà còn hiểu, nắm bắt rõ các thuộc tính của từng cây, loài vật để "sống chung" với chúng.
Đến thăm "cơ ngơi" của gia đình anh chị, ai cũng thích thú và cảm phục ý chí, quyết tâm vươn lên làm giàu của hai vợ chồng. Cả trang trại ngút ngàn với màu xanh của cây, tiếng hót líu lo của chim, tiếng chí chách của đàn gà tre... Cũng từ trang trại của anh chị, mỗi khi đến vụ sản xuất hoặc thu hoạch, từ 8-10 lao động địa phương có việc làm và thu nhập. Mấy năm trở lại đây, trang trại của anh chị đã trở thành "địa chỉ" quen thuộc để hội viên các đoàn thể trong và ngoài xã đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.
Bài, ảnh: Lý Nhân