Chị Vân cho biết: Năm 1992 chị lập gia đình. Cuộc sống ban đầu rất khó khăn, thu nhập của gia đình chủ yếu trông vào mấy sào ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng thường xuyên gặp rủi ro; thất thu. Để có tiền trang trải cuộc sống, vợ chồng chị đi làm thuê nhiều công việc khác nhau nhưng vẫn không đủ chi tiêu sinh hoạt hàng ngày và nuôi con ăn học. Cuộc sống tuy khó khăn và công việc làm thuê chiếm khá nhiều thời gian, nhưng chị vẫn tích cực tham gia các buổi sinh hoạt chi hội phụ nữ và các phong trào thi đua do Hội Phụ nữ xã phát động. "Tham gia các hoạt động Hội, tôi được giao lưu với chị em, có thêm kiến thức nuôi dạy con, xây dựng gia đình hạnh phúc và phát triển kinh tế gia đình"- chị Vân cho biết.
Cuộc sống của vợ chồng chị Vân tưởng đơn giản vậy thôi là đủ với một gia đình thuần nông. Nhưng, năm 2013, chồng chị không may mắc phải căn bệnh nan y, việc chạy chữa rất tốn kém, mẹ chồng lại già yếu (gần 90 tuổi), bên cạnh đó cháu lớn đang học đại học, cháu thứ 2 học THCS... Gánh nặng gia đình đè lên đôi vai người phụ nữ nhỏ bé, một mình chị vừa chăm sóc mẹ già, chăm sóc chồng ốm đau và nuôi 2 con ăn học. Cuộc sống gia đình khốn khó, năm 2014 qua bình xét gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã Thanh Lạc.
Chị Vân tâm sự: Cuộc sống khốn khó, nhà lại luôn có người đau yếu khiến nhiều lúc tôi cảm thấy nản. Nhưng nhìn mẹ già, các con và chồng, tôi luôn suy nghĩ phải nỗ lực phấn đấu để vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng với toàn thể gia đình tôi, không chỉ về mặt vật chất mà quan trọng hơn cả là thông qua đó tôi giáo dục các con ý thức và lòng tự trọng để trở thành những người tốt trong xã hội...
Nghĩ là làm. Việc đầu tiên chị Vân chọn để thay đổi cuộc sống, đó chính là lựa chọn phương thức kinh doanh. Điều này xuất phát từ thực tế trong nhiều năm làm nông nghiệp, chị Vân nhận thấy: Khi đến vụ thu hoạch lúa người dân có nhu cầu bán lúa để trang trải sinh hoạt cho gia đình, các thương lái có nhu cầu mua gạo để bán ra các thành phố lớn. Để đáp ứng nhu cầu của người dân và các thương lái, chị mạnh dạn vay vốn để đầu tư máy xay xát lúa. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Hội LHPN xã, chị Vân đã vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo của Ngân hàng CSXH và 3 triệu đồng từ Quỹ của chi hội để mua 1 chiếc máy xay xát và mua lúa của các hộ dân để xát gạo bán cho thương lái tại Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La... Với phương châm làm máy xay xát lúa cho bà con cũng là một nghề dịch vụ, do đó, khi có khách hàng đến xay xát, chị đều phục vụ tận tình, chu đáo. Bên cạnh đó, chị quan tâm đầu tư hệ thống xử lý khói bụi từ việc xay xát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nên việc kinh doanh của gia đình có nhiều thuận lợi. Bình quân, mỗi vụ chị thu mua 30 - 40 tấn lúa xát thành gạo bán cho thương lái, thu nhập trung bình từ việc làm máy xay xát và thu mua lúa từ 30 - 40 triệu đồng/năm.
Không dừng lại ở đó, năm 2015, khi xã có chủ trương dồn điền đổi thửa, chị Vân đã dồn đất của gia đình được 1 mẫu và đấu thầu thêm 1 mẫu nữa để phát triển sản xuất. Trên diện tích 2 mẫu, chị đào ao thả cá, xây chuồng trại chăn nuôi thêm 5 con lợn nái và 20 con lợn thịt, 100 con gà đẻ trứng. Việc tận dụng nguồn nguyên liệu xay xát để làm thức ăn trong chăn nuôi và thả cá đã giảm được phần nào chi phí và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
Với quyết tâm vượt khó vươn lên, năm 2017 gia đình chị Vân đã thoát nghèo. Đến nay, gia đình chị đã có cuộc sống kinh tế ổn định với tổng thu nhập 100 triệu đồng/năm. Chất lượng cuộc sống được nâng lên, chị có điều kiện chữa trị bệnh cho chồng, đồng thời đầu tư cho 2 con ăn học. Gia đình chị đã xây dựng được nhà mái bằng khang trang, kiên cố. Để có được những thành quả như ngày hôm nay chị Vân cho rằng, ngoài yếu tố may mắn thì đó còn là kết quả từ sự nỗ lực, quyết tâm thoát nghèo của gia đình chị.
Với những nỗ lực của chị Vân trong phát triển kinh tế gia đình và tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương vừa qua chị vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2016-2018.
Mai Lan