Trong những ngày đầu năm, tại một số đền, chùa, miếu mạo không khó để bắt gặp những khóa lễ cúng đầu năm hay cắt sao giải hạn (diễn ra sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 2 âm lịch). Vàng mã trong mỗi khóa lễ mục đích dâng cúng tiến thần thánh, tổ tiên thường nhiều về số lượng, đa dạng về mẫu mã, kích thước, từ thuyền rồng lớn, nhỏ, hình nhân thế mạng, ngựa, voi đủ mầu sắc, tiền vàng.
Nhất là, hiện nay "phú quý sinh lễ nghĩa", khi đời sống người dân được cải thiện thì đồ mã dâng lên gia tiên, thánh thần cũng tăng theo điều kiện kinh tế của gia chủ làm khóa lễ với biệt thự, ô tô, điện thoại thông minh... Dù biết là tốn kém, nhưng với suy nghĩ, đốt càng nhiều càng tốt, đồ đắt tiền thì sẽ có nhiều lộc và được bình an, vì vậy mỗi khóa lễ như thế này thường tốn không ít tiền của của người dân.
Bà Nguyễn Thị Hương, phường Phúc Thành (thành phố Ninh Bình) cho biết: Hàng năm gia đình bà đều tham gia khóa lễ đầu năm giải hạn cho các thành viên trong gia đình. Trong khóa lễ theo tín ngưỡng thường biếu mã như quần áo cho gia tiên, biếu các cụ các vật dụng sinh hoạt như tivi, tủ lạnh, xe máy và tiền âm. Mỗi khóa lễ riêng của gia đình cũng sắm mất khoảng 2-3 triệu đồng. Mặc dù biết tốn kém nhưng do tâm lý muốn gia tiên được đủ đầy nên hàng năm bà vẫn dâng và đốt vàng mã, đốt mã để yên tâm.
Trong năm 2018, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Công văn số 31 nhằm tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Do đó, để giữ được nét đẹp trong tập tục đốt vàng mã đúng theo tín ngưỡng thì cần điều chỉnh quy mô, nơi đốt và cách đốt sao cho văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, khuyến khích tiết kiệm, tránh mê tín, dị đoan.
Mặc dù việc đốt vàng mã được khuyến cáo không nên nhưng tại chợ Rồng - nơi cung cấp vàng mã lớn nhất tỉnh vẫn tấp nập người mua. Không những thế, tại các chợ xã, phường, thị trấn trong tỉnh, mặt hàng này vẫn là mặt hàng bán chạy dịp đầu năm. Bà Trịnh Thị Lẵng, tiểu thương bán hàng mã tại chợ 5 tầng (thành phố Ninh Bình) cho biết: Để phục vụ nhu cầu khách hàng, tiểu thương chúng tôi thường xuyên nhập hàng đủ mẫu mã, chủng loại gắn với sự phát triển của xã hội. Mấy năm nay, rất nhiều người thích mua vàng mã hình điện thoại, nhà lầu, ô tô và các mẫu đồ điện tử, điện lạnh. Tôi không chỉ bán mà còn nhận đặt hàng theo yêu cầu của khách.
Theo chia sẻ của Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó trưởng ban trị sự Giáo hội phật giáo tỉnh, Phó trụ trì chùa Bái Đính: Trong dịp đầu năm, mọi người thường có quan niệm năm sao xấu, bị hạn thì phải đốt nhiều hình nhân thế mạng, để thay thế. Có khi đàn lễ đốt cả chục triệu, thậm chí cả vài chục triệu tiền vàng mã, tiền hình nhân thế mạng. Tục đốt vàng mã có xuất xứ từ Trung Quốc từ thời Đường, người ta lấy vàng mã đốt cho người đã chết để thay cho tục tùy táng trước kia. Tập tục này tin rằng, sau khi chết, con người tồn tại dưới âm phủ vĩnh hằng.
Về bản chất, đạo Phật không khích lệ tập tục này. Bên cạnh đó, quan niệm đầu năm đốt hình nhân thế mạng để giải hạn là không có căn cứ, mà "họa phúc do mình tạo", vận hạn chỉ được giải khi tâm tốt, làm điều lành thiện, cuộc sống muốn thay đổi, muốn an yên phải do mình tự tu tâm, tích đức. Do đó, cách cắt sao giải hạn tốt nhất cho chính mình là luôn luôn làm việc tốt, nói lời hay, giúp đỡ người khác, không nên đốt vàng mã một cách thái quá. Việc ngừng các hoạt động mê tín dị đoan, trong đó có tục đốt vàng mã là điều cần thiết và số tiền ấy nên để làm việc nghĩa, việc thiện.
Bài, ảnh: Hồng Vân