Được biết, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, Bộ đã nhận được rất nhiều ý kiến từ phía xã hội đóng góp cho dự thảo. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Bộ đã tiếp thu những phương án hợp lý và khả thi để chốt phương án thi chính thức. Theo đó, phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2017 được thông qua chỉ có một số thay đổi. Thứ nhất, trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, mỗi tỉnh, thành phố sẽ tổ chức 1 cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì dành cho tất cả các thí sinh của địa phương. Các điểm thi được bố trí phù hợp để thuận lợi nhất cho thí sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ cử một số cán bộ, giảng viên từ các trường đại học, cao đẳng về các tỉnh để phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi.
Về điều chỉnh bài thi, thí sinh hệ giáo dục THPT sẽ làm 4 bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tự chọn (Khoa học xã hội hoặc Khoa học tự nhiên). Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi; điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đối với thí sinh hệ giáo dục thường xuyên, sẽ thi 3 bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, gồm 2 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 1 bài thi tự chọn (bài thi khoa học tự nhiên hoặc bài thi khoa học xã hội). Thí sinh có thể dự thi cả 4 bài thi; điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, thí sinh có thể thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào đại học, cao đẳng nếu có nguyện vọng. Một điều chỉnh nữa là số lượng câu hỏi trong đề thi mỗi môn thành phần của bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội sẽ có 40 câu hỏi trắc nghiệm làm trong 50 phút. Đề thi của bài thi Toán, Ngoại ngữ có 50 câu hỏi trắc nghiệm. Mỗi câu hỏi trắc nghiệm có 4 phương án trả lời với duy nhất 1 phương án trả lời đúng. Tất cả các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, riêng đề thi môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận gồm phần đọc hiểu và phần làm văn với thời gian làm bài trong 120 phút.
Về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 sẽ không có sự thay đổi nhiều so với năm 2016. Các trường sẽ được tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Thứ nhất, các trường có thể lấy kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 để làm căn cứ tuyển chọn thí sinh vào trường. Thứ hai, các trường có thể dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh. Thứ ba, các trường đại học, cao đẳng có thể dựa vào kết quả của thí sinh ở bậc THPT thông qua các đề án tự chủ tuyển sinh. Thứ tư, các trường có thể phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh nêu trên. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ sử dụng phần mềm để đưa ra danh sách dự kiến thí sinh trúng tuyển với kết quả phù hợp nhất cho các em. Các trường đại học, cao đẳng sử dụng danh sách này và căn cứ vào điều kiện cụ thể của trường mình để quyết định danh sách trúng tuyển. Điều này vừa bảo đảm quyền lợi của thí sinh, vừa hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng khắc phục tình trạng thí sinh "ảo".
Sau khi phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2017 được công bố, đặc biệt chiều 5-10, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đề thi minh họa đã tạo nên ý kiến nhiều chiều trong cán bộ, giáo viên và phụ huynh, học sinh. Có dịp tìm hiểu tâm tư của các thầy, cô giáo và học sinh tại một số trường THPT trong tỉnh chúng tôi nhận thấy, các thầy, cô giáo có bộ môn dự thi và nhiều học sinh lớp 12 cho biết, mối lo lớn nhất là làm sao để hoàn thành kịp các bài thi trắc nghiệm và cả tự luận. Cô giáo Nguyễn Thị Hoa, giáo viên dạy môn Ngữ văn lớp 12B5, Trường THPT Kim Sơn B cho biết: "Trong đề thi minh họa, phần làm văn vẫn giữ hai câu hỏi về nghị luận văn học và nghị luận xã hội, trong đó nghị luận xã hội không viết bài văn như trước mà chuyển thành viết đoạn văn khoảng 200 từ. Như vậy, về lượng kiến thức đã có sự giảm nhẹ so với năm trước. Hơn nữa, nội dung của phần nghị luận văn học chỉ tập trung vào chương trình lớp 12 nên có nhiều thuận lợi cho thí sinh. Đề thi minh họa cũng đã có những câu hỏi từ dễ đến khó để phân loại năng lực của học sinh. Như vậy, học sinh khối A, A1 sẽ đạt được mức điểm để xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, với thời lượng 120 phút, giảm 60 phút so với những năm trước lại là một thiệt thòi cho học sinh học khá môn Văn thi các khối C, D, vì các em phải rèn cách viết ngắn gọn, nếu không sẽ không đủ thời gian viết bài, từ đó sẽ khó đạt điểm cao. Và như vậy, chúng tôi buộc phải có cách ôn tập khác nhau đối với từng đối tượng học sinh để các em có thể hoàn thành bài thi của mình một cách tốt nhất…"
Em Phạm Thị Quỳnh Anh, học sinh lớp 12B5, Trường THPT Kim Sơn B chia sẻ: "Chúng em đã được thầy, cô giáo trong trường hướng dẫn cách ôn tập và thử nghiệm đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa được ban hành. Em thấy khá lo lắng vì thời gian làm bài ít quá, chắc chắn chúng em xoay sở sẽ không kịp. Cụ thể như các môn trong bài thi tổ hợp tới 40 câu nhưng chỉ làm trong 50 phút. Đặc biệt, phần hình học của môn Toán luôn mất nhiều thời gian, trong khi chỉ trong thời gian 90 phút, trả lời 50 câu hỏi Toán, có cả phần hình học và phần đại số, trong khi có cả tâm lý thi cử, liệu chúng em có hoàn thành được bài thi một cách tốt nhất?". Cùng chung nỗi lo như Quỳnh Anh, em Nguyễn Thị Kiều Nga, học sinh lớp 12A, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình) cho biết: "Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo nội dung thi chỉ gói gọn trong chương trình lớp 12 nhưng chúng em vẫn rất lo lắng. Nhất là nếu dự thi tổ hợp các môn khoa học xã hội thì cần phải trang bị rất nhiều kiến thức để có khả năng phân định những đáp án na ná và tương đối giống nhau để chọn đáp án đúng. Ngay cả với môn Giáo dục công dân, là lần đầu tiên có mặt trong kỳ thi, tuy là một môn học khá thú vị, dễ hiểu, nhưng trong thi cử, chắc chắn sẽ đòi hỏi thí sinh phải tư duy trước sự chọn lựa đúng - sai của những tình huống được đưa ra trong bài thi…".
Theo nhận xét của nhiều thầy, cô giáo giảng dạy tại các trường THPT, đề thi minh họa do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành có cấu trúc, mức độ, phân bố các nội dung kiến thức hợp lý, nằm trong chương trình lớp 12; trong đó nhiều nội dung tương tự đề thi của hai năm gần đây nên đã phần nào giải tỏa những băn khoăn, lo lắng cho học sinh. Tuy nhiên, số lượng câu hỏi và thời gian làm bài ít hơn, khiến các em khó có thể làm bài trọn vẹn để đạt kết quả cao nhất. Thêm vào đó, việc rút ngắn thời gian thi từ 4 ngày xuống còn 2 ngày, được đánh giá là tạo thuận lợi hơn cho thí sinh, nhưng đối với những em ở xa nơi thi, gặp khó khăn về sức khỏe, sẽ vất vả, áp lực khi phải làm liên tục nhiều môn thi. Và còn nhiều nỗi lo khác liên quan đến kỳ thi, như cách tổ chức thi chỉ còn giao lại cho một mình Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện; thời gian thi sớm hơn và cả nỗi lo không loại trừ là khả năng thời gian tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lại tiếp tục có những điều chỉnh, bổ sung, đổi mới…
Tìm hiểu phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 cho thấy, so với kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, kỳ thi năm nay có một số điểm mới cơ bản như: Chỉ có một loại cụm thi do các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì; thí sinh làm tối đa 5 bài thi; các môn: Toán, Địa lý, Lịch sử thi bằng hình thức trắc nghiệm; giảm thời gian thi môn Ngữ văn bằng hình thức tự luận xuống còn 120 phút. Năm nay là năm đầu tiên thi môn Giáo dục công dân và có các bài thi tổ hợp khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên. Cùng với đó, nội dung thi chỉ nằm trong chương trình lớp 12, mỗi thí sinh có một đề thi riêng khác nhau; điểm liệt được quy định là 1 điểm và chuyển lịch thi sang tháng 6, chỉ thi trong 2 ngày…
Mỹ Hạnh