Chị Lan (phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình) có hai con đang học Tiểu học, con lớn học lớp 5 và đứa bé năm nay vào lớp 1. Ngay từ tháng 8, chị Lan lên kế hoạch mua sắm dần quần áo mới, sách vở, cặp sách, đồ dùng học tập… cho 2 con đã tiêu tốn gần 5 triệu đồng. Bước vào năm học, đến giữa tháng 9, qua các cuộc họp phụ huynh, chị lại phải rút hầu bao hơn 5 triệu đồng nữa. Tổng chi phí cho 2 con bước vào năm học mới gần chục triệu đồng. Dù đã có kế hoạch để riêng một phần tiền từ trước đó nhưng không khỏi bị "hẫng".
Tìm hiểu thêm ở một số phụ huynh mới có con học Mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Ninh Bình được biết, các phụ huynh đều xác định có con đi học là phải có trách nhiệm đóng góp các khoản tiền hợp lý để nhà trường có điều kiện đầu tư thêm về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập cho con mình được học tập tốt hơn, nhưng có những khoản thu mà người nộp không thấy thoải mái. Được biết, những khoản thu đều do Ban đại diện phụ huynh đã họp và thống nhất với nhà trường… như Quỹ khuyến học của lớp, Quỹ khuyến học của trường, ủng hộ mua sắm thêm trang thiết bị cho phòng máy vi tính, ủng hộ thư viện mua thêm sách, ủng hộ mua máy chiếu, đóng tiền chăm sóc, cắt tỉa, mua cây xanh cho khuôn viên trường, tiền bảo vệ, tiền thù lao cho những người phục vụ ăn uống… các khoản đều được thông báo đã có sự bàn bạc, thống nhất của Ban đại diện phụ huynh với nhà trường, cha mẹ nào không thấy thoải mái cứ có ý kiến trên tinh thần dân chủ. Một số phụ huynh có ý kiến thắc mắc, thì được trả lời là tùy, không ủng hộ cũng được, đây là những khoản thu tự nguyện, không bắt buộc, nhưng những ý kiến đó chỉ là thiểu số, nên cuối cùng bao giờ "đa số cũng thắng thiểu số". Cùng với đó là tâm lý ngại ý kiến, sợ ảnh hưởng đến việc học tập của con, em mình nên hầu hết phụ huynh vẫn rút hầu bao nộp cho xong.
Một điều đáng nói là nhiều khoản lạm thu lại xảy ra nhiều ở các trường điểm, trường chuẩn, có cơ sở vật chất khá so với các trường khác. Mà theo thông lệ, các trường điểm, trường chuẩn hầu hết được đầu tư đầy đủ về mọi mặt mới đạt chuẩn, thì việc kêu gọi phụ huynh ủng hộ thêm nhiều khoản tiền như thế liệu có hợp lý?
Theo một số nhà quản lý giáo dục, để chấm dứt tình trạng lạm thu, việc tăng học phí là cần thiết, bởi việc thu học phí đã tồn tại hàng chục năm nay và không còn phù hợp, nên mới sinh ra các khoản thu khác. Và khi học phí đã tăng một cách hợp lý thì cần cấm tuyệt đối các khoản thu khác, tất nhiên vẫn cần có chính sách miễn, giảm học phí đối với những vùng khó khăn, học sinh có hoàn cảnh khó khăn… vì thực tế hiện nay, phụ huynh đang phải đóng các khoản phí còn cao hơn nhiều lần so với mức học phí được tính toán nếu tăng.
Hoàng Sơn