Đã thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt trong thời điểm thiên tai, dịch bệnh, các hoạt động từ thiện, nhân đạo thường xuyên được phát động và trở thành phong trào, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tình nguyện, hăng hái tham gia. Tuy nhiên, làm từ thiện như thế nào, có đúng lúc, đúng chỗ và công khai, minh bạch hay không là vấn đề cần quan tâm. Từ đó đòi hỏi, hoạt động từ thiện cần được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, từ đó mới đem lại những giá trị tốt đẹp như nó vốn có.
Xung quanh câu chuyện làm từ thiện
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội nổi lên những câu chuyện được bàn luận về việc làm từ thiện không minh bạch của một số hội, nhóm, đặc biệt là một số cá nhân người nổi tiếng, đã đứng ra kêu gọi, vận động, quyên góp và hỗ trợ trực tiếp cho bà con vùng lũ lụt miền Trung năm 2020.
Nhiều người nổi tiếng là ca sĩ, diễn viên được cho là đã không công khai, minh bạch được số tiền mà người dân, các mạnh thường quân đã ủng hộ, chuyển vào tài khoản cá nhân. Cụm từ "sao kê" trở thành từ khóa được nhiều người tìm kiếm và gây ra nhiều tranh cãi, bàn luận trên diễn đàn mạng xã hội.
Rõ nhất là việc một nghệ sĩ hài danh tiếng, đã phải thừa nhận giữ số tiền gần 14 tỷ đồng trước đó quyên góp trao tặng đồng bào lũ lụt miền Trung, nhưng sau hơn nửa năm vẫn chưa chuyển đến tay người nhận. Cho đến khi sự việc được nhắc tới, mới gấp rút chuyển cho Ủy ban MTTQ địa phương để "chữa cháy" và biện minh bằng nhiều lý do không thuyết phục.
Hay một số nghệ sĩ khác, số tiền được ủng hộ lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng khi được yêu cầu sao kê số tiền chuyển đến, rút ra làm từ thiện, thì không thấy sự hợp lý, nhiều khoản tiền nội dung chi cho thấy không phù hợp...
Việc đúng hay sai, mức độ như thế nào, hãy để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra sẽ làm rõ. Tuy nhiên, có một điều ai cũng nhìn thấy, là uy tín, danh dự của các văn, nghệ sĩ đã bị ảnh hưởng rất nhiều, thậm chí còn bị tẩy chay. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho việc làm từ thiện, dù ở quy mô, cấp độ nào, cũng rất cần sự công khai, minh bạch, rõ ràng các khoản thu-chi, tạo niềm tin, sự yên tâm, thoải mái nhất cho những người đã tin tưởng, trao gửi tiền bạc, tình cảm của họ cho người họ tin tưởng để thay họ làm cầu nối đến đối tượng cần trao gửi.
Theo bà Hoàng Thị Dung, Chủ nhiệm CLB "Nồi cháo yêu thương" huyện Kim Sơn, để duy trì hoạt động thường xuyên của CLB hơn 5 năm qua, với trên 50 thành viên hoạt động ý nghĩa và ngày càng hiệu quả, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất và công khai, minh bạch, rõ ràng tất cả các khoản kêu gọi, nguồn thu-chi, các đối tượng được hỗ trợ, trao tặng quà. Làm được tốt những điều đó, thì hoạt động của CLB mới lâu dài, bền vững và hiệu quả.
"Từ ban đầu CLB chỉ có khoảng chục thành viên hoạt động, đến nay đã tăng lên gấp nhiều lần. Không chỉ có các hoạt động từ thiện thường xuyên, CLB đã tạo được sự thống nhất, đoàn kết rất cao khi cần kêu gọi cho các hoạt động từ thiện đột xuất, bất ngờ. Tiêu biểu như đợt dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Kim Sơn, chỉ trong vài ngày, các thành viên trong CLB đã đóng góp và kêu gọi được hàng chục triệu đồng tiền mặt và nhiều phần quà gồm sữa bánh, khẩu trang y tế, kính chắn giọt bắn, các loại thực phẩm, rau củ quả..., trị giá gần trăm triệu đồng, trao tặng cho lực lượng tuyến đầu và công dân thực hiện cách ly tập trung..." - bà Dung cho biết.
Còn theo chị Nguyễn Thị Thủy, Phó trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sở dĩ thời gian qua, cá nhân chị nói riêng và Phòng Công tác xã hội nói chung, đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các nhà hảo tâm đến bệnh nhân nghèo, mắc bệnh nan y bằng nhiều phần quà, tiền chữa bệnh, những bữa cơm miễn phí..., là do các hoạt động từ thiện được tiếp nhận và thực hiện trên cơ sở công khai, rõ ràng đến từng nghìn đồng, theo từng đợt và kết thúc đợt nào, được đưa công khai trên mạng xã hội như zalo, fecebook, điện thoại, giúp các nhà hảo tâm nắm bắt được cụ thể.
"Gần đây, chúng tôi kêu gọi những bữa cơm miễn phí cho các bệnh nhân nghèo, gia đình khó khăn, nằm viện điều trị dài ngày, mắc bệnh nan y... Thực sự việc làm này mất khá nhiều thời gian, từ chắp mối với các khoa, phòng chọn đối tượng, đến liên lạc với các nhà hảo tâm để họ chuyển tiền, rồi chuyển tiền thành phiếu các bữa ăn đem đến tận tay đối tượng thụ hưởng. Sau đó còn phải ghi chép tỉ mẩn số tiền nhận được, đầu ra-đầu vào..., để thông báo cho nhà hảo tâm biết. Công việc bận rộn, lại phải tỉ mỉ như vậy, nhưng chúng tôi thấy vui vì đã góp phần giúp cho những bệnh nhân nghèo vơi bớt khó khăn..." - chị Thủy khẳng định.
Các tổ chức, cá nhân trao tặng quà ủng hộ nhân dân các tỉnh miền Nam chống dịch COVID-19.
Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình cho biết: Tại Điều 5, Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định về các tổ chức, đơn vị được vận động, tiếp nhận gồm: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định 148/2007/NĐ-CP. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho phép.
Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Việc các cá nhân kêu gọi quyên góp từ thiện như hiện nay chưa được pháp luật cho phép theo Nghị định số 64 năm 2008 của Chính phủ. Tuy nhiên, qua hơn chục năm đi vào thực hiện, hiện Nghị định 64 đã nảy sịnh nhiều những bất cập cần được sửa chữa, bổ sung, điều chỉnh kịp thời, để phù hợp với thực tế cuộc sống.
Cũng theo ông Bùi Trọng Kỳ, việc các tổ chức, cá nhân đứng lên kêu gọi quyên góp, từ thiện để tổ chức các hoạt động thiện nguyện, đảm bảo an sinh xã hội..., là những hành động và hình ảnh đẹp, cần được khuyến khích, nhân rộng. Tuy nhiên, các hội, nhóm, cá nhân khi làm từ thiện cần phối hợp, tham khảo ý kiến của các cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện công tác cứu trợ, nhân đạo, từ đó, việc thực hiện quy trình cứu trợ sẽ hiệu quả và đúng quy định.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 64 năm 2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, để trình Chính phủ ban hành.
Hi vọng, quy định mới về việc làm từ thiện nhân đạo sẽ chặt chẽ, phù hợp với thực tế hiện nay, khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đều có thể chung tay cho công tác từ thiện nhân đạo, góp phần để công tác này dần đi vào nề nếp, thực sự mang đúng ý nghĩa và theo đúng quy định của pháp luật.