Chăn nuôi lợn, gà vốn chẳng xa lạ gì với một nông dân như anh Đinh Quốc Huy, xã Yên Đồng (huyện Yên Mô). Nhưng nếu như những năm trước đây, anh chăn nuôi thường xuyên bị thua lỗ thì bây giờ, với đầy đủ hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, hiện đại, việc chăn nuôi đã trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn nhiều.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan khu trang trại chăn nuôi của gia đình, anh Huy cho biết, tất cả thành quả nho nhỏ này có được là nhờ nguồn vốn sau 8 năm anh đi làm việc ở Đài Loan.
Anh Huy chia sẻ: Học xong THPT, tôi ở nhà làm nghề nông với gia đình. Tuổi trẻ nhiều nhiều khát vọng, tôi muốn làm giàu từ cái nghề vất vả ấy. Nhưng vốn liếng không có, thành ra có chăn nuôi cũng chỉ ở mức nhỏ lẻ, hiệu quả không cao. Bàn với gia đình, tôi quyết định đăng ký đi làm việc có thời hạn ở Đài Loan. Những năm làm việc bên xứ người, tôi tích cóp được số vốn kha khá, không những vậy, tôi cũng đã gặp được người phụ nữ của cuộc đời mình. Kết thúc thời hạn làm việc theo hợp đồng, chúng tôi về nước, tổ chức lễ cưới và bắt đầu khởi nghiệp bằng số vốn tích lũy được.
Có nhiều hướng phát triển kinh tế khi đã có số vốn nhất định ở trong tay, song tôi vẫn quyết tâm bám trụ với lĩnh vực chăn nuôi"- anh Huy chia sẻ. Nghĩ là làm, anh Huy xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại để nuôi lợn và gà. Ngoài ra, anh Huy mở một cửa hàng tạp hóa và bán thức ăn chăn nuôi do vợ anh trực tiếp quản lý, đồng thời mua một chiếc xe tải nho nhỏ vừa phục vụ cho công việc của chính gia đình và có thể làm dịch vụ vận tải mỗi khi rảnh rỗi. Không làm xuể việc, anh Huy thuê hai nhân công theo mùa vụ với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, trừ các khoản chi phí, mô hình chăn nuôi và buôn bán cũng mang về cho gia đình anh Huy từ 200-300 triệu đồng tiền lãi.
Những câu chuyện "đổi đời" nhờ XKLĐ như anh Huy không phải là hiếm. Song, nhiều năm trước, công tác XKLĐ ở tỉnh ta còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do thiếu vốn. Bởi vậy, khi Đề án số 12 của tỉnh về "Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động tỉnh Ninh Bình đến năm 2020" được triển khai đã mở ra một cơ hội lớn cho người lao động. Theo đó, mức hỗ trợ và đối tượng được hưởng hỗ trợ về kinh phí đi XKLĐ đã được tăng lên đáng kể bởi Đề án đã dành trên 45 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động vay vốn đi XKLĐ trong giai đoạn từ 2018-2020..
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, công tác XKLĐ của tỉnh đã có bước tiến chắc chắn. Nếu như từ năm 2015 đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 6 nghìn lao động đi xuất khẩu thì có tới hơn một nửa trong số lao động đó đã xuất cảnh trong khoảng thời gian bắt đầu triển khai thực hiện Đề án số 12 (2018-2019).
Theo ước tính, hơn 6 nghìn lao động đi xuất khẩu này đã gửi về nước khoảng 600 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế cho nhiều hộ gia đình. Trong số lao động đi xuất khẩu theo chương trình của Đề án 12 chưa có lao động nào gặp khó khăn về vấn đề việc làm, thu nhập, an ninh… ở bên nước bạn. Đáng chú ý là không chỉ lao động ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả những lao động ở trên địa bàn có kinh tế phát triển sôi động nhất cũng đã tích cực đi XKLĐ, ví như thành phố Ninh Bình.
Với nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế, người lao động trên địa bàn thành phố Ninh Bình không khó để tìm kiếm cơ hội việc làm với mức thu nhập phù hợp. Đó là lý do ít người quan tâm tới công tác đi XKLĐ. Năm 2018, thành phố chỉ đạt 60% chỉ tiêu kế hoạch giao. Nhưng bước vào năm 2019, thành phố Ninh Bình đã đạt được kết quả khá ấn tượng khi lần đầu tiên có số lao động đi xuất khẩu đạt trên 100 người, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Kết quả đó càng tiếp thêm động lực để thành phố có nhiều giải pháp sáng tạo, thiết thực trong tuyên truyền, vận động lao động đi lao động ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Năm 2019, số lao động đi xuất khẩu đạt 1.589 người và là năm thứ hai liên tiếp vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Tuy con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng lao động trên thực tế ở các địa phương, song đã đánh dấu sự chuyển biến tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và bản thân người lao động đối với công tác XKLĐ.
Tuy nhiên, để sớm trao cơ hội thoát nghèo và làm giàu bền vững cho lao động tỉnh nhà, công tác XKLĐ của tỉnh ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Bởi qua quá trình ngành Lao động đi kiểm tra, giám sát và trực tiếp nghe các địa phương thẳng thắn phân tích rõ những hạn chế cho thấy, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa thực sự sát sao, trách nhiệm. Chất lượng công tác rà soát nhu cầu lao động của các thôn, xóm vẫn còn thấp, thậm chí là thiếu chính xác.
Nhiều đơn vị xã, phường chưa nắm rõ được đối tượng khảo sát, chưa phân loại để tập trung tuyên truyền nên chất lượng rà soát chưa cao. Nhiều trưởng thôn không nắm được và tuyên truyền không hết chính sách hỗ trợ vay vốn dẫn đến người lao động không được hưởng chính sách vay vốn ưu đãi hoặc ngại ngần trước các thủ tục vay mà bỏ qua cơ hội này… Tuy nhiên, những hạn chế này đang được các địa phương tích cực khắc phục.
Hiện nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, các doanh nghiệp thực hiện XKLĐ và các địa phương tổ chức các hội nghị tuyên truyền thông tin về XKLĐ đến tận người dân. Qua các buổi tuyên truyền cho thấy, không chỉ cán bộ địa phương mà đã có rất nhiều gia đình, người lao động đến tìm hiểu thông tin để lựa chọn cho bản thân một thị trường lao động phù hợp với trình độ, tay nghề và khả năng tài chính.
Đào Hằng- Minh Quang