Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn tập trung vào quần áo, thực phẩm, xi măng, clanhke…, còn những mặt hàng thủ công mỹ nghệ lại giảm đáng kể như: hàng thêu ren giảm 44,3%; sản phẩm cói giảm 77,8%... Mặc dù tỉnh đã có nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, tuy nhiên việc xuất khẩu các mặt hàng này trong nhiều năm trở lại đây đang giảm sút nghiêm trọng. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này mặc dù đã "xoay" đủ hướng nhưng vẫn chưa tìm được lối ra thích hợp.
Kỳ I: Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tăng trưởng khó khăn
Ông Đoàn Lan, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đổi Mới (Kim Sơn) tỏ rõ sự tiếc nuối với quá khứ kinh doanh thuận lợi của doanh nghiệp. Cách đây khoảng 6-7 năm, doanh nghiệp từng sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu của các khách hàng truyền thống đến từ Mỹ, châu Âu. Mỗi năm xuất khẩu trực tiếp của Công ty đạt từ 1,5-2 triệu USD thì vài, ba năm trở lại đây do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, người tiêu dùng toàn cầu có xu hướng thắt chặt chi tiêu nên đơn hàng giảm rõ rệt. Năm 2010, xuất khẩu của Công ty chỉ đạt 800 nghìn USD. Trong khi đó, lương công nhân và các chi phí khác như điện, nước đều tăng, lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng, có thời điểm lên đến 28%/năm dẫn đến việc doanh nghiệp buộc phải co lại, sản xuất cầm chừng. "Để duy trì được hoạt động, doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, chỉ để những lao động có tay nghề cao, tăng ca và tiết kiệm tối đa các khoản chi tiêu trên mọi lĩnh vực như: công tác phí, văn phòng phẩm, chế độ du lịch của công nhân... chỉ để tập trung cho sản xuất", ông Đoàn Lan nói.
Mặc dù doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm thêm thị trường, khách hàng mới, nhưng hướng đi này cũng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Năm 2012, doanh thu từ xuất khẩu trực tiếp cũng đạt trên 870 nghìn USD. Kế hoạch năm 2013, doanh nghiệp phấn đấu xuất khẩu đạt 1 triệu USD, nhưng 6 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp mới chỉ đạt 76,1 nghìn USD, đạt 7,6% kế hoạch năm.
Không chỉ có doanh nghiệp Đổi Mới mà hầu hết các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cói đều ở trong tình trạng trên. Kết thúc 6 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu của Xí nghiệp tư doanh Quang Minh đạt 74,9 nghìn USD, đạt 37,5% kế hoạch năm; Xí nghiệp tư doanh Quang Phong đạt 5 nghìn USD, đạt 5 % kế hoạch năm; Xí nghiệp tư nhân cói Năng Động đạt 11 nghìn USD, đạt 5,5% kế hoạch năm.
Lĩnh vực thêu ren truyền thống cũng không mấy sáng sủa. Chị Nguyễn Thị Yến, Phó Giám đốc Doanh nghiệp thêu Minh Trang (Hoa Lư) cho biết: Cách đây chưa đến chục năm, số doanh nghiệp xuất khẩu hàng thêu ở Hoa Lư có gần 10 doanh nghiệp, cả xã Ninh Hải nhộn nhịp bởi nghề thêu. Nghề thêu trở thành nghề chính nuôi sống gia đình. Thế nhưng 5 năm trở lại đây, do suy thoái kinh tế, doanh nghiệp còn trụ lại được với nghề trên địa bàn huyện Hoa Lư chỉ còn 3-4 doanh nghiệp. Nguyên nhân chính theo chị Yến là do các doanh nghiệp từ trước đến nay quá phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu ở các nước châu Âu. Do đó, khi khủng hoảng kinh tế, người dân các nước thắt chặt chi tiêu, mặt hàng thêu ren xuất khẩu được xem là mặt hàng xa xỉ cần phải cắt giảm dẫn đến hàng loạt các doanh nghiệp thêu ren trong tỉnh điêu đứng.
Với quyết tâm phải sống được bằng nghề truyền thống của quê hương, doanh nghiệp của chị đã phải "xoay" đủ hướng để có đơn đặt hàng. Doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển hướng từ thị trường châu Mỹ, châu Âu sang các nước châu á và thị trường nội địa. Việc tìm cho mình hướng đi mới đã giúp doanh nghiệp Minh Trang vẫn trụ vững trong lĩnh vực này. Năm 2012, doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp đạt 227,4 nghìn USD; 6 tháng đầu năm 2013, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp đạt 310,5 nghìn USD, đạt 124,2 % kế hoạch năm.
Tuy nhiên, Minh Trang là điểm sáng duy nhất trong bức tranh xuất khẩu hàng thêu mỹ nghệ 6 tháng đầu năm 2013, còn lại các doanh nghiệp khác đều đang rất ảm đạm như: Doanh nghiệp tư nhân Yến Nhi giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 22,5 nghìn USD, đạt 22,5% kế hoạch năm; Doanh nghiệp Văn Lâm, đạt 101,6 nghìn USD, đạt 40,6% kế hoạch năm; Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Đông Thành đạt 425,8 nghìn USD, đạt 9,9% kế hoạch năm…
Theo đánh giá của ông Lê Văn Hoan, Trưởng phòng Kế hoạch- Tổng hợp (Sở Công thương): Nguyên nhân chính của việc giảm sút kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ trong tỉnh là do suy thoái kinh tế tại các nước châu Âu, châu Mỹ vốn là bạn hàng truyền thống của ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ rất khó để có thể tăng trưởng cao vì đây là mặt hàng có giá thành thấp. Ví dụ như 1 container cói chỉ có giá trị khoảng vài chục nghìn USD, do vậy không thể so sánh kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ với các mặt hàng công nghiệp khác.
Bên cạnh đó, các mặt hàng thêu ren của Ninh Bình hiện đang phụ thuộc từ 50-60% nguyên liệu nhập khẩu như: vải, chỉ…, trong khi đó giá thành sản phẩm không thay đổi do đơn hàng đã có trước, cộng với chi phí cho vận chuyển, nhân công quá cao nên khi có biến động về giá nguyên liệu thì ngay lập tức ngành thêu ren gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp dẫn đến thua lỗ. Ông Lê Văn Hoan cũng cho biết thêm, mặt hàng thêu vẫn được thế giới rất ưa chuộng. Tuy nhiên, do suy giảm kinh tế nên một số nước như Anh, Đức, Mỹ dần chuyển từ hàng thêu tay sang thêu máy rẻ tiền hơn, số lượng sản xuất nhiều, mẫu mã đa dạng. Đối với mặt hàng này thì Việt Nam không thể cạnh tranh được với một số nước như Trung Quốc và một số nước Châu á vì nguyên liệu và máy móc chúng ta đều nhập khẩu, do đó giá thành sản phẩm khi xuất khẩu sẽ rất cao. Trong khi kinh nghiệm thị trường quốc tế của doanh nghiệp trong tỉnh còn rất hạn chế. Mặt khác, ngành hàng thủ công mỹ nghệ và làng nghề truyền thống ở Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung hiện tại còn thiếu tính liên kết giữa khoa học và mỹ thuật học trong việc thiết kế mẫu mã, sản xuất sản phẩm.
Ông Đoàn Lan, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đổi Mới cho rằng: Trong khi xuất khẩu khó khăn thì những mặt hàng thủ công mỹ nghệ như cói, thêu ren của Ninh Bình lại rất khó tiêu thụ ở thị trường trong nước. Nguyên nhân của vấn đề này không chỉ là do thói quen tiêu dùng của người Việt mà bản thân các doanh nghiệp cũng thờ ơ với thị trường nội địa chỉ tập trung cho xuất khẩu nên quên mất phải nghiên cứu những sản phẩm phù hợp với thị hiếu và khí hậu của Việt Nam để có thể chuyển hướng từ xuất khẩu sang tiêu thụ tại chỗ trong thời điểm khó khăn như hiện nay.
Mặc dù cùng quan điểm với những phân tích trên nhưng ông Hà Quang Điệp, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại lại cho rằng: Việc suy giảm kinh tế có ảnh hưởng đến việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ở tỉnh ta. Tuy nhiên, yếu tố then chốt của việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ giảm sút trong nhiều năm trở lại đây còn do yếu tố nội tại của các doanh nghiệp dẫn đến việc doanh nghiệp bị tụt hậu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Nguyễn ThơmKỳ II