Kỳ 1: Một thuở quai đê, lấn biển
Trong ký ức của những người đi mở đất ở Kim Đông đó là vùng hoang vu bộn bề gian khó với đầy rẫy những muỗi, lau lác và những cơn sốt rét ác tính... đã cướp đi không ít sinh mạng của bao người.
Ông Nguyễn Xuân Quang là một trong những người đi mở đất ở Kim Đông nhớ lại: Đầu năm 1985, tôi đang là sĩ quan ở Trung đoàn vận tải 653 thuộc Cục hậu cần (Quân khu 3) thì có lệnh của cấp trên cử về công tác tại Đoàn 500 để thực hiện nhiệm vụ quai đê, lấn biển. Nhập đơn vị, tôi được phân công nhiệm vụ chính là đào đất, đắp đê. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm xúc ngày đầu tiên đặt chân đến Kim Đông, đó là tâm trạng mông lung đến nổi gai ốc khi trước mặt mình là vùng đất hoang lạnh, mênh mông biển trời, phía xa xa những con sóng cứ cuồn cuộn kéo vào bờ như muốn cuốn phăng tất cả...
Sự khó khăn của những người lính Đoàn 500 trong những năm tháng đi mở đất khó có thể nói hết thành lời, chỉ biết rằng đã có không ít đồng đội của ông Quang phải ngã xuống vì mắc dịch tả, vì sốt rét, vì tai nạn lao động. Ông kể: Để có nước ngọt uống, chúng tôi phải lấy những ống lác rồi tìm lỗ con cua đưa ống lác vào đó mút nước uống. Có lẽ vì vậy mà nhiều người bụng dạ yếu không chịu nổi đã mắc dịch tả rồi vĩnh viễn nằm lại vùng đất này. Còn những con sóng dữ thì luôn thách thức sự kiên trì, nhẫn nại của người lính. Có những ngày, cả đơn vị đắp được con đê to, dài gần 1km, chúng tôi hò reo, đốt pháo ăn mừng. Thế nhưng sáng hôm sau, khi mọi người thức giấc, nhìn ra phía con đê mới đắp đã chẳng còn gì ngoài sóng biển mênh mông... Giọng trầm xuống, ngắt quãng, ông Quang đưa mắt nhìn vào khoảng xa xăm trước biển nói tiếp: "Đã có lúc tôi và nhiều đồng đội cảm thấy việc đắp đê như một câu chuyện hoang tưởng và những người lính như những con dã tràng vậy"...
Cùng nằm trong quân số những người đi mở đất Kim Đông thuộc Đoàn 500 với ông Quang là ông Trần Dình. Trong hồi ức của ông Dình, năm tháng đi mở đất là giai đoạn những người lính đã vượt qua gian khổ, thiếu thốn trăm bề. Với bản lĩnh kiên cường, từ quân đến tướng chung một ý chí quyết tâm thắng "thần biển" để đắp cho bằng được những con đê ngăn sóng, giữ đất phù sa trồng cấy. Thời gian đầu khi máy móc chưa có, tất cả mọi công việc lấn biển đều làm bằng sức người. Hàng ngày, các cán bộ, chiến sĩ cần mẫn ngâm mình dưới bùn đen để xúc từng xẻng đất, chuyền tay nhau đổ xuống biển. Có những đoạn họ vật vã đắp đi đắp lại đến chục lần vẫn chưa hoàn tất nổi, vì những con sóng dữ đã cuốn trôi tất cả. Trước tình thế đó, nhiều đơn vị thuộc Quân khu 3 đã họp bàn, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra và quyết định: Trước khi đắp đê phải trồng các loại cây chắn sóng như cây vẹt, cây sú, sau đó đắp thành những bờ mương nhỏ như xương cá... để làm cho biên độ sóng giảm dần, rồi mới đắp những đoạn đê to. Sức người giằng co với sức biển, bằng ý chí, bằng khoa học, bằng niềm tin, những người lính Đoàn 500 đã chiến thắng. Đê Bình Minh I, II, III từng bước được hình thành là một minh chứng. Từ những con đê này đã mở ra hàng trăm ha bãi bồi trù phú hôm nay.
Quai đê xong, thực hiện chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Quyết khi đó là Chính ủy Quân khu 3: "Trong chiến tranh không để súng ngủ, người ngủ; trong hòa bình không để đất lười, người lười, vươn ra biển Đông làm giàu, đánh thắng", cán bộ, chiến sĩ Đoàn 500 lại bắt tay đào sông, đắp đường, thau chua rửa mặn, sớm đưa vùng đất sa bồi màu mỡ vào canh tác. Những cây lúa, cây cói được đưa vào trồng cũng là lúc nhiều cư dân mới ở khắp mọi miền tề tựu về đây sinh cơ, lập nghiệp. Đoàn 500 sau khi hoàn thành nhiệm vụ cũng từng bước rút quân, riêng ông Quang, ông Dình và một số người sau khi rời quân ngũ đã quyết định ở lại gắn bó với vùng đất này.
"Vợ chồng mình đều là lính của Đoàn 500. Mình quê Thái Bình, còn vợ quê Hải Dương. Cả hai là một trong những người đầu tiên về đây khai hoang, lập đất, mồ hôi và công sức bỏ ra không ít, phải chịu nhiều gian khổ, hiểm nguy, thành ra yêu mảnh đất này không nỡ rời xa nên quyết định ở lại"-ông Quang tâm sự.
Còn ông Dình cho hay: Khi tôi quyết định chọn Kim Đông là nơi lập nghiệp, nhiều người ái ngại. Nhưng tôi thấy đất đai ở đây màu mỡ, khí hậu ôn hòa, con người lại thủy chung, đôn hậu nên đã thuyết phục gia đình chọn Kim Đông làm quê hương thứ hai.
Kỳ 2: Vươn ra biển Đông làm giàu
Về Kim Đông, rảo bước trên đê Bình Minh II, phóng tầm mắt ra xa những cánh buồm từ từ cập bến, phía trong đê, nhiều ao đầm đã sum suê cây trái..., tạo nên nét chấm phá cho bức tranh quê biển đang độ sang xuân.
ở Kim Đông, "Vươn ra biển Đông làm giàu, đánh thắng" từ lâu đã trở thành phương châm hành động của nhiều người dân. Bởi với họ, công cuộc khai hoang, lấn biển, chinh phục thiên nhiên chưa bao giờ dứt.
Những năm đầu, người Kim Đông chủ yếu trồng cói và lúa. Nhưng do đất bị xâm nhập mặn nên việc trồng cấy không hiệu quả. Đến năm 2001, được sự đồng ý của Chính phủ, xã đã chuyển diện tích trồng cói sang nuôi trồng thủy sản và đến năm 2004, 100% diện tích đã được chuyển đổi (431 ha) sang nuôi trồng thủy sản, con nuôi chính là cua rèm xanh, tôm sú, tôm thẻ chân trắng.
Thời gian đầu, tôm, cua ở cửa biển nhiều vô kể, nhờ vậy mà nhiều hộ giàu lên rất nhanh. Đã có hàng trăm gia đình ở Kim Đông không ngần ngại thế chấp cả nhà cửa, đất đai, vườn tược của mình để đầu tư nuôi tôm, cua biển. Nhưng do việc quy hoạch đầm nuôi chưa hợp lý, hệ thống cấp thoát nước chưa phù hợp, trong khi đó nhiều nông dân lại thiếu kiến thức nhất định về việc nuôi trồng thủy sản… nên tôm, cua bị dịch bệnh, mùa màng thất thu. Nhiều hộ trắng tay, cuộc sống khó khăn, còn Kim Đông thì bị "liệt" vào hàng những xã đặc biệt khó khăn của huyện Kim Sơn. Ông Trần Dình là một trong những hộ từng gặp thất bại sau một số năm nuôi tôm, cua thành công. Thất bại của nghề nuôi trồng thủy sản đã giúp ông Dình nhận ra một điều, làm kinh tế chỉ chịu thương, chịu khó thôi chưa đủ mà cần phải có kiến thức, khoa học. Bản chất người lính đi mở đất đã không cho phép ông Dình chùn bước trước gian khó. Một lần nữa ông bắt tay vào công cuộc cải tạo ao đầm, thau chua, rửa mặn, khử trùng và cẩn trọng hơn trong lựa chọn giống con nuôi. Ngoài nuôi trồng thủy sản theo phương thức quảng canh, ông cùng vợ con đưa các loại cây ăn trái vào trồng khảo nghiệm. Sau nhiều năm kiên trì, hiện nay ông Dình đã sở hữu gần 1 ha với nhiều loại cây ăn trái cho thu nhập cao như: Hồng xiêm, bưởi Diễn, xoài, ổi... và 2 đầm nuôi tôm, cua, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Điều đặc biệt là các loại cây ăn quả của vùng như dưa lê, ổi, xoài, táo, hồng xiêm, thanh long... đều sai quả mà hương vị lại rất đậm đà, mang đặc trưng riêng có của vùng bãi bồi nên được thị trường ưa chuộng. Chính vì vậy nông dân ở đây không khó nhọc trong tìm đầu ra cho sản phẩm, bởi vào mùa thu hoạch là thương lái khắp miền tìm đến đặt mua. Ông Dình phấn khởi nói: Chất đất màu mỡ lại pha chút mặn mòi của biển nên hoa quả ở đây rất thơm, ngon. Hơn 10 năm theo đuổi việc trồng cây ăn trái, đến nay vườn cho thu hoạch cao, cuộc sống gia đình tôi đã khấm khá hơn... Để phát triển cây ăn trái bền vững, ông Dình và nhiều hộ nông dân Kim Đông cam kết thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, đảm bảo cung cấp cho thị trường những mặt hàng nông sản sạch, góp phần xây dựng thương hiệu cho sản vật của vùng.
Cũng như ông Trần Dình, khi nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn, nông dân Kim Đông đã tìm mọi cách để chuyển đổi phương thức sản xuất nhằm khai thác tối đa tiềm năng từ đất bãi bồi. Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với cải tạo vườn tạp, đất gò đầm để trồng các loại cây ăn quả đã mở ra hướng đi mới cho người Kim Đông. Theo đó, hàng chục héc-ta đất gò đầm hoang hóa trước đây, nay được thay thế bằng những vườn thanh long, vườn táo, vườn ổi… cho giá trị kinh tế cao. Diện tích ao nuôi trồng thủy sản đã chủ động hơn về nguồn nước, tình trạng xâm nhập mặn hạn chế nhờ có nhiều tuyến đê được hình thành. Hiện toàn xã có 788 hộ làm đầm, trồng cây ăn quả cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, trong số đó có cái tên Trần Dình, Nguyễn Xuân Quang...
Đồng chí Trần Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Kim Đông cho biết: Nói Kim Đông là vùng đất mở, không hẳn chỉ là mở mang về bờ cõi lấn biển, mà Kim Đông ngày nay còn là vùng đất mở với những sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa. Tháng 4/1998, xã Kim Đông chính thức được thành lập với tổng diện tích trên 652 ha. Ban đầu chỉ có 361 hộ với 1.704 khẩu ở các xã trong huyện Kim Sơn và một số tỉnh, thành phố khác. Sau 2 đợt di dân, hiện nay Kim Đông đã có 1.778 hộ với gần 5.000 nhân khẩu, trong đó 47,5% đồng bào theo đạo công giáo. Những người dân ở 130 xã, 27 huyện thuộc 13 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tề tựu về đây, đưa Kim Đông trở thành địa phương đa dạng về văn hóa vùng miền. Đảng bộ Kim Đông khi mới thành lập chỉ có 22 đảng viên, sinh hoạt tại 3 chi bộ, nay đã có 11 chi bộ với 127 đảng viên. Hiện nay, HTX Kim Đông, HTX dịch vụ thủy sản và nông nghiệp Kim Đông đã thực hiện liên kết trong sản xuất, góp phần gắn kết hơn mối quan hệ "4 nhà" (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp). 100% tuyến đường dong, ngõ xóm được đổ bê tông thay thế cho những con đường đất lầy lội xưa kia. Đặc biệt, hiện xã đã khắc phục được tình trạng xâm nhập mặn, ngọt hóa hàng trăm ha đất nông nghiệp. Bến xe Kim Đông, cảng tổng hợp Kim Sơn, chợ đầu mối thủy sản Kim Đông được xây dựng đã tạo thuận lợi cho thông thương phát triển. Chính vì vậy, mà thu nhập của người dân từng bước được nâng cao. Kim Đông cũng là một trong những địa phương đầu tiên cán đích nông thôn mới của huyện Kim Sơn (năm 2014).
Mùa xuân này về với Kim Đông, trong âm thanh rì rào biển hát chúng tôi cảm nhận rõ hơn nhịp sống mới trên vùng đất mở. Những vườn cây ăn trái sum suê, ao đầm nuôi hải sản được quy hoạch hợp lý, hiệu quả đã làm thay đổi bao phận người. Theo thống kê sơ bộ, mỗi năm vùng đất này được phù sa bồi đắp mở rộng ra biển hơn 100m đất, tạo thêm cơ hội để người Kim Đông vươn ra biển. Công cuộc quai đê lấn biển đã không còn là chuyện hoang tưởng với những người đi mở đất năm xưa. Khó có thể đong đếm mồ hôi, nước mắt của những người đi mở đất đã đổ xuống vùng đất này nhưng thành quả của họ đã hiện hữu. Trong hành trình tiến ra biển, làm chủ biển, người Kim Đông đã và đang viết nên những khúc tráng ca tình đất-tình người.
Đinh Ngọc