Đó còn là cảm giác bình yên khi ngút tầm mắt là bạt ngàn màu xanh của những cánh rừng và đâu đó văng vẳng bên tai những tiếng chim gù khoan thai đếm từng nhịp thời gian. Hôm nay, đến với Phú Long, nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang, hiện đại đã mọc lên thay thế cho những mái lá đơn sơ, lụp xụp. Sắc xuân đang hiện hữu qua từng nếp nhà của đồng bào vùng cao và lòng người bỗng dâng lên niềm cảm xúc lâng lâng, chộn rộn...
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Tiến Dũng hồ hởi đón chúng tôi như những người thân. Anh nói: Bây giờ nhà báo đến với chúng tôi đã nhanh hơn trước rất nhiều rồi chứ? Đó là nhờ có tuyến đường Bái Đính- Cúc Phương đã đưa các xã vùng cao, trong đó có Phú Long đến gần hơn với thành phố. Giờ bà con chỉ mất hơn 30 phút "xuống phố" là Tết đã về đến nhà... Nói rồi anh cười tươi. Câu chuyện của chúng tôi cũng trở nên rôm rả hơn.
Đúng như lời Phó Chủ tịch UBND xã Phú Long nói, dịch vụ ở đây đã khá phát triển. Nếu như cách đây 5 năm, chuyện tìm một quán bán ăn sáng được cho là hiếm thì nay, khu trung tâm xã đã có nhiều hàng quán, dịch vụ từ ăn uống, vui chơi giải trí đến các cửa hàng vật liệu xây dựng, thức ăn gia súc, gia cầm... mọc lên, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Người Phú Long giờ không chỉ biết sản xuất ra ngô, sắn rồi ngồi chờ tư thương đến mua mà họ đã năng động hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. "Đó là một bước chuyển lớn trong đồng bào vùng cao Phú Long"- Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Tiến Dũng khẳng định.
Câu chuyện về bước chuyển lớn trong tư duy của đồng bào vùng cao được anh Dũng dẫn chứng: Từ năm 2011 trở về trước, giáo dục ở Phú Long luôn bị xếp vào "top" cuối của huyện bởi nhiều người dân vẫn còn chưa quan tâm đến sự học, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng nhiều. Sở dĩ có tình trạng này một phần là do đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, hơn nữa cơ sở vật chất trường lớp còn nghèo nàn...
Đứng trước thực trạng đó, Đảng bộ xã xác định tập trung đầu tư cho giáo dục, chỉ có phát triển giáo dục mới giải quyết căn bản vấn đề xóa đói, giảm nghèo. Trong nhiều năm qua, Phú Long đã tranh thủ sự ủng hộ của cấp trên, huy động các nguồn lực và ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học.
Đến nay cả 3 cấp học của xã đều đạt chuẩn Quốc gia. Đáng nói là, bây giờ người Mường ở Phú Long đã cho con học đại học. Không những thế, Phú Long giờ đã có kỹ sư, bác sỹ, thạc sỹ, điều mà mấy mươi năm trước không ai dám nghĩ tới.
Là xã vùng cao, có đông đồng bào Mường sinh sống, sản xuất nông nghiệp ở đây phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, trong khi đó trình độ canh tác lại không đồng đều, lạc hậu, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Xã có gần 90 ha sản xuất lúa 2 vụ, còn lại là đất đồi, rừng chủ yếu trồng sắn phục vụ chăn nuôi. Do vậy, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Năm 2010, toàn xã có 7% hộ nghèo. Để giảm nghèo bền vững, Phú Long xác định yếu tố quan trọng là phải làm thay đổi nhận thức, khuyến khích người dân dám nghĩ, dám làm, xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, đẩy mạnh thâm canh, tăng cường áp dụng tiến bộ KHKT.
Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Tiến Dũng cho biết thêm: Cách đây mươi năm, người dân thường sản xuất theo kiểu "thích gì làm nấy", mạnh ai nấy làm nên đồng ruộng không đồng trà, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
Trong đó, một bộ phận không nhỏ người dân, kể cả cán bộ, đảng viên còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa thực sự vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Trước thực tế đó, Đảng ủy, chính quyền xã họp nhiều lần rồi quyết định, phải tính đến một nền kinh tế có sản phẩm hàng hóa, khuyến khích mọi người vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho mình và cho quê hương.
Khai thác thế mạnh của địa phương, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết lãnh đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới và chỉ đạo dồn điền, đổi thửa.
Thực hiện dồn điền, đổi thửa, áp dụng KHKT vào sản xuất, người Phú Long đã đưa máy cày xuống đồng ruộng thay trâu, sức người đã được giải phóng. Hiện toàn xã có hàng chục chiếc máy cày lớn nhỏ, chỉ tính riêng thôn 3, thôn 5 đã có tới 6 chiếc máy cày phục vụ nhu cầu của bà con trong thôn, xã và vùng lân cận.
Đồng ruộng, mương máng đã được kiến thiết lại, bà con đã tự dồn đổi ruộng cho nhau nên số mảnh giảm xuống chỉ còn 1-2 mảnh/hộ. Cơ cấu mùa vụ cũng từng bước được chuyển dịch hợp lý.
Trên đồng đất Phú Long hôm nay không chỉ có lúa, ngô, sắn mà còn có cả dứa, mía và các loại cây trồng hàng hóa khác. Tăng cường áp dụng tiến bộ KHKT, năng động trong sản xuất, kinh doanh nên hiện nay, tổng sản lượng lương thực toàn xã đã đạt 7.325 tấn, tăng 3.325 tấn so với năm 2011; tổng giá trị sản xuất trên ha canh tác đã đạt 64,3 triệu đồng, tăng 4,3 triệu đồng.
Về Phú Long hôm nay chúng tôi bị hút mắt bởi màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Nơi đây diện tích rừng phòng hộ đã được giao cho dân quản lý, giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Được giao đất, giao rừng theo Dự án 327, các hộ đã tập trung khoanh nuôi, bảo vệ rừng và trồng cây lấy gỗ, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
Ngoài ra, người Phú Long đã biết tận dụng lợi thế của rừng để chăn nuôi, phát triển đàn gia súc, gia cầm. Hiện toàn xã đã có nhiều gia đình đầu tư theo mô hình gia trại, trang trại với các loại cây, con đặc sản như bưởi diễn, xoài, hươu, nhím... Từ chăn nuôi, trồng trọt, nhiều gia đình mua được xe máy và các phương tiện nghe nhìn. Tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã hiện chỉ còn 4,76%.
Tạm biệt Phú Long, chúng tôi trở về thành phố. Sắc hồng của hoa đào, sắc trắng tinh khôi của hoa mận, sắc xanh của núi rừng như ẩn như hiện giữa bồng bềnh mây. Bức tranh vùng cao Phú Long hôm nay đã đa sắc màu và đẹp hơn bởi chính bàn tay và khối óc của những con người vùng cao cần mẫn và sáng tạo.
Bài, ảnh: Mai Lan - Anh Tuấn