Hiện anh Kha có một khu chăn nuôi cá lóc bông tập trung, hiện đại. Bên cạnh nuôi cá lóc bông, anh Kha còn trồng 4 sào cây thuốc nam. Anh Kha cho biết: Trước đây, gia đình tôi nhận khoán vài sào ruộng. Mặc dù điều kiện để sản xuất nông nghiệp khá thuận lợi, song nhiều năm gia đình tôi vẫn là hộ nghèo. Bởi lẽ, mấy sào ruộng ấy phải "gánh" mọi khoản sinh hoạt của gia đình và nuôi các con ăn học. Năm 2009, tôi đi thăm mô hình nuôi cá lóc bông của một người bạn và thấy rằng mình có thể áp dụng được mô hình này ở địa phương. Được sự động viên, tạo điều kiện cho vay vốn của Hội Nông dân xã, tôi bắt tay vào đào ao, thả cá. Công việc thuận lợi, đến nay, mỗi năm anh Kha có thu nhập 80 triệu đồng từ ao cá và hơn 50 triệu đồng/vụ cây thuốc nam.
Với ham muốn vượt mọi khó khăn, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, anh Vũ Văn Vụ ở thôn Chỉ Thiện đã tìm hiểu và chọn việc trồng cây đào cảnh để làm giàu. Năm 2008, anh quyết định bắt tay chuyển đổi vùng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng đào cảnh để phục vụ nhân dân trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Được Hội Nông dân xã động viên, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, về vốn, anh Vụ đã tổ chức sản xuất tại 2 khu: Một khu sản xuất giống đào và cây hậu bị cho khu trồng đào làm hàng hóa. Để có giống đào tốt, anh Vụ đã lên làng đào Nhật Tân tìm hiểu kỹ thuật trồng đào, tích cực đọc sách, tham quan các mô hình sản xuất thành công để học hỏi kinh nghiệm. Anh Vụ cho biết, đối với cây đào, việc điều chỉnh cho đào ra hoa đúng thời điểm, phù hợp với khách hàng là điều rất khó, nhưng anh đã thành công khi có thể hãm cho đào nở hoa đúng thời điểm, chính vì vậy mà anh luôn luôn giữ được chữ tín với khách hàng. Bây giờ việc trồng đào với anh Vụ đơn giản hơn nhiều, anh không chỉ tổ chức sản xuất tại gia đình mà còn chuyển giao kỹ thuật cho bà con lối xóm, liên kết các hộ trồng đào với nhau để tạo vùng sản xuất hàng hóa, giúp bà con cùng có thêm thu nhập. Mỗi năm, các hộ trồng đào có thu nhập từ 50-60 triệu đồng.
Đáng mừng là ở xã Xuân Thiện, những gia đình làm giàu từ đồng ruộng như anh Kha, anh Vụ không còn hiếm. Trao đổi với Chủ tịch UBND xã Lê Kim Long, ông cho biết: Xuân Thiện vốn là một trong những xã nghèo của huyện Kim Sơn, việc tìm lời giải cho bài toán giảm nghèo của xã là sự trăn trở của tập thể lãnh đạo xã từ nhiều năm nay. Là xã thuần nông, ngoài hai vụ lúa, bà con trong xã không có việc gì để làm thêm. Xã đã đưa một số nghề truyền thống như: đan cói, đan chiếu… vào các xóm nhưng đều không duy trì được. Bởi thế, mà tỷ lệ hộ nghèo của xã luôn ở mức cao.
Vài năm trở lại đây, với việc triển khai thành công nhiều mô hình kinh tế đã mở ra một hướng đi mới, triển vọng cho xã Xuân Thiện. Qua thử nghiệm cho thấy, những mô hình kinh tế này phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và trình độ của bà con trong xã. Vì vậy, sẽ được xã tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.
Các Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cho bà con vay vốn tổng số tiền gần 10 tỷ đồng để phát triển sản xuất, mở rộng trang trại. Qua khảo sát, bà con sử dụng đồng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao. Hiện, toàn xã có 25 trang trại lớn nuôi lợn, gà, vịt với số lượng gần 30.000 con…
Xã đã tranh thủ sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện tổ chức các lớp tập huấn tại các thôn, xóm cho bà con, giúp bà con nâng cao hiểu biết về KHKT. Trong năm 2011, xã đã tổ chức 52 lớp bồi dưỡng cho 3.640 lượt người. Nhờ đó, thời gian qua cơ cấu mùa vụ, cây trồng được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều cây trồng có giá trị cao được đưa vào canh tác; quy hoạch vùng lúa cao sản chiếm 35% và lúa chất lượng cao chiếm 63% tổng diện tích; mở rộng diện tích trồng rau màu trên vườn (35,5 ha). …Năm 2011, tổng sản lượng lương thực cả màu quy hạt là 2.600 tấn, bình quân đạt 850 kg/người/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 8,2 triệu đồng/người/năm. Những nỗ lực đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 29,28% (năm 2010) xuống còn 26,48% (năm 2011). Trên cơ sở đó, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 20% vào năm 2012.
Thu Hằng