Gia đình ông Trần Văn Mạnh, thôn Xuân Hồi, xã Xuân Thiện là hộ nghèo có thâm niên. Năm 2010, gia đình ông được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 10 triệu đồng. Có vốn, gia đình ông mua lợn và vịt để chăn nuôi. Làm ăn thuận lợi, đến năm 2012 gia đình ông chính thức ra khỏi danh sách nghèo của xã. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, đầu năm 2013, ông Mạnh bị bệnh đau dạ dày nặng. Vợ ông cũng đau ốm luôn, nên không có lao động để sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, đủ mọi thứ tiền phải lo như tiền thuốc, tiền cho 4 đứa con ăn học… khiến gia đình ông Mạnh khánh kiệt. Theo kết quả bình xét hộ nghèo cuối năm 2013, gia đình ông Mạnh lại rơi xuống tốp nghèo.
Gia đình ông Mạnh là 1 trong 7 hộ ở xã Xuân Thiện bị tái nghèo trong năm 2013. Ông Lê Kim Long, Chủ tịch UBND xã cho biết, theo quy định của Chính phủ, ở nông thôn, hộ có thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng là thoát nghèo, mức cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân từ 401.000-520.000 đồng/người/tháng. Chính vì khoảng cách nghèo và cận nghèo rất mong manh (chỉ là 1.000 đồng) nên nguy cơ tái nghèo là rất lớn. Trong khi đó, đa số những hộ nghèo có thu nhập từ làm thuê những công việc đơn giản, không ổn định và ở mức thu nhập rất thấp. Những hộ này khi gặp phải tai nạn, rủi ro là tái nghèo ngay. Đây chính là thách thức đối với công tác giảm nghèo của địa phương từ nhiều năm nay.
Xã Xuân Thiện có 787 hộ với hơn 3.000 khẩu. Là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ hai của huyện Kim Sơn và là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh, Xuân Thiện có nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Ông Lê Kim Long, Chủ tịch UBND xã Xuân Thiện khẳng định: Vốn là một xã thuần nông nên Đảng ủy, UBND xã xác định hướng đi trước mắt là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Tuy nhiên, do đặc điểm là vùng chiêm trũng, điều kiện tự nhiên không thuận lợi nên sản xuất nông nghiệp ở đây gặp rất nhiều khó khăn.
\Tổng diện tích trồng lúa của xã gần 300 ha thì có tới 70% diện tích lúa ở vùng trũng, lại nhiễm phèn, nhiễm mặn, phân bố manh mún. Đồng đất không bằng phẳng, trong khi đó hệ thống kênh mương chưa hoàn chỉnh. Tình trạng đó khiến bà con nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc tưới, tiêu, dẫn đến sản xuất đạt hiệu quả thấp. Cũng do chưa hoàn thiện được hệ thống thủy lợi nội đồng, nên việc đưa cây vụ đông vào sản xuất gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp. Được biết, trong các cuộc họp quan trọng, Đảng ủy xã đều bàn tới việc nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Tuy nhiên, do đời sống của bà con còn nhiều khó khăn nên chưa thể huy động sự đóng góp để thực hiện dự án vào thời điểm này.
Trong khi đó, ở lĩnh vực chăn nuôi, người dân chưa chú trọng tới công tác phòng, chống dịch bệnh, tập tục chăn thả rông vẫn phổ biến dẫn đến dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát. Khả năng áp dụng KHKT vào sản xuất của bà con còn nhiều hạn chế. Nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn nhưng lại thiếu kiến thức về thị trường tiêu thụ nên bà con không tìm được đầu ra cho sản phẩm, nhiều nhà bị lỗ tới hàng trăm triệu đồng.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được địa phương xác định là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững. Theo đó, thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, xã Xuân Thiện đã tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của nhân dân trong xã. Trên cơ sở đó, báo cáo với huyện để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với lao động địa phương. Tuy nhiên, thực tế vẫn có rất ít lao động tham gia học nghề phi nông nghiệp, vì khi học xong hầu như người lao động không có việc làm tại chỗ, trong khi họ vẫn phải lo cái ăn hàng ngày. Đa số thanh niên trong độ tuổi lao động chọn cách rời quê, đi tìm việc làm ở các khu công nghiệp. Nhiều lớp dạy nghề mở ra nhưng không gắn với mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu, khai thác thế mạnh của địa phương, chưa gắn với thị trường, với thực tế cuộc sống để người học xong có thể áp dụng.
Thực tế đã cho thấy, bài toán đặt ra cho công tác giảm nghèo ở Xuân Thiện là khá gian nan. Để giải bài toán khó này, Xuân Thiện rất cần sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ phía Nhà nước và ngành chức năng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đưa những giống cây, con phù hợp với điều kiện, đồng đất của địa phương. Và một điều quan trọng là chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho bà con về công tác xóa đói, giảm nghèo, kiến thức, kỹ năng làm nông nghiệp để từ đó phát huy nội lực, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nguyễn Hùng