Mới đây, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều trường hợp chó tấn công người gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó, nạn nhân hầu hết là các em nhỏ. Vụ việc đàn chó lao vào tấn công bé trai 7 tuổi ở Kim Động (Hưng Yên) khiến cháu bé tử vong làm nhiều người bàng hoàng lo sợ ,gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc nuôi giữ và quản lý chó. Trên địa bàn tỉnh ta, từ nông thôn đến thành thị, hàng ngày, vẫn dễ dàng bắt gặp hình ảnh những con chó không hề có rọ mõm, chạy rông ngoài đường. Đã có nhiều trường hợp chủ nhà bị chó nhà cắn phải đi tiêm phòng dại; chó nhà cắn hàng xóm, người qua đường.
Việc nuôi chó thả rông, không có kiểm soát, không tiêm phòng bệnh dại cho chó là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết thương tâm do bệnh dại gây ra. Không những thế, việc để vật nuôi phóng uế bừa bãi còn làm mất mỹ quan, nguy cơ lây truyền bệnh tật cho con người.
Việc chó thả rông gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến an toàn giao thông luôn là đề tài nóng. Tại các cuộc họp tổ dân phố, xóm, làng, chủ đề chó thả rông, chó đi đại, tiểu tiện trước nhà hàng xóm luôn được nhiều người nêu ý kiến, yêu cầu chính quyền địa phương có giải pháp xử lý. ở nông thôn, nhiều nhà nuôi cả bầy chó để trông nhà, chẳng gia đình nào nhốt lại, mà để chúng tự do đi lại.
Chính vì vậy, số người bị chó cắn không phải ít. Trong những năm gần đây, số người bị chó cắn phải đi tiêm phòng mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng trăm trường hợp và rất nhiều vụ tai nạn giao thông do tránh chó "dạo chơi" trên đường đã xảy ra.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2007/NĐ-CP về phòng, chống bệnh dại ở động vật. Nghị định này quy định: "ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị, khi đưa chó ra ngoài phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt". Ngày 15-9-2017, Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, theo đó (điểm b khoản 2 điều 7) "phạt tiền 600.000-800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng".
Trong trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng chịu mức phạt tương tự. Chó thả rông bị bắt sau 72 giờ nếu không có người tới nhận sẽ được đem đi tiêu hủy. Đối với trường hợp người thả rông chó trong thành phố, nơi công cộng hoặc để vật nuôi gây thiệt hại cho người khác sẽ bị phạt từ 100.000 - 1.000.000 đồng. Với những trường hợp chó dữ tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản cho người khác thì chủ chó sẽ phải bồi thường tùy theo mức độ thiệt hại. Việc xử phạt chó thả rông thuộc thẩm quyền của UBND cấp phường, xã.
Tuy nhiên, từ khi có quy định xử phạt đến nay, rất hiếm trường hợp vi phạm bị chính quyền địa phương áp dụng xử phạt. Chính vì chưa quyết liệt nên việc thả rông chó vẫn ngang nhiên diễn ra, ảnh hưởng đến môi trường, tính mạng con người, an ninh trật tự.
Để hạn chế tình trạng chó thả rông, cấp ủy, chính quyền địa phương cần làm tốt việc tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục để người dân hiểu rõ về tính chất nguy hiểm của việc nuôi chó thả rông. Khi phát hiện động vật nghi mắc bệnh dại cần thông báo ngay cho cơ quan thú y để xử lý. Thực hiện nghiêm các quy định về nuôi thả gia súc; yêu cầu các hộ gia đình, chủ vật nuôi ký cam kết không thả rông chó; chó phải đeo rọ mõm hoặc phải xích và có người dắt khi đưa ra nơi công cộng.
Các địa phương phối hợp với cơ quan thú y thường xuyên rà soát, thống kê số lượng chó nuôi trên địa bàn để tổ chức tiêm phòng dại cho chó. Các địa phương cũng cần có quy định cụ thể về việc bắt giữ chó, thông báo và xử lý nghiêm đối với các chủ nuôi có chó thả rông; yêu cầu chấp hành, thực hiện nghiêm theo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Bên cạnh tiêm vắc xin cho chó, chủ nuôi không được cho chó nhà tiếp xúc hoặc cắn nhau với chó thả rông, bởi có thể chó thả rông mắc bệnh dại. Để đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình, chủ nuôi không nên cho chó tiếp xúc với trẻ em, người già, người khuyết tật khi chó chưa được rọ mõm và xích cẩn thận, tránh trường hợp chó phản chủ, cắn người.
Tuy nhiên có thể khẳng định, chế tài xử phạt đã có, vấn đề là từ tổ dân phố đến cơ quan quản lý nhà nước cấp phường, xã, huyện, thành phố cần kiên quyết xử lý nghiêm những người nuôi chó thả rông, đưa những quy định thành thói quen, để thói quen thành ý thức tự giác cho mọi người thực hiện.
Trần Dũng