Qua tuần tra, lực lượng thanh tra giao thông đã phát hiện và xử lý nhiều phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong quá trình triển khai thực hiện cho thấy hiệu quả hoạt động của các tổ công tác vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều lái xe và chủ phương tiện cố tình chống đối, không phối hợp để lực lượng thanh tra giao thông làm nhiệm vụ.
Gần đây nhất, phóng viên đã chứng kiến 2 trường hợp các chủ xe không hợp tác với lực lượng chức năng. Cụ thể vào thời điểm 6h45 ngày 16/8, Thanh tra giao thông đã phát hiện tại khu vực cảng Phúc Lộc (thành phố Ninh Bình) có 2 xe ô tô mang biển kiểm soát 90C - 034.97 và 29C - 430.07, thuộc Công ty TNHH vận tải và dịch vụ thương mại Đức Trọng (Thanh Trì - Hà Nội) chở ống bê tông có biểu hiện chở hàng vượt quá tải trọng, thay đổi thiết kế thành thùng, nên đã yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, ban đầu các lái xe đã có không xuất trình giấy tờ, cương quyết không làm việc với tổ công tác. Nhưng trước sự kiên quyết của lực lượng Thanh tra giao thông, lái xe đã phải nghiêm chỉnh chấp hành theo yêu cầu của tổ công tác.
Tuy nhiên, đây là trường hợp lái xe sau cùng đã chịu hợp tác, nhưng có những trường hợp lái xe cố tình chây ỳ, nhất quyết "thi gan" với lực lượng thanh tra giao thông, không hợp tác khiến công tác xử lý rất khó khăn, vất vả. Đồng chí Tạ Quý Dương, Phó chánh Thanh tra giao thông, Sở Giao thông Vận tải cho biết: Ngay trong ngày 27/8, trong lúc tuần tra, kiểm soát vào khoảng 6h30 sáng, lực lượng thanh tra đã phát hiện 2 xe tải đậu đỗ tại cảng Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình) mang biển kiểm soát 36M - 8993 và 29C - 19868 thuộc Công ty vận tải tư nhân Nguyễn Thị Duyến (Thanh Hóa) và Công ty cổ phần Sơn Lâm (Hà Nội) có biểu hiện chở hàng quá tải trọng cho phép, vì vậy đã yêu cầu 2 lái xe xuất trình giấy tờ để kiểm tra phương tiện, tuy nhiên cả 2 lái xe đã bỏ đi, không thực hiện yêu cầu của lực lượng thanh tra giao thông.
Qua các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng thanh tra giao thông còn phát hiện 2 xe không có dữ liệu giám sát hành trình. Để kiên quyết xử lý các phương tiện vi phạm, lực lượng thanh tra giao thông đã phải phân công các tổ công tác thay nhau trực từ sáng đến hết đêm mưa. Đến 9h sáng hôm sau, chủ xe cũng như lái xe vẫn không có mặt để phối hợp giải quyết. Trao đổi với chúng tôi, đại diện Thanh tra giao thông cho biết thêm, nhiều lý do dẫn đến hành động chống đối của các lái xe, chủ xe với lực lượng chức năng, đó là vì các lỗi vi phạm chở quá khổ, quá tải và các vi phạm về thiết bị giám sát hành trình, phù hiệu xe, kiểm định xe... đều là những lỗi phạt rất nặng.
Tổng tiền phạt có thể lên đến vài chục triệu đồng, nên nhiều lái xe, chủ xe đã bất chấp để chống đối lại lực lượng thanh tra, bên cạnh đó thẩm quyền của lực lượng thanh tra giao thông còn nhiều hạn chế, lại không có lực lượng cảnh sát giao thông tham gia phối hợp liên ngành với thanh tra giao thông cùng xử lý xe quá tải, vì vậy quá trình kiểm soát, xử lý vi phạm, khiến công tác xử lý xe chở quá tải của thanh tra giao thông gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là việc dừng xe vi phạm, điều 86, Luật Giao thông đường bộ quy định thẩm quyền của thanh tra giao thông chỉ cho phép dừng xe khi có dấu hiệu vi phạm, không được quyền dừng trong mọi trường hợp.
Thiết nghĩ, để giải quyết tình trạng trên, đề nghị tỉnh cần quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng cảnh sát giao thông với thanh tra giao thông và cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh trong việc kiểm soát, xử lý xe quá tải, quá khổ. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trạm kiểm soát tải trọng xe. Chủ động xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi thông tin về phạm vi trách nhiệm xử lý các vi phạm hành chính để kiểm soát triệt để hoạt động xe quá tải trên địa bàn.
Bài, ảnh: Kiều Ân