Bà Trần Thị Thúy, một ngư dân xóm chài Lạc Tân năm nay ngót 50 tuổi. Bà Thúy bảo: "Tôi bao nhiêu tuổi thì ngần ấy năm sống cùng sông nước". Trước bà, đời bố mẹ, ông bà cũng đều gắn bó với nơi nửa thuyền, nửa nhà này. Quê bà Thúy ở tận Yên Khánh. Vợ chồng bà nên duyên cũng nhờ những chuyến đi đánh bắt cá. Cưới nhau xong, bố mẹ lại cho vợ chồng bà chiếc thuyền nhỏ để làm của hồi môn. Vợ chồng bà tựa vào chiếc thuyền nhỏ để sống và nuôi 4 người con trưởng thành. Nhiều năm nay, bà Thúy cũng như nhiều người dân xóm chài cũ đã được địa phương tạo điều kiện cho mua đất, để ổn định cuộc sống ở trên bờ.
Tuy nhiên, với họ, sông nước vẫn là nghề kiếm sống chủ yếu. Giờ thì các hộ vạn chài ít phải đi đánh bắt xa, dài ngày. Con sông Hoàng Long gần nhà là điểm đánh bắt chính. Hoạt động đánh bắt thường diễn ra ban đêm. Chập tối, ăn vội bữa cơm chiều, dân vạn chài lặng lẽ mang dụng cụ đánh bắt như đó, lú, treo lưới… để đi thả. Ngày trước, cứ thả xong treo lưới thì dân chài về nhà ngủ. Gà chưa gáy sáng đã dậy để đi thu "chiến lợi phẩm". Nhưng nhiều trường hợp bị vớt mất "công cụ lao động" nên nhiều năm nay, các hộ dân chài ngủ lại luôn trên thuyền để trông lưới. "Vất vả là vậy, nhưng số tiền kiếm được cũng bấp bênh lắm"- bà Thúy nói. Những ngày triều xuống, nước chảy khá mạnh, cá thấy động, thường theo dòng mà di chuyển, đó là dịp để ngư dân kiếm ăn. Nếu may mắn, một ngày thuyền nhỏ của gia đình bà Thúy có thể kiếm được cả trăm ngàn. Còn bình thường thì chỉ vài chục ngàn thôi bởi cá trên sông Hoàng Long cũng chẳng còn nhiều, trong khi lượng người săn bắt thì ngày một lớn.
Tuy đã ổn định cuộc sống ở trên bờ, song với bà Thúy và những người dân vạn chài Lạc Tân thì ký ức về những ngày dài rong ruổi trên sông nước vẫn còn đong đầy trong ký ức. Ông Thêm là một ngư dân có thâm niên ở Lạc Tân. Tuy đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông vẫn còn khỏe lắm. Ông bảo, chính vất vả của nghề sông nước đã rèn luyện cho ông có một sức khỏe tốt. Ông cũng kể rằng, trước đây khi con cái còn nhỏ, lại chưa có đất ở trên bờ nên gia đình ông và các hộ dân xóm chài thường đi đánh bắt cá ở xa. Bởi thế, con thuyền nhỏ trở thành ngôi nhà chính của cả gia đình. Mọi sinh hoạt như tắm rửa, vệ sinh, giặt giũ, thậm chí là nuôi gia súc, gia cầm… đều diễn ra trên sông. Nhiều khi, chỉ cần múc nước sông lên và đánh phèn chua cho lắng là có thể sử dụng làm nước sinh hoạt, ăn, uống. Cuộc hành trình của dân vạn chài có khi kéo dài cả tháng. Sau mỗi chuyến đánh bắt về, người nhà lại mang lên bờ bán lấy tiền hoặc đổi gạo, rồi mua những thứ thiết yếu cho sinh hoạt gia đình.
Tình cảm xóm giềng cũng ngày càng thân thiết, bền chặt qua những buổi đi đánh bắt. ở nơi tròng trành sóng nước, những người vạn chài tựa vào nhau để sống và hy vọng. Ông Thêm bồi hồi: Vào buổi tối, khi màn đêm buông xuống là thời khắc mà chúng tôi cảm thấy cô đơn, buồn nhất. Khi ở trên bờ, nhà nhà đều thắp điện sáng trưng thì ở trên thuyền, chúng tôi thắp sáng bằng ngọn đèn dầu Hoa Kỳ. Những chiếc thuyền con đậu san sát, người thuyền nọ, sang chơi ở thuyền kia như những người làng xóm láng giềng thân thiết. Với dân vạn chài, buổi tối là khoảng thời gian hiếm hoi để nghỉ ngơi, bầu bạn. Bên ấm nước chè xanh, điếu thuốc lào, những người đàn ông chia sẻ với nhau những vất vả, kinh nghiệm trong nghề, rồi cùng nhau phán đoán, tìm chỗ nhiều tôm, cá cho buổi đánh bắt ngày mai. Các chị phụ nữ thì rủ rỉ chuyện trò, lên kế hoạch mua sắm những thứ thiết yếu sẽ phải mua trong phiên chợ sớm hôm sau. Thương nhất là bọn trẻ con. Mỗi nhà thường có ít nhất là 4 đứa trẻ, sàn sàn tuổi nhau. Đi ra, đi vào trong con thuyền chật hẹp có lẽ là điều khó chịu nhất đối với bọn trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi.
Kể về cuộc đời sông nước của mình, gương mặt ngư dân ấy như bừng sáng. Có lẽ, với ông Thêm, bà Thúy và nhiều người dân vạn chài, những con thuyền, những con nước khi đầy, khi cạn đã trở thành một phần của cuộc đời mất rồi. Ông Thêm bảo, bố ông là người Hà Nam. Nhưng ông bắt đầu theo nghiệp chài lưới trên sông Hoàng Long từ khi còn rất nhỏ. Lớn lên lấy vợ, sinh con rồi vẫn ngày ngày quăng lưới ở khúc sông này. Với những người lênh đênh sông nước, bến nào cũng là nhà. Và với gia đình ông Thêm, xóm chài này đã thực sự trở thành quê hương.
Bài, ảnh: Đào Hằng