Có một ngôi nhà nhỏ để che nắng che mưa, để chăm sóc đứa con gái tật nguyền, trước đây là mơ ước lớn nhất của ông Phạm Quang Khải ở xã Khánh Thiện (Yên Khánh). Giờ đây nhờ sự hỗ trợ của Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nạn nhân da cam và bà con lối xóm, ước mơ ấy đã trở thành hiện thực. Ngôi nhà mới vừa được khánh thành vào cuối tháng 7 vừa qua đã bắt đầu mang đến một cuộc sống mới cho gia đình ông. Trong niềm vui khôn tả, ông Khải nói: Nếu như vào những đợt mưa như thế này cách đây vài năm vợ chồng tôi đang phải tìm cách thu vén đồ đạc để đi ở nhờ vì ngôi nhà dột nát quá, trong khi bệnh tật của con bé lại không thể cứ nay đây mai đó… Gần đây, nhận được 50 triệu đồng từ sự ủng hộ, giúp đỡ của các hội, đoàn thể, tôi đã mạnh dạn vay mượn thêm để xây nhà. Chỉ với 40 m2 nhưng được xây dựng kiên cố nên rất yên tâm, tôi cũng bớt phần nào day dứt khi có thêm điều kiện chăm sóc cho đứa con gái bị nhiễm chất độc da cam… Ông Khải vẫn âu yếm gọi con gái của mình là "con bé" bởi từ khi sinh ra đến giờ đã gần 40 năm nhưng cô gái này vẫn chưa thể tự chăm sóc bản thân, bệnh tâm thần ngày càng nặng hơn. Nhưng nỗi đau với ông đâu chỉ có thế, trước đó vào những năm 75-76, ông đã liên tiếp mất đi 3 đứa con của mình khi chúng vừa mới chào đời… Tất cả đều do chất độc da cam/dioxin mà mãi sau này khi báo chí đưa tin về những trường hợp tương tự ở nhiều nơi khác, của nhiều đồng đội khác ông mới ngờ ngợ về nguyên nhân dẫn đến những bất hạnh lớn trong gia đình mình. Ông Khải từng có thời gian chiến đấu ở các chiến trường Đông Nam Bộ, Kon Tum, Đắc Lắc rồi bị địch bắt tù đầy ở nhà lao Côn Đảo. Không muốn nhắc nhiều đến những khó khăn, ông Khải kể: Cách đây vài năm chúng tôi đã bắt đầu được nhận đầy đủ chế độ nạn nhân da cam, ngoài ra tôi cũng có các chế độ khác như chế độ dành cho thương binh, cho chiến sỹ bị địch bắt tù đày… Đặc biệt sự quan tâm, động viên, thăm hỏi thường xuyên của Hội nạn nhân da cam trong thời gian qua đã giúp đỡ chúng tôi cả về vật chất, tinh thần để vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Từ nhiều năm nay Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã trở thành nơi gửi gắm niềm tin, cũng như là cầu nối giúp hàng nghìn nạn nhân chất độc da cam ở khắp các huyện, thành phố trong tỉnh có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chẳng quản mưa nắng, các cán bộ hội đã thường xuyên đi đến tận những vùng sâu, vùng xa, những nơi có nạn nhân chất độc da cam để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chia sẻ khó khăn, động viên bằng vật chất và tinh thần đối với nạn nhân và gia đình của họ. Ông Tạ Quang Chính, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh chia sẻ: Từ những lần đi thực tế, được tận mắt chứng kiến cuộc sống của các nạn nhân, chúng tôi càng cảm thấy được trách nhiệm của mình trong việc giúp họ có cuộc sống tốt hơn. Trước tiên là phải đi đầu trong thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.
Hiện nay ở các địa phương, Thường trực hội cấp huyện cũng đang ngày càng thể hiện rõ vai trò của mình. Ông Nguyễn Học Khuyến, Chủ tịch Hội nạn nhân da cam huyện Yên Khánh cho biết: chúng tôi đã chỉ đạo kịp thời tới các chi hội về việc nắm vững tình hình nạn nhân chất độc da cam, phân tích rõ số lượng, chất lượng từng đối tượng, tổng hợp danh sách các gia đình có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế, sức khỏe, bệnh tật và nhà ở để báo cáo về tỉnh hội. Trên cơ sở đó tiếp tục tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có biện pháp giúp đỡ phù hợp. Đồng thời bám sát thực tiễn nhằm phát hiện những vướng mắc trong giải quyết chế độ, chính sách cho hội viên.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động sự ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc đa cam được xác định là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, đặc biệt là vào những dịp lễ, Tết, những ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Với phương châm thực hiện tuyên truyền đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, Hội đã góp phần giúp các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân hiểu sâu sắc hơn về hậu quả của chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, nỗi đau của những người bị phơi nhiễm. Đồng thời phản ánh kịp thời, đầy đủ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam và sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, những nhà hảo tâm và những hoạt động ở các cấp hội nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nạn nhân chất độc da cam, cho những người bị phơi nhiễm.
Từ đầu năm đến nay các cấp hội đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ gần 1,5 tỷ đồng giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Nhờ đó đã có hơn 4 nghìn lượt đối tượng được tặng quà. Đặc biệt Tỉnh hội đã trích quỹ hỗ trợ gia đình ông Nguyễn Hùng Cường ở xã Sơn Hà (Nho Quan) và ông Trần Văn Nông ở xã Gia Thịnh (Gia Viễn), mỗi gia đình 30 triệu đồng để xây, sửa nhà ở, góp phần ổn định cuộc sống. Ngoài ra, Hội cũng đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân, các hội đoàn thể và địa phương đóng góp xây nhà cho 9 gia đình hội viên khác (vượt kế hoạch đề ra cho cả năm 2015).
Ông Tạ Quang Chính, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: Có lẽ, ít có nơi nào phải chịu hậu quả chiến tranh nghiệt ngã như ở đất nước chúng ta, khi nạn nhân của chất độc Da cam/ Dioxin không chỉ là một thế hệ, mà tiếp nối nhiều thế hệ. Hiện nay Ninh Bình đã có hơn 4.800 người đang hưởng chế độ trợ cấp nạn nhân chất độc da cam. Mặc dù vậy cuộc sống của họ vẫn còn không ít những khó khăn, vẫn cần có thêm nhiều hơn nữa sự sẻ chia của cộng đồng.
Đào Duy