Ngay khi đến đây, xe thư viện lưu động đã được người dân và các em học sinh thôn Hồng Quang yêu thích, hưởng ứng. Sau khi được giới thiệu về những phần mục, đầu sách, thiết bị trong xe, mọi người hào hứng chọn cho mình một hình thức đọc sách, thưởng thức văn hóa. Nhóm học sinh chọn ngay những tờ báo, quyển truyện mà lứa tuổi các em yêu thích; những người dân có nhu cầu nắm bắt kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đã tìm cho mình những cuốn sách mới nhất để ghi nhớ; một bộ phận thanh thiếu niên nhanh chóng chọn cho mình chiếc máy tính để hòa mạng thông tin tìm hiểu về thế giới công nghệ số… Tất cả đều được tham gia tìm hiểu, phục vụ, đáp ứng theo nhu cầu và mong muốn của mỗi người, giới tính, lứa tuổi, sở thích…
Bà Lại Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Thực tế cho thấy, nhu cầu của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào còn khó khăn, việc cần được hưởng thụ sách, báo và các phương tiện thông tin là rất lớn. Tuy nhiên, do đặc điểm nơi sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội nên không phải bất cứ ai, nơi nào cũng có cơ hội tiếp cận và sử dụng sách, báo và các phương tiện thông tin khác. Vì vậy, làm thế nào để văn hóa đọc đến được với cộng đồng là vấn đề lớn cần được đặt ra.
Trong Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/3/2017, xác định, một trong các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là đẩy mạnh luân chuyển, phục vụ sách báo từ các thư viện công cộng đến vùng sâu, vùng xa, đến các trường học, đến các đồn biên phòng, đến trại giam, nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin của một bộ phận bạn đọc không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với vốn tài liệu của thư viện, như những người có điều kiện kinh tế khó khăn, người dân tộc thiểu số, người khiếm thị…
Thực hiện Đề án của Chính phủ, đồng thời xác định rõ văn hóa đọc có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia và góp phần hình thành nên những công dân có trí tuệ, khả năng sáng tạo, có đạo đức, lối sống lành mạnh, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup, từ năm 2016, dự án "Xe thư viện đa phương tiện lưu động" được Vụ Thư viện - Bộ VHTTDL triển khai thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố. Đến năm 2018 mở rộng thêm tại 8 tỉnh, thành phố, trong đó có Ninh Bình.
Theo đó, từ tháng 4/2018, Thư viện tỉnh Ninh Bình được tặng 1 ô tô thư viện lưu động, trên xe có hơn 4.000 đầu sách, 1 máy chủ, 7 máy tính, phần mềm, máy chiếu, vô tuyến..., trị giá gần 2 tỷ đồng. Điều thuận lợi cho Thư viện tỉnh là được tỉnh Ninh Bình hỗ trợ 1 biên chế lái xe, kinh phí để xe hoạt động và mỗi năm thêm 200 triệu đồng bổ sung thêm nguồn sách để xe hoạt động thuận lợi, hiệu quả.
Với thiết kế đơn giản, gọn nhẹ, xe thư viện lưu động như một ngôi nhà sách thu nhỏ, có thể giúp mọi người ở mọi nơi dễ dàng tiếp cận, sử dụng. Từ khi tiếp nhận xe thư viện lưu động đa phương tiện đến nay, Thư viện tỉnh đã tổ chức được 2 buổi phục vụ bạn đọc tại thôn Hồng Quang, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan và Trại giam Ninh Khánh. Trong đó, tại thôn Hồng Quang, xã Xích Thổ, đã phục vụ trên 700 lượt bạn đọc và 1.500 lượt sách, báo luân chuyển; còn tại Trại giam Ninh Khánh phục vụ cho trên 50 lượt phạm nhân đọc, xem.
Tại các nơi đến phục vụ, với thời gian mỗi buổi từ 2-4h, sau đó Thư viện sẽ để lại 300 đầu sách cho địa phương thực hiện luân chuyển đọc trong thời gian 3-6 tháng, sau đó Thư viện sẽ thu sách về luân chuyển cho các địa phương khác. Sau khi đi vào hoạt động, mỗi tuần xe thư viện lưu động sẽ đi đến một vùng quê khác nhau, mang ánh sáng tri thức đến với mọi người dân trong tỉnh.
Cũng theo bà Lại Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, đánh giá bước đầu cho thấy, việc triển khai xe thư viện lưu động là vô cùng cần thiết và hiệu quả. Với mô hình một thư viện thu nhỏ, có đầy đủ các loại hình sách, báo cho đến bàn, ghế và các thiết bị điện tử hiện đại như: máy tính, máy chiếu, ti vi, các thiết bị phục vụ người đọc, tra cứu,… Đặc biệt, với tính chất "lưu động" nên mô hình này rất linh hoạt trong quá trình đến với bạn đọc. Bất kể ở nơi đâu, từ thành thị, nông thôn cho đến vùng sâu, vùng xa đều có thể tiếp nhận sách.
Bằng hình thức thư viện lưu động như thế này dường như đã xóa đi mọi khoảng cách về địa lý để cùng tiếp bước hành trình tri thức đến với mọi miền quê, góp phần thúc đẩy việc đưa thông tin và tri thức đến với mọi đối tượng người đọc trong cộng đồng.
Với hình thức phục vụ bạn đọc mới mẻ nhưng hiệu quả, mô hình xe thư viện lưu động là việc làm mang tính xã hội thiết thực, thể hiện những ưu điểm vượt trội cùng khả năng đáp ứng nhanh và hiệu quả nhu cầu đọc sách, tìm kiếm thông tin của mọi người dân. Xe thư viện lưu động đã, đang và sẽ giúp các thư viện chủ động triển khai các hoạt động phục vụ ngoài thư viện, giúp người dân, nhất là ở những vùng khó khăn có thể tiếp cận được với nguồn sách, báo và công nghệ thông tin, góp phần nâng cao dân trí, trình độ, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa trong cộng đồng dân cư.
Bài, ảnh: Hạnh Chi