Thầy giáo Đặng Văn Phương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước tiên, trường cố gắng đầu tư cơ sở vật chất tương đối khang trang, sạch đẹp, tạo môi trường văn hóa về chất, qua đó giáo dục học sinh biết tự hào, trân trọng, có ý thức bảo vệ cơ sở vật chất của trường để phục vụ cho việc học tập của chính mình. Cụ thể như chăm sóc, bảo vệ các bồn cỏ, cây xanh, bàn ghế, dụng cụ, trang thiết bị phục vụ học tập... Bên cạnh đó, những nội dung xây dựng văn hóa học đường được cụ thể hóa trong các nội quy, quy định của nhà trường, như đi học đúng giờ, mặc đồng phục đúng quy định, phát ngôn văn minh, đoàn kết, giúp nhau học tập, không vi phạm các quy định về ANTT, ATGT, phòng chống cháy nổ... Từ đó nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm của giáo viên, học sinh trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện lối sống lành mạnh, trang phục gọn gàng, lịch sự, ngôn ngữ giao tiếp ứng xử có văn hóa… Đặc biệt, ngoài sự gương mẫu của mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường trong xây dựng văn hóa, trở thành tấm gương để học sinh noi theo, thì giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, giúp phụ huynh học sinh nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa học đường, phối hợp chặt chẽ với nhà trường nâng cao hiệu quả, giáo dục học sinh phát triển toàn diện...
Theo cô giáo Đoàn Thị Thanh Thủy, giáo viên bộ môn Giáo dục Công dân, Tổ trưởng chuyên môn trường THPT Nho Quan C, để chủ động phòng, chống bạo lực học đường, từ nhiều năm nay, trường THPT Nho Quan C luôn chú trọng đến việc nắm bắt đối tượng học sinh ngay từ khi mới vào trường. Theo quan sát nhiều năm, vào đầu mỗi năm học thường xảy ra những vụ xô xát nhẹ ở những học sinh lớp 10, do các em bắt đầu làm quen với trường mới, bạn mới, còn có những vấn đề chưa biết, chưa hiểu về nhau. Do đó, ngay từ vào lớp 10, mỗi giáo viên chủ nhiệm đã bám sát, nắm bắt từng hoàn cảnh, tính cách, mối quan hệ của các em học sinh để kịp thời tư vấn, có hướng giải quyết, xử lý phù hợp khi xảy ra các vụ việc xích mích nhỏ, không để mâu thuẫn, hiểu lầm thành vụ việc lớn. Đồng thời, trong các tiết học xã hội, các buổi ngoại khóa, học tập chuyên đề..., các giáo viên cũng thường xuyên lồng ghép để học sinh có những nhận thức đúng đắn về bạo lực học đường, những hành vi, biểu hiện cụ thể, bạo lực về thân thể, nhân phẩm... giúp các em hiểu biết, chủ động phòng tránh và điều chỉnh hành vi của mình. Kết quả thu được của nhà trường những năm gần đây cho thấy, học sinh tuy chưa xuất sắc về lực học, nhưng xếp loại đạo đức rất ngoan ngoãn, không xảy ra vụ việc vi phạm phát luật nghiêm trọng nào, những xích mích nhỏ cũng được giải quyết kịp thời, trả lại cho trường môi trường học tập an toàn, văn hóa.
Hiện nay, do sự phát triển của công nghệ thông tin, học sinh được trang bị điện thoại smatphon, do đó bất cứ chuyện gì, từ nhỏ đến lớn đều được các em quay phim, chụp ảnh ghi lại cho nhau xem, bình luận hoặc đưa lên mạng phát tán, bình phẩm. Có những vụ việc rất đơn giản, nhỏ nhặt cũng có thể dẫn đến bạo lực học đường. Điều đáng nói là, nếu như trước đây, bạo lực học đường thường chỉ diễn ra giữa những học sinh nam với nhau hoặc học sinh nam với học sinh nữ thì giờ đây, bạo lực giữa những học sinh nữ với nhau tăng lên đáng kể... Thiếu chuẩn mực trong đạo đức, thiếu văn hóa học đường, trống kĩ năng ứng xử… đã và đang nảy sinh những vụ bạo lực học đường. Người gây bạo lực là học sinh, nạn nhân chịu hậu quả cũng là học sinh.
Nhận thấy tính chất nghiêm trọng, nguy hiểm của bạo lực học đường đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, thời gian gần đây, các nhà trường đã quan tâm và tích cực trong công tác giáo dục đạo đức, văn hóa học đường cho học sinh. Trong đó hầu hết các trường đã thành lập các Tổ tư vấn tâm lý học sinh, giúp các em có nơi để tâm sự, sẻ chia, giải tỏa những thắc mắc, vấn đề khó nói của tâm sinh lý lứa tuổi. Cùng với đó tăng cường các hoạt động ngoại khóa, các tiết học tập thể, giáo dục kĩ năng sống... nhằm tạo sân chơi lành mạnh, giúp học sinh có cơ hội thể hiện mình, giao lưu chia sẻ, tăng mối đoàn kết trong cộng đồng học sinh, góp phần ngăn chặn bạo lực học đường. Mặt khác, các nhà trường cũng thành lập và đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ như: Tiếng Anh, nghệ thuật, Tin học, kĩ năng sống, TDTT… với hình thức hoạt động phong phú, bổ ích, giúp học sinh nhiệt tình tham gia, thấy bổ ích, không sa đà vào thế giới ảo của game online và hạn chế đáng kể những tác động xấu từ các trò chơi bạo lực...
Nhà giáo ưu tú Phạm Thanh Toàn, phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để chủ động phòng, chống bạo lực học đường, không để các vụ việc đáng tiếc xảy ra, Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản chỉ đạo các nhà trường tiếp tục tăng cường phối hợp với công an địa phương và các tổ chức xã hội tổ chức các diễn đàn nói chuyện chuyên đề, các buổi ngoại khóa nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết, hỗ trợ cũng như nhận thức, ý thức, trách nhiệm của giáo viên, học sinh trong việc "nói không với hành vi bạo lực". Đồng thời, phát huy vai trò của cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và hành vi bạo lực xảy ra đối với bản thân, người xung quanh. Tăng cường kiến thức, kỹ năng phát hiện sớm các dấu hiệu bạo lực học đường, các biểu hiện ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trong trường, khả năng xử lý, ứng biến và chủ động phòng, chống các hành vi bạo lực học đường. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần tuyên truyền cho cha mẹ học sinh về phòng, chống bạo lực học đường; nêu cao trách nhiệm của cha mẹ học sinh trong việc quản lý, giáo dục học sinh; phát huy công tác phối hợp nhà trường với cha mẹ học sinh trong việc phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bạo lực học đường, hạn chế thấp nhất các vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Bài, ảnh: Hạnh Chi