Đây là một phong trào thi đua lớn nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương và đáp ứng nhu cầu xã hội. Mục đích mà phong trào thi đua đề ra được xã hội đồng tình, nhưng cho đến nay khi năm học mới đi được 1/3 chặng đường, các trường học vẫn còn rất mơ hồ, lúng túng trong cách làm và cả trong suy nghĩ.
Lúng túng cách làm
Theo kế hoạch của Sở Giáo dục - Đào tạo thì phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" trong năm học 2008-2009 sẽ tập trung vào 3 nội dung chính là: Mỗi trường đều có nhà vệ sinh và bố trí người dọn dẹp hằng ngày; mỗi trường đều đưa trò chơi dân gian hoặc các hoạt động vui chơi tích cực khác vào trường học; mỗi trường nhận chăm sóc một di tích văn hóa, lịch sử cách mạng. Thế nhưng đến nay 3 nội dung này mới chỉ nằm ở trong "kế hoạch".
Chị Đinh Thị Bích Huệ, chuyên viên Phòng Học sinh - Sinh viên, Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: Đến ngày 22-7-2008, Bộ Giáo dục - Đào tạo mới ra chỉ thị và kế hoạch về phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" và đến ngày 19-8 mới ký kết liên Bộ. Với kế hoạch gấp gáp như vậy, các địa phương "không kịp trở tay". Hơn nữa, Bộ cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nhằm "hiện thực hóa" phong trào thi đua, tiêu chí đánh giá…, điều này làm cho Ban chỉ đạo của Sở và các trường trong quá trình thực hiện phải "dò dẫm từng bước".
Nội dung "Dạy và học các trò chơi dân gian trong nhà trường" các trường rất lúng túng. Theo Kế hoạch liên ngành số 7575 giữa (Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thì ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm biên soạn trò chơi dân gian. Nhưng hiện tại vẫn chưa có chương trình gì. Hệ thống trò chơi dân gian cũng chưa được tập hợp. Nhà trường lúng túng trong việc học trò chơi gì, có đánh giá điểm hay không? Lồng ghép trong giờ thể dục hay hoạt động ngoài giờ? Về vấn đề này, cô giáo Đồng Thị Huệ, Hiệu phó Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP Ninh Bình) cho biết: Rất khó khăn khi lựa chọn trò chơi dân gian đưa vào các trường THPT, vì không biết các em chơi gì cho phù hợp. Tổ chức cho các em chơi vào thời gian nào? Trong khi hiện nay học sinh THPT hầu hết là phải học 2 buổi/ngày, còn nếu chơi vào giờ ra chơi thì thời gian quá ngắn, không kịp để tổ chức. Mặt khác, nhà trường không thể ép buộc các em phải chơi gì trong giờ ra chơi. Còn nếu phải đánh giá việc chơi của các em học sinh thì thực sự nan giải". Không chỉ có cô giáo Đồng Thị Huệ mà rất nhiều trường cũng có cùng ý kiến như trên. Tuy các trường đều đã tạm soạn một số trò chơi dân gian phù hợp… nhưng vướng mắc ở chỗ tổ chức thực hiện như thế nào?
Đối với nội dung "Mỗi trường nhận chăm sóc 1 công trình văn hóa, di tích lịch sử cách mạng" cũng gây không ít "bối rối" cho các đơn vị. Hiện nay, việc đăng ký các công trình để chăm sóc đã hoàn thành nhưng hầu hết các trường đều chưa biết là chăm sóc ở mức độ nào. Thầy giáo Nguyễn Văn Tính, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình) bày tỏ quan điểm: Kế hoạch của Trường là nhận chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ thành phố nhưng cũng chưa biết là phải chăm sóc ở mức độ nào? Thời gian định kỳ chăm sóc như thế nào? Sự phối hợp với Phòng VHTT-TT thành phố ra sao? Bởi nếu tự nhiên ra khu nghĩa trang chăm sóc sẽ gặp cản trở của lực lượng bảo vệ, cơ quan chuyên môn.
Điều tưởng như đơn giản nhất mà các trường có thể thực hiện là "Mỗi nhà trường đều có một công trình vệ sinh sạch sẽ, có người quét dọn hằng ngày" thì cũng không ít trường ở nông thôn gặp khó khăn. Các trường ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, ven biển… đều là những trường nằm trong các xã nghèo. Đến kinh phí tu sửa trường lớp còn thiếu thì lấy đâu ra kinh phí xây dựng công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Các trường nằm trong "dự án" thì thiết kế chỉ có phòng học, chứ không có khu vệ sinh.
Để phong trào không chỉ là khẩu hiệu
Theo kế hoạch thì đến cuối năm học này, Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ kiểm tra và công nhận danh hiệu "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" nhưng cho đến nay tiêu chí đánh giá thi đua, xếp loại như thế nào cũng chưa biết. Mặc dù Ban chỉ đạo của Sở cũng đã chọn mỗi địa phương một trường mầm non, 3 trường tiểu học, 3 trường THCS và trường THPT Nguyễn Huệ (thị xã Tam Điệp) làm điểm, nhưng các trường cũng mới chỉ dừng lại ở mức "đăng ký" và đang chờ đợi hướng dẫn thực hiện.
Em Nguyễn Thu Hồng, trường THPT Nguyễn Huệ (thị xã Tam Điệp) cho biết: Em cũng thấy nhà trường phát động phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" nhân dịp đầu năm học nhưng em cũng không biết cụ thể là chúng em phải làm gì hay đây chỉ là khẩu hiệu. Thầy N.H (Kim Sơn) nói: Nếu xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực chỉ tập trung vào các phong trào bề nổi này thì phong trào chỉ là "khẩu hiệu". Tôi nghĩ, xây dựng phong trào này phải bắt đầu từ mỗi người giáo viên để có một môi trường giáo dục tích cực, thu hút được học sinh và hệ quả tất yếu của nó sẽ là "học sinh tích cực".
Thiết nghĩ, để phong trào thực sự đem lại kết quả như mục đích mà ngành đã đề ra thì phải có ngay một hướng dẫn cụ thể về những việc mà các trường phải làm phù hợp với hoàn cảnh địa phương, độ tuổi. Ngành cũng cần phải có một nguồn kinh phí nhất định để các trường triển khai các phong trào bề nổi. Đối với các trường thì việc làm đầu tiên là phải xây dựng hình ảnh của mỗi giáo viên mẫu mực "mỗi thầy cô là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo". Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh là trọng tâm, phát huy tính sáng tạo của trẻ. Mỗi học sinh cần nỗ lực trong việc rèn luyện tư cách, tác phong của thế hệ trẻ, tự tin hơn trong cuộc sống, năng động, sáng tạo. Để có được điều này rất cần có sự hướng dẫn tổ chức các hoạt động, phong trào của Đoàn thanh niên.
Linh Nhi