Trường Tiểu học Thạch Bình (huyện Nho Quan) hiện có trên 900 học sinh, với 30 lớp, được phân bố ở 3 khu, gồm khu trung tâm với 752 học sinh, các khu lẻ Quảng Mào, 80 học sinh; khu lẻ Lạc Bình 63 học sinh và khu DJ 102 là 65 học sinh.
Cô giáo Đinh Thị Uyên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Bình cho biết: Là xã miền núi, diện tích rộng, số học sinh của trường đông nhất huyện. Trường được kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 cách đây 3 năm, với cơ sở vật chất và các phòng học tương đối đầy đủ.
Tuy nhiên, do sự phát triển của xã hội, 3 năm học gần đây, mỗi năm trường tăng thêm 1-2 lớp học, dẫn đến thiếu phòng học, nhất là các phòng học bộ môn. Để duy trì trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, tiếp tục nâng cao các tiêu chí để được công nhận lại khi hết thời hạn, Trường Tiểu học Thạch Bình không ngừng nỗ lực cố gắng trong công tác dạy và học, tích cực vận động các nguồn kinh phí để tiếp tục đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình, hạng mục bị xuống cấp...
Năm học 2019-2020, khu lẻ Lạc Bình đang được đầu tư xây dựng 4 phòng học cao tầng và 1 phòng cho giáo viên, cùng với đó, nhà trường chú trọng nâng cao trình độ giáo viên và chất lượng giáo dục. Hiện trên 40 giáo viên của trường đều đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó 12 người đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh và cấp huyện. Năm học 2018-2019, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học đạt gần 100%; trong đó, 180 em được khen hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập, 247 em được khen các mặt học tập, còn lại là học sinh hoàn thành các nội dung học tập.
Hàng năm, học sinh nhà trường đạt nhiều giải học sinh giỏi cấp tỉnh, các giải thưởng cao trong các cuộc thi, sân chơi quốc gia, như Tài năng tiếng Anh, Tài năng Toán, Hoa Trạng Nguyên... Năm học 2017-2018, Trường Tiểu học Thạch Bình được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ thi đua xuất sắc...
Những năm qua, huyện Nho Quan được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Theo đồng chí Đinh Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan, mặc dù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, cùng với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, huyện rất quan tâm đầu tư cho giáo dục.
Hàng năm, huyện triển khai lồng ghép nhiều chương trình xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học, từ chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình xã hội hóa, kêu gọi sự vào cuộc của các phụ huynh để đầu tư xây mới, sửa chữa các trường, lớp học.
Có thể nói, huyện Nho Quan đã huy động cả hệ thống chính trị và cộng đồng cùng vào cuộc, tăng cường mọi nguồn lực cho công tác xây dựng cơ sở vật chất trường học, mua sắm trang thiết bị cho các nhà trường, từng bước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, bậc học. 3 năm gần đây, mỗi năm, huyện tiết kiệm ngân sách đầu tư trên dưới 20 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục. Đến nay, toàn huyện có 79/86 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Nhà giáo Đỗ Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngành Giáo dục Ninh Bình xác định, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Thực tế cho thấy, những trường đạt chuẩn quốc gia đều đã và đang tiếp tục khẳng định được chất lượng, tạo uy tín và niềm tin đối với chính quyền địa phương, phụ huynh và học sinh.
Do đó, ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình tiếp tục đẩy nhanh công tác này gắn với việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện công tác tự đánh giá theo Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Những năm qua, để việc chỉ đạo và thực hiện xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đạt chỉ tiêu và chất lượng, Ngành Giáo dục xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, định hướng và giải pháp thực hiện đối với từng đơn vị trường học; trong đó, ưu tiên xây dựng trường học ở các địa phương trong lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh...
Đặc biệt, chỉ đạo các đơn vị trường học đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại học sinh phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục; tăng cường đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp; phối hợp với chính quyền địa phương trong việc duy trì sỹ số học sinh; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong giáo dục; chú trọng giáo dục văn hóa đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh... Các nhà trường quan tâm đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Trong giai đoạn 2016-2020, thực hiện Nghị quyết số 23 ngày 4/8/2016 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí đối với các trường học được công nhận đạt chuẩn Quốc gia trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, với mức hỗ trợ 150 triệu đồng/trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 hoặc công nhận lần đầu; 80 triệu đồng/trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, UBND tỉnh đã cấp kinh phí trên 12 tỷ đồng, hỗ trợ trên 100 trường đạt chuẩn quốc gia. Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và phát triển giáo dục đào tạo của tỉnh theo hướng đổi mới, chuẩn hóa, hiện đại.
Đến nay, toàn tỉnh có 437/475 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm gần 92% số trường các cấp học trong tỉnh; trong đó, có 280 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, chiếm gần 59%. Có 122/145 xã, phường, thị trấn có cả 3 trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia; 4 huyện, thành phố là Hoa Lư, Yên Khánh, thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp có 100% trường mầm non, tiểu học và THCS công lập đều đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI ở chỉ tiêu trường tiểu học mức độ 2 và THCS (hoàn thành trước 2 năm).
Vừa qua, tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XIV, Nghị quyết về việc hỗ trợ kinh phí đối với các trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2019-2025 đã được thông qua, với mức hỗ trợ kinh phí tăng lên là 300 triệu đồng/trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; 200 triệu đồng/trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 400 triệu đồng/trường phổ thông nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 300 triệu đồng/trường phổ thông nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2...
Nguồn kinh phí hỗ trợ các trường học xây dựng đạt chuẩn quốc gia được sử dụng để mua sắm trang thiết bị, tăng cường cơ sở vật chất… đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong quá trình đổi mới giáo dục. Đây được coi là mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay tại các địa phương, góp phần tạo động lực cho các nhà trường, các xã còn nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.
Mỹ Hạnh