Công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi có bước phát triển mới, đã phát huy vai trò, trách nhiệm, tính xung kích của Đoàn, của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm nhận thực hiện các việc khó, việc mới, các nhiệm vụ phát sinh; tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Vai trò, vị thế của tổ chức Đoàn trong thanh niên và xã hội được khẳng định, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, thanh, thiếu nhi, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Bình lần thứ XII (nhiệm kỳ 2012 - 2017), các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng đa dạng hóa các loại hình tập hợp, dân chủ hóa trong sinh hoạt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN, từng bước khắc phục hình thức sinh hoạt đơn điệu, hành chính hóa hoạt động của Đoàn.
Công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho ĐVTN được gắn với việc thực hiện Chỉ thị 01 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về "Tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ Đoàn"; cuộc vận động "Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam trong thời kỳ mới" và triển khai Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", qua đó bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần tự tôn dân tộc, nâng cao tinh thần tự giác trong học tập, lao động của mỗi ĐVTN.
Các cấp bộ Đoàn chủ động phối hợp với các ngành như: Tư pháp, Công an, Giáo dục, các đoàn thể để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên, nhất là việc giúp đỡ, cảm hóa người phạm tội sau khi cải tạo hòa nhập cộng đồng; cảm hóa giáo dục thanh, thiếu niên chậm tiến trở nên tiến bộ.
5 năm qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ 1.036 thanh, thiếu niên chậm tiến. Một số mô hình, cách làm hiệu quả được củng cố, nhân rộng như: Câu lạc bộ "Thắp sáng niềm tin"; mô hình "Nhà trường an toàn không có ma túy", "Góc thân thiện"; hội thi "Thanh niên Ninh Bình với văn hóa giao thông"...
Hoạt động xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng được triển khai mạnh mẽ với hình thức phong phú, đa dạng, thấm sâu và lan tỏa trong tuổi trẻ tỉnh nhà bằng nhiều việc làm thiết thực như: khám, tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách; tổ chức các lớp ôn tập hè cho thiếu nhi; tuyên truyền Luật Giao thông; tư vấn pháp lý cho hàng trăm lượt người có nhu cầu; tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông quê hương và ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp sức mùa thi...
Trong nhiệm kỳ qua, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức 316 đợt khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 13.908 lượt người với số tiền trên 2 tỷ đồng; phối hợp tổ chức 145 đợt hiến máu tình nguyện với 34.025 lượt ĐVTN đăng ký tham gia và đã thu được 23.817 đơn vị máu; tổ chức thăm và tặng quà cho 2.163 gia đình chính sách, gia đình TNXP, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trị giá gần 1,5 tỷ đồng; các cấp bộ Đoàn đã trao tặng 1.500 chiếc chăn ấm, 4.875 bộ quần áo rét cho các gia đình hộ nghèo... Các chương trình được tổ chức phù hợp với tình hình thực tiễn, hiệu quả, đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia, hưởng ứng, được dư luận đồng tình, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về thế hệ thanh niên Ninh Bình thời kỳ mới.
Phong trào "Đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp" được triển khai sâu rộng và đạt nhiều kết quả thiết thực. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Đoàn, qua đó mở rộng, tập hợp đoàn kết thanh niên. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tập trung triển khai nhiều chương trình cụ thể, đồng hành với thanh niên trong nhiều lĩnh vực như: trong học tập, nghiên cứu khoa học; trong nghề nghiệp, việc làm; đồng hành với thanh niên nâng cao sức khỏe thể chất và đời sống văn hóa, tinh thần; đồng hành với thanh niên trong phát triển kỹ năng xã hội...
Để hỗ trợ nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên, các cấp bộ Đoàn phối hợp với ngành chức năng tổ chức hiệu quả các chương trình: Hội chợ việc làm, Ngày hội việc làm, Sàn giao dịch việc làm thường xuyên và lưu động... 5 năm qua, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề cho trên 80.000 lượt ĐVTN, giới thiệu việc làm cho trên 12.000 người với mức thu nhập ổn định.
Trong hành trình đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, các cấp bộ Đoàn đặc biệt chú trọng việc tạo nguồn vốn cho thanh niên. Toàn tỉnh hiện có 270 tổ thanh niên tiết kiệm vay vốn. Các tổ vay vốn đã nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ gần 202,5 tỷ đồng, giúp 1.184 ĐVTN được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức hàng trăm buổi tập huấn chuyển giao KHKT cho ĐVTN, từ đó giúp thanh niên có thêm tri thức cũng như thông tin để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Thanh niên Ninh Bình đã từng bước xóa đi tính tự ti, mặc cảm, vươn lên dám nghĩ, dám làm để xóa đói, giảm nghèo, lập thân, lập nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả do thanh niên làm chủ như: Tổ hợp may xuất khẩu, mô hình làm mộc, gia công cơ khí, mô hình sản xuất nông sản sạch; mô hình gia trại, trang trại... Các mô hình này đã và đang giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng nghìn ĐVTN.
Nhiệm kỳ qua cũng đánh dấu bước phát triển của công tác Đoàn và phong trào thanh niên thông qua việc đảm nhiệm việc khó, việc mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nổi bật là tuổi trẻ toàn tỉnh đã tích cực tham gia đảm nhận các công trình, phần việc, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. 5 năm qua, tuổi trẻ toàn tỉnh đã góp 4.015 ngày công xây dựng mới 38 km đường giao thông nông thôn, 5.198 ngày công để xây dựng 205 km giao thông thủy lợi nội đồng, 2.799 ngày công xây dựng mới 45 nhà văn hóa, giúp đỡ 8.126 ngày công để xây mới, cải tạo, sửa chữa 413 nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách trên toàn tỉnh; triển khai lắp đặt 315 km đường điện thắp sáng, trị giá trên 5 tỷ đồng.
Các công trình, phần việc thanh niên được thực hiện không chỉ giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà còn giúp ĐVTN được trải nghiệm, hòa mình vào cuộc sống để cống hiến và trưởng thành.
Bên cạnh việc triển khai các phong trào, 5 năm qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh chú trọng xây dựng củng cố tổ chức, nhất là việc quan tâm đầu tư cho đội ngũ cán bộ Đoàn, trong đó coi trọng đánh giá đạo đức và sử dụng cán bộ đúng năng lực, trình độ, từ đó tạo nguồn, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển và trưởng thành. Nề nếp sinh hoạt và hoạt động của Đoàn thanh niên cấp cơ sở tiếp tục được duy trì và có nhiều chuyển biến tích cực.
Công tác củng cố, phát triển tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước bước đầu có sự chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh hiện có 37 doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước đã thành lập tổ chức Đoàn, Hội... Qua đó thu hút, đoàn kết, tập hợp các đối tượng thanh niên tham gia tổ chức Đoàn.
Thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi tỉnh Ninh Bình trong nhiệm kỳ qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm chủ yếu sau:
Một là, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức giáo dục thanh, thiếu nhi. Xác định học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh, thiếu nhi là nội dung xuyên suốt, nhiệm vụ căn bản, bao trùm trong công tác giáo dục của Đoàn. Chú trọng các phương thức giáo dục mới có tác động tới số đông thanh, thiếu niên, dễ tiếp cận, đồng thời đổi mới các phương thức giáo dục đã triển khai.
Hai là, xác định cán bộ là nhân tố then chốt cho sự ổn định và phát triển của tổ chức Đoàn. Xây dựng Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn các cấp đoàn kết, trí tuệ, có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Trong công tác cán bộ coi trọng đánh giá đạo đức và sử dụng cán bộ đúng năng lực, trình độ, từ đó tạo nguồn, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển và trưởng thành.
Ba là, triển khai phong trào chung và các phong trào trong từng đối tượng thanh niên phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực. Thường xuyên định hướng nội dung, phương thức triển khai phong trào bám sát đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, phù hợp với lợi ích của thanh niên và yêu cầu giáo dục thanh niên qua thực tiễn hành động. Chú ý nâng cao chất lượng, tính thiết thực trong triển khai phong trào.
Bốn là, trong công tác chỉ đạo thể hiện tính sáng tạo, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh, đồng thời tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Tích cực khai thác nguồn lực của xã hội phục vụ công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi.
Phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động, phù hợp với sự phát triển của thanh niên, với cơ chế vận hành của nền kinh tế; tăng cường xây dựng lớp thanh niên có lý tưởng cách mạng, giàu lòng yêu nước, trung thực đoàn kết, sáng tạo; thi đua học tập, khởi nghiệp, phát huy tinh thần tình nguyện, xung kích sẵn sàng đảm nhận việc khó, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại, khẳng định vai trò của nguồn nhân lực trẻ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh và đất nước.
Đinh Thị Phượng
(TUV, Bí thư Tỉnh đoàn)