Từ giống lúa lai đến thương hiệu "Gạo Hương Bình" Tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp và thương mại Đồng Bằng sông Hồng, nhiều người đến đây đều bất ngờ khi được biết Ninh Bình đã xây dựng được thương hiệu gạo của mình. Trao đổi với cán bộ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Ninh Bình được biết: Giống lúa QR1 cho sản phẩm gạo mang nhãn hiệu chứng nhận "Gạo Hương Bình" là giống lúa thuần chất lượng cao được Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Hồng Quang đưa vào khảo nghiệm từ năm 2007.
Gặp ông Phùng Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Hồng Quang- "bà đỡ" của giống lúa QR1, ông Quang cho biết: Giống lúa QR1 là giống lúa thuần chất lượng cao nhập nội do Viện Di truyền Nông nghiệp, nhóm tác giả DA 15 và doanh nghiệp Hồng Quang phối hợp chọn lọc, khảo nghiệm từ vụ đông xuân năm 2007.
Qua nhiều vụ sản xuất cho thấy đây là một giống lúa có nhiều ưu điểm đã được Bộ NN&PTNT công nhận chính thức. Năm 2011, giống lúa QR1 chính thức được công nhận là bộ giống lúa Quốc gia.
Giống lúa QR1 được trồng tại đất Ninh Bình bắt đầu từ vụ xuân năm 2007 để chọn giống thuần với diện tích nhỏ 20m2 và hiện nay diện tích lúa QR1 của tỉnh gần 4000 ha/năm. Như vậy, có thể khẳng định Ninh Bình là cái nôi, là điểm khởi đầu của sự phát triển giống lúa QR1 và cũng là nơi phát triển giống lúa QR1 với tốc độ khá nhanh.
Qua các vụ khảo nghiệm, các nhà khoa học đều khẳng định: Giống lúa QR1 là giống lúa cảm ôn, gieo cấy được cả 2 vụ trong năm, có tính thích ứng rộng, chống chịu sâu bệnh tốt, thời gian sinh trưởng phù hợp cơ cấu trà xuân muộn và trà mùa sớm; đảm bảo về năng suất, chất lượng, hạt gạo dài, không bạc bụng, tỷ lệ tấm thấp, cơm ngon.
Với những ưu điểm vượt trội, từ năm 2010-2011, huyện Yên Khánh đã thực hiện dự án Xây dựng vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao tại 2 xã Khánh Cường, Khánh Trung. Quy mô dự án 200 ha. Mục tiêu của dự án là hình thành mô hình sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao, chủ động cung cấp nguồn giống lúa cho người dân để mở rộng diện tích.
Nối tiếp những thành công đó, năm 2012, tỉnh tiếp tục triển khai dự án "Xây dựng cánh đồng kiểu mẫu sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao" tại 7 xã thuộc huyện Yên Khánh gồm: Khánh Nhạc, Khánh Cư, Khánh Hải, Khánh Vân, Khánh Mậu, Khánh Hội và Khánh Thủy với diện tích 1.400ha và giống lúa chủ yếu đưa vào sản xuất là giống QR1.
Mục tiêu của dự án là nhằm hình thành vùng lúa chất lượng cao có giá trị sản xuất tăng từ 1,2-1,3 lần so với lúa đại trà, phấn đấu nâng giá trị thu hoạch từ 120-130 triệu đồng/ha/năm. Từ đó tạo điều điện để người nông dân vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Trần Văn Bách, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT nhận xét: Dự án sản xuất giống lúa chất lượng cao bước đầu thành công, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Bước đầu tạo ra mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao và chủ động được một phần khá lớn nguồn giống lúa chất lượng cao cho huyện, cho tỉnh và một số tỉnh bạn. Ngoài ra còn khắc phục được một phần sự phụ thuộc vào các loại giống nhập ngoại như ở các vụ sản xuất trước. Đây cũng chính là cơ sở để tỉnh xây dựng thương hiệu cho gạo QR1, từ đó nhân rộng hơn nữa mô hình trồng lúa hàng hóa có giá trị, phục vụ phát triển kinh tế địa phương nhanh và bền vững.
Với những thành công bước đầu của giống lúa QR1, ngày 13/8/2012, UBND tỉnh Ninh Bình đã ra Quyết định số 147/UBND-VP6 về việc giao nhiệm vụ cho Sở Khoa học và Công nghệ đứng tên đăng ký nhãn hiệu và là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận "Gạo Hương Bình". Đây là một bước tiến quan trọng nâng tầm một giống lúa thuần chất lượng cao trở thành một sản phẩm hàng hóa được bảo hộ nhãn hiệu, phục vụ đắc lực cho việc nâng cao thu nhập cho nông dân và trở thành sản một trong những hàng hóa chủ lực của Ninh Bình.
Đưa thương hiệu chiếm lĩnh thị trường
Thạc sĩ Trương Thị Minh (Trung tâm nghiên cứu và phát triển Hệ thống nông nghiệp), chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận gạo Hương Bình cho biết: Nhóm cán bộ thực hiện đề tài đã xác định cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng các tiêu chí chứng nhận cho gạo Hương Bình. Kết quả cho thấy gạo Hương Bình được xếp vào nhóm hạt dài, tỷ lệ gạo nguyên xay xát (tỷ lệ giữa số hạt gạo không bị gãy) trên lượng gạo xay xát đạt chuẩn ở mức 97%; tỷ lệ xat xát/100kg thóc của gọa Hương Bình là 70,3, nghĩa là cứ 100kg thóc sẽ thu được 70,3kg gạo. Đây là tỷ lệ khá cao so với các giống lúa khác.
Chất lượng gạo Hương Bình cũng được chính những người nông dân kiểm định thực tế. Bà Phạm Thị Huệ, Hợp tác xã (HTX) Kiến Thái, xã Khánh Trung (Yên Khánh) cho biết: Cấy lúa thuần lãi hơn lúa lai rất nhiều. Năm 2011, với 1 mẫu ruộng, tôi thu về 2,4 tấn, trừ hết chi phí, 2 vụ lúa tôi đã thu về hơn 30 triệu đồng. Đặc biệt, gạo QR1 rất ngon, dẻo, cơm trắng, bông cơm và không nát khi chan canh; chất lượng gạo QR1 có chất lượng tương đương với gạo Bắc Hương.
Với nhiều ưu thế, gạo Hương Bình hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho nông dân nói riêng và ngành nông nghiệp Ninh Bình nói chung. Nhưng làm thế nào để có được lợi ích và có được một cách lâu dài thì còn nhiều việc cần phải làm. Bởi xây dựng, duy trì thương hiệu gạo Hương Bình là một quá trình rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành chức năng, đặc biệt là các doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức và hành động từ người sản xuất đến các nhà kỹ thuật, từ nhà doanh nghiệp đến cán bộ quản lý trong phối hợp hành động.
Từ trước đến nay, chúng ta thường xuyên nhắc tới "mối liên kết 4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, theo người viết, cần bổ sung thêm "nhà thứ 5"- đó là nhà truyền thông. Bởi lẽ đã xác định mục tiêu xây dựng được thương hiệu gạo, phấn đấu đưa ra thị trường, thu nguồn lợi lớn… thì cũng phải đầu tư thích đáng cho truyền thông để nhiều người biết đến gạo Hương Bình. Tăng cường công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm lúa chất lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng để định hướng nhu cầu tiêu dùng của người dân, qua đó từng bước tạo lập giá trị sản phẩm gạo Hương Bình.
Tất nhiên, điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là xây dựng quy trình sản xuất lúa hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện nghiêm ngặt chế độ bón phân và phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng. Lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực và tâm huyết để tổ chức thu mua, tiếp thị sản phẩm lúa chất lượng hàng hóa thông qua việc liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
Đi liền với công tác quy hoạch, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ nông dân mua máy móc (may gặt, máy cấy..) phục vụ sản xuất để tăng năng suất lao động, góp phần hạ giá thành sản phẩm, giảm chi phí đầu vào cho nông dân, tăng sức cạnh tranh của hàng nông sản. Khuyến khích các doanh nghiệp làm công tác xây dựng thương hiệu tiêu thụ sản phẩm gạo của tỉnh.
Đẩy mạnh công tác tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật thâm canh giống lúa chất lượng, kỹ thuật sử dụng các loại phân bón mới, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật mới, như gieo vãi, gieo thẳng, cấy máy ... nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân đối với sản phẩm làm ra, gây dựng niềm tin đối với khách hàng…
Hy vọng rằng trong tương lai không xa, sản phẩm gạo với thương hiệu Hương Bình sẽ vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước.
Xuân Trường