Những sản phẩm nức tiếng
ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư), nghề thêu có lịch sử hình thành và phát triển ngót một nghìn năm. Tương truyền rằng dưới thời Trần, nhà vua đã đóng quân ở vùng này và chính Hoàng hậu Trần Thị Dung là người đã mở lớp thêu dạy cho nhân dân trong vùng, từ đó nghề thêu được lưu truyền và ngày càng phát triển. Với đường nét thêu tinh xảo, uyển chuyển, sống động, mịn màng như những nét vẽ, mỗi sản phẩm thêu ren ở đây là một kiệt tác nghệ thuật. Ngày nay, nghề thêu ở Ninh Hải đang thu hút một lượng lao động đáng kể ở địa phương với khoảng 47% số lao động tham gia làm nghề. Các sản phẩm thêu ren cũng rất phong phú từ ga trải giường, rèm cửa, gối, khăn bàn, khăn tay đến tranh ảnh, túi xách… đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu (chủ yếu là các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức…). Năm 2012, số doanh nghiệp hoạt động trong nghề thêu tại đây đã tăng lên con số hơn 10, với tổng giá trị từ nghề thêu ước đạt 25 - 30 tỷ đồng. Ông Trịnh Ngọc Dĩnh, thôn Văn Lâm tự hào cho biết: ở Việt Nam nhiều nơi có nghề thêu nhưng riêng về thêu rua thì thợ Văn Lâm vẫn thêu đẹp nhất. Hiệp hội làng nghề Việt Nam cũng đã công nhận Văn Lâm là một trong 12 làng nghề tiêu biểu của cả nước.
Cùng với các sản phẩm của làng nghề truyền thống, Ninh Bình cũng có rất nhiều đặc sản nổi tiếng, trong đó có cơm cháy. Hiếm có món ăn nào thể hiện hết được sự tinh túy của hạt gạo Việt Nam như món cơm cháy Ninh Bình. Không khoa trương, biến tấu, cơm cháy Ninh Bình trước sau chỉ dùng chính hạt gạo nguyên chất để thể hiện giá trị tinh túy của chính nó. Cơm cháy đã trở thành niềm tự hào của người dân Ninh Bình.Và tháng 8 năm 2012, Tổ chức Kỷ lục châu á đã chính thức công nhận cơm cháy Ninh Bình là một trong 10 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 200 đơn vị đăng ký kinh doanh sản xuất cơm cháy, chủ yếu là những nhà hàng phục vụ ăn uống, ngoài ra còn có sản phẩm cơm cháy bày bán tại các khu du lịch với sản lượng lớn khoảng 400 tấn/năm.
Giữ gìn thương hiệu
Mặc dù nghề thêu ở Ninh Hải có giá trị văn hóa và giá trị kinh tế cao đang thu hút số lao động đáng kể ở địa phương nhưng hiện nay nghề thêu đang đối mặt với không ít khó khăn: đó là sự biến động của giá cả thị trường, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao trong khi nguồn vốn hạn chế đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh. Đa số các hộ phải sản xuất cầm chừng, hàng đặt bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Nhiều hộ phải chuyển sang hàng may mặc chất lượng thấp hơn để duy trì sản xuất khiến uy tín của làng nghề bị ảnh hưởng, mất dần hình ảnh của nghề thêu trong mắt du khách. Trong khi đó, nguồn nhân lực lại đang suy giảm mạnh, đặc biệt là lao động có tay nghề cao. Ông Nguyễn Thanh Luân, Chủ tịch Ban chấp hành làng nghề thêu Văn Lâm cho biết: Những người làm nghề chúng tôi rất mong muốn nghề thêu Ninh Hải phát triển, có sức sống bền vững, trở thành thương hiệu với sản phẩm chất lượng được nhiều du khách biết đến, qua đó góp phần tăng hiệu quả kinh tế của ngành sản xuất không khói này.
Với sản phẩm cơm cháy cũng không ngoại lệ, hiện nay trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều sản phẩm nhái cơm cháy Ninh Bình, được nhập từ nơi khác về và đóng gói mang thương hiệu đặc sản Ninh Bình, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và thương hiệu cơm cháy Ninh Bình. Nhiều sản phẩm nhái tên các doanh nghiệp, các sản phẩm tự phát và khách hàng khó có thể nhận biết được khi các sản phẩm này được bán tràn lan tại các khu du lịch, làm mất dần đi nét ẩm thực độc đáo của địa phương.
Để khắc phục những khó khăn này, việc xây dựng thương hiệu cho một số nghề thủ công và các sản phẩm đặc sản ẩm thực, trước mắt là nghề thêu Văn Lâm và cơm cháy Ninh Bình là một hướng đi đúng trong bối cảnh hiện có sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu trên thị trường. Người dân làm thêu xã Ninh Hải và các cơ sở sản xuất, kinh doanh cơm cháy Ninh Bình phải tập hợp lại để cùng nhau gìn giữ, bảo vệ giá trị văn hóa của tỉnh, cũng như khai thác giá trị kinh tế của sản phẩm một cách phù hợp và hiệu quả cao.
Ông Lê Tất Chiến, lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng: Trong các hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì sản phẩm thêu Ninh Hải và cơm cháy Ninh Bình nếu đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể là hợp lý, có tính khả thi và mang lại hiệu quả hơn cả. Bởi lẽ, xét về mặt pháp lý, về yếu tố văn hóa - xã hội, về kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm và khả năng phát triển thương hiệu, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Thêu Ninh Hải" và nhãn hiệu tập thể "Cơm cháy Ninh Bình" không quá phức tạp, tốn kém. Thời gian tiến hành từ khi đăng ký đến khi được bảo hộ cũng ngắn hơn so với nhiều đối tượng khác (như Nhãn hiệu chứng nhận hay Chỉ dẫn địa lý) và đặc biệt, việc quản lý nhãn hiệu tập thể sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ chủ yếu do tập thể các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong nghề thêu và các cơ sở sản xuất, kinh doanh cơm cháy Ninh Bình thực hiện.
Là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động sở hữu trí tuệ, từ đầu năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Viện Nông hóa Thổ nhưỡng triển khai đề tài: "Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 2 sản phẩm "Thêu Ninh Hải" dùng cho sản phẩm thêu của xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư và "Cơm cháy Ninh Bình" dùng cho sản phẩm cơm cháy của tỉnh Ninh Bình".
Với các mục tiêu: Góp phần duy trì danh tiếng của sản phẩm, nâng cao đời sống của người sản xuất, kinh doanh sản phẩm thêu Ninh Hải và Cơm cháy Ninh Bình; đề xuất mô hình tổ chức phù hợp để quản lý các nhãn hiệu tập thể này, đồng thời xây dựng hồ sơ có cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đăng ký nhãn hiệu tập thể "Thêu Ninh Hải" và "Cơm cháy Ninh Bình" đơn vị chủ trì là Viện Nông hóa Thổ nhưỡng đã có sự phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan để nhanh chóng triển khai đề tài nói trên. Trong đó đi sâu vào nghiên cứu và thực hiện nội dung cơ bản gồm: điều tra, đánh giá hiện trạng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm trên; phân tích, đánh giá và xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm; xác định tổ chức sở hữu nhãn hiệu; khảo sát, xây dựng tiêu chí logo cho sản phẩm; xúc tiến việc thành lập các tổ chức (hiệp hội, tập thể) có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể… Tính đến tháng 11-2013, các nội dung của đề tài về cơ bản kịp tiến độ và đảm bảo mục tiêu đề ra. Dự kiến đến đầu năm 2014 sẽ hoàn thiện và nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 2 sản phẩm này.
Hy vọng rằng trong thời gian tới, khi nhãn hiệu tập thể thêu Văn Lâm-Ninh Hải và cơm cháy Ninh Bình được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ, danh tiếng và uy tín của hai sản phẩm này sẽ được nâng cao, sản phẩm làm ra sẽ tiêu thụ tốt hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo bền vững hơn. Người tiêu dùng và khách du lịch sẽ được sử dụng những sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Hà Phương