Khi bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM), cơ sở hạ tầng của Kỳ Phú chưa đồng bộ, hầu hết các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn đều xuống cấp và cần được xây mới; các tuyến đường giao thông nông thôn có tỷ lệ đạt chuẩn thấp. Sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính nhưng lại phụ thuộc vào tự nhiên đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống nhân dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng với sự đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến nay Kỳ Phú đã thực hiện có hiệu quả phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng NTM".
Con đường dẫn chúng tôi đến với Kỳ Phú được bê tông hóa và nhựa hóa rất thuận tiện nhưng lại khá xa so với nhiều địa phương khác trong tỉnh. Tiếp chúng tôi bằng những cái bắt tay nồng ấm, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú Vũ Đình Lâm phấn khởi cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng so với thời điểm bắt đầu xây dựng NTM, Kỳ Phú đã thực sự có bước chuyển mình. Diện mạo của nông thôn được thay đổi rõ rệt, nhận thức của người dân được nâng lên, bản sắc văn hóa dân tộc Mường được giữ gìn và phát huy.
Địa phương đã cơ bản xây dựng được cơ sở hạ tầng là nền tảng để phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn xã, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân; hình thành các mô hình sản xuất có hiệu quả, góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đời sống tinh thần của người dân được nâng cao, an ninh trật tự xã hội được ổn định, giữ vững. Khi mới bắt đầu thực hiện Chương trình năm 2010, xã Kỳ Phú mới đạt 6/19 tiêu chí nông thôn mới, đến nay xã đã hoàn thành 14 tiêu chí.
Có thể khẳng định, một trong những giải pháp quan trọng mà Kỳ Phú đã triển khai đó là phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân. Với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng", vai trò làm chủ của người dân địa phương luôn được cấp ủy, chính quyền chú trọng phát huy gắn với việc bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, dân chủ trong xây dựng NTM.
Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Kỳ Phú thường xuyên họp, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, phát động thi đua từ xã đến các thôn, bản với phương châm lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể trong xây dựng NTM.
Tại các thôn, bản người dân được thảo luận, bàn bạc, quyết định các vấn đề, nhất là làm đường giao thông, xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, môi trường nông thôn… Qua đó đã tạo sự đồng thuận cao, thống nhất trong việc góp kinh phí, hiến đất, ngày công để thực hiện các công trình, góp phần đẩy nhanh việc hoàn thành các tiêu chí khó đối với xã miền núi đặc biệt khó khăn.
Sau 10 năm xây dựng NTM, Kỳ Phú đã huy động 205 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó ngân sách nhà nước 105 tỷ đồng, vốn vay tín dụng 30 tỷ đồng, vốn tham gia của nhân dân là 70 tỷ đồng. Từ nguồn vốn huy động, xã Kỳ Phú từng bước đầu tư, nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện, xã có 13 km đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện có chiều dài được nhựa hóa và bê tông hóa theo quy định; 29 km đường trục thôn và đường liên thôn, 22 km đường ngõ, xóm đã được bê tông hóa, cứng hóa sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt chuẩn theo quy định; nhà văn hóa trung tâm xã đã được đầu tư xây dựng với tổng diện tích xây dựng 600 m2 với trên 300 chỗ ngồi; xã có 1 khu thể thao hàng năm được nâng cấp cải tạo đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ thể thao của nhân dân; 10/13 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn theo quy định...
Trên địa bàn xã đã quy hoạch các vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa theo lợi thế, chủ lực và mang tính chiến lược. Trong đó, cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà, phát huy thế mạnh của vùng kinh tế. Toàn xã có 7 mô hình phát triển kinh tế con nuôi đặc sản theo vùng miền; có 13 gia trại đạt giá trị bình quân 300 triệu đồng/gia trại/năm. Chăn nuôi gia súc tiếp tục phát triển với 1.012 con trâu; 2.175 con bò; 2.696 con lợn.
Cùng với sản xuất nông nghiệp, Kỳ Phú khuyến khích phát triển các ngành nghề, dịch vụ phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch, thương mại. Trên địa bàn xã có 9 doanh nghiệp, 1 HTX và 5 hộ kinh doanh ngành nghề đang hoạt động, thu hút 200 lao động có mức thu nhập ổn định từ 4,5 triệu đồng/tháng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất công nghiệp - thương mại dịch vụ: Nông nghiệp chiếm 67%; dịch vụ chiếm 33%. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 21 triệu đồng/người/năm, tăng gần 7 triệu đồng/năm so với năm 2010.
Theo Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú Vũ Đình Lâm, xã Kỳ Phú phấn đấu đến hết năm 2020 đạt 20/20 tiêu chí và về đích NTM; tiếp tục duy trì các tiêu chí đã đạt trong các năm tiếp theo, phấn đấu đến năm 2025 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Để đạt kết quả đó, thời gian tới, Kỳ Phú tiếp tục thực hiện và duy trì các tiêu chí của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế xã, nhà văn hóa và khu thể thao ở các thôn; tập trung phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, đa dạng hóa mô hình theo lợi thế của từng khu; triển khai thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các Chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu khác trên địa bàn...
Bài, ảnh: Giáng Hương