Chia sẻ với chúng tôi về những vướng mắc mà Gia Thủy phải đối mặt trong quá trình xây dựng NTM, ông Đinh Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: Khi bắt tay vào thực hiện chương trình, hệ thống cơ sở hạ tầng của các địa phương như đường, trường học, trạm y tế, các nhà văn hóa xã, thôn... đều chưa đồng bộ nên đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn, trong khi đó, thu nhập, đời sống của người dân còn hạn chế. Đặc biệt, trận mưa lũ lịch sử tháng 10 năm ngoái, xã bị thiệt hại khá nặng nề, nhiều gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; cây cối, hoa màu bị hư hỏng; sản xuất đình trệ, một số tuyến đường trong xã bị chia cắt... điều này khiến tiến trình xây dựng NTM phần nào bị chậm tiến độ.
Trước những bộn bề khó khăn đó, Đảng bộ, chính quyền xã đã đưa ra nhiều giải pháp, tập trung tháo gỡ từng nút thắt, trong đó lấy kinh tế làm điểm nhấn thúc đẩy các tiêu chí khác, dựa vào sức dân để lo cho dân. Xã đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, nhân rộng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa.
Tiêu biểu phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình, đó là anh Nguyễn Văn Thuật, thôn Mỹ Lộc. Mấy năm trước, 2 vợ chồng anh không có việc làm ổn định, cuộc sống chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, được chính quyền, các hội đoàn thể tuyên truyền, động viên, tạo điều kiện về vốn, đất đai, anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp bò, lợn, gà, chim bồ câu... Đến nay, mỗi năm gia đình thu lãi gần 200 triệu đồng, cuộc sống khá giả, có của ăn của để.
Anh Thuật cho biết: Tháng 10 năm ngoái, lũ về, trang trại của tôi ngập trong biển nước, hàng trăm con gà, chim bồ câu bị chết; trâu bò, lợn phải sơ tán lên đê. Nhưng rồi, khó khăn cũng dần qua đi, hiện từ đầu năm đến giờ tôi đã quay vòng xuất bán được 3 lứa gà, gây nuôi lại được đàn chim bồ câu và một vài con lợn, sản xuất dần trở lại ổn định.
Bên cạnh việc phát triển sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy, chính quyền xã Gia Thủy còn tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân mở rộng phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ khác. Phát huy nghề gốm truyền thống quý báu, xã đã ưu tiên dành 5.000 m2 mặt bằng, xa khu dân cư để đưa các hộ làm nghề gốm về đây sản xuất. Song song với đó, tổ chức các lớp đào tạo, dạy nghề gốm cho thanh niên trong xã.
Ngoài ra, địa phương cũng đã dành riêng diện tích đất nhất định để các cơ sở gốm khai thác nguồn đất sét phục vụ cho sản xuất làng nghề.
Chúng tôi có dịp đến thăm xưởng sản xuất của HTX gốm Gia Thủy, những dãy dài chum vại, ấm chén bày la liệt, hàng chục công nhân đang miệt mài làm việc, mỗi người một công đoạn khác nhau từ vẽ, tạo hình, xếp lò... Chị Lan, một thợ gốm chia sẻ: Trải qua bao thăng trầm, có lúc tưởng chừng mình phải bỏ nghề, nhưng rồi sản phẩm gốm vẫn được thị trường ưa chuộng, giờ đây nhờ theo nghề gốm mà gia đình có thu nhập ổn định.
Ông Đinh Quang Hà, kiểm soát viên của HTX cho biết: Những năm gần đây, nhiều vật dụng bằng nhựa phát triển với giá thành rẻ khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm của làng nghề giảm.
Tuy nhiên, những thợ gốm như chúng tôi không nản chí mà vẫn quyết tâm thắp lửa làng nghề. Để tăng tính cạnh tranh trên thị trường, chúng tôi đã tìm tòi, đưa máy móc, khoa học công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm.
Đồng thời, cải tiến, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm. Vì vậy, gốm Gia Thủy lấy lại niềm tin yêu của người tiêu dùng, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, nhiều khi cung không đủ cầu. Hiện tại HTX tạo việc làm cho trên 40 lao động, tổng doanh thu mỗi tháng khoảng 500 triệu đồng.
Nhờ phát huy tốt sức mạnh đoàn kết, sự tự giác tham gia của cộng đồng dân cư, đến nay nhiều tiêu chí trong xây dựng NTM trên địa bàn Gia Thủy đã được hoàn thành. Về tiêu chí thủy lợi, 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã chủ động được tưới tiêu, một số hệ thống kênh cấp I, cấp II đã được cứng hóa. Hệ thống điện đạt chuẩn, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%. Các trường Tiểu học, THCS đều đã đạt chuẩn Quốc gia.
Trên địa bàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Xã đã xây dựng được 1 công trình nước sạch, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ nhân dân trong xã. 97% hộ gia đình đã có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước hợp vệ sinh. Số người tham gia bảo hiểm y tế là trên 5 nghìn người (đạt tỷ lệ 85,3%). Tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt 91,3%; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 2,97%...
Ông Phó Chủ tịch UBND xã cũng cho biết: Qua rà soát, đến nay xã còn 4 tiêu chí chưa hoàn thiện, đó là các tiêu chí về giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại chợ nông thôn, thu nhập. Trong thời gian tới, xã sẽ quyết tâm hoàn thành các tiêu chí này để đạt chuẩn NTM trong năm nay.
Cụ thể: Về tiêu chí giao thông, xã sẽ nâng cấp, làm rãnh thoát nước 1 km đường trục xã; huy động nhân dân đóng góp mua vật liệu đổ nền cùng với nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh, làm tiếp 1km đường trục thôn và 3 km đường giao thông ngõ xóm.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà văn hóa trung tâm xã; sửa chữa, nâng cấp chỉnh trang khuôn viên trụ sở xã và 6 nhà văn hóa thôn còn lại. Về tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại, xã sẽ huy động doanh nghiệp tham gia theo hình thức xã hội hóa.
Với tiêu chí thu nhập, Đảng ủy, UBND xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, phát triển mạnh các mô hình kinh tế trang trại, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng như tăng cường xuất khẩu lao động. Phấn đấu tăng thu nhập bình quân đầu người toàn xã từ 27,3 triệu đồng/năm (năm 2017) lên mức 35 triệu đồng/năm trong năm 2018 này.
Hà Phương