Thực trạng tình hình kinh tế - xã hội Vùng bãi ngang ven biển huyện Kim Sơn gồm 6 xã: Kim Tân, Kim Mỹ, Cồn Thoi, Kim Hải, Kim Trung và Kim Đông. Đây là vùng kinh tế trọng điểm của huyện với tổng diện tích đất tự nhiên trên 4.042 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp trên 2.792 ha; diện tích đất nuôi trồng thủy sản 1.070 ha, chiếm 38,35% diện tích đất nông nghiệp; toàn vùng có 10.965 hộ với 40.934 nhân khẩu, số người trong độ tuổi lao động là 21.043 người, chiếm 51,40% dân số. Hệ thống đường giao thông cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân với tổng chiều dài đường trục xã, liên xã là 68,8 km, trong đó được bê tông hóa đạt chuẩn 32,2 km; đường giao thông thôn, xóm được bê tông hóa đạt chuẩn 58,5 km, đạt 36,45%, đường trục chính nội đồng 125,6 km chủ yếu là đường đất, bê tông hóa được 2,6 km, đạt 2,04% nên rất khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong mùa mưa bão.
Hệ thống kênh mương do xã quản lý với tổng chiều dài 221 km, trong đó 98,64% chưa được kiên cố hóa, thường xuyên bị sạt lở ảnh hưởng đến công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của người dân. Các trường học đã được xây dựng kiên cố, bán kiên cố, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương. Tuy nhiên, hệ thống phòng chức năng ở các trường còn nhiều hạn chế, dụng cụ, trang thiết bị dạy và học còn thiếu. 100% Trạm y tế ở 6 xã đã đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2001-2010. Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng các trạm y tế đã xuống cấp, dụng cụ, trang thiết bị y tế lạc hậu; ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
Việc xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao xã còn khó khăn. Hiện đã xây dựng được 1/6 nhà văn hóa xã, đang triển khai xây dựng 2 nhà văn hóa xã Kim Trung và Kim Hải; 24/53 xóm đã xây dựng được nhà văn hóa thôn, xóm nhưng hầu hết các xóm còn thiếu sân thể thao, trang thiết bị nhà văn hóa và các công trình phụ trợ… Về sản xuất nông nghiệp, các xã bãi ngang vùng ven biển chủ yếu là trồng lúa, nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản. Diện tích trồng lúa năm 2013 là 2.459,4 ha, đạt sản lượng 14.847 tấn.
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 1.070,76 ha, năm 2013 tổng sản lượng thủy sản các loại đạt 535 tấn, trong đó: Tôm sú 175 tấn, tôm thẻ 130 tấn, cua xanh 125 tấn, các loại khác 105 tấn. Cơ cấu kinh tế: Nông - lâm - ngư nghiệp là 79,54%, công nghiệp - xây dựng là 10,22%, thương mại - dịch vụ là 10,24%. Thu nhập bình quân đầu người 6 xã bãi ngang năm 2013 đạt 14,05 triệu đồng/năm… Để tạo điều kiện cho các xã bãi ngang phát triển, những năm qua Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách như: Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu các xã; hỗ trợ người nghèo; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo; hỗ trợ bảo hiểm y tế; chi phí học tập cho học sinh phổ thông… Từ năm 2010-2014, nhiều dự án đã được triển khai, điển hình như: Dự án thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng bãi bồi ven biển bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư 51,9 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 114,7 tỷ đồng.
Đến nay, các hạng mục công trình đã thi công và được đưa vào vận hành đem lại hiệu quả tích cực. Khả năng điều tiết, cung cấp nguồn nước được nâng lên. Quy trình lấy nước, tiêu nước được vận hành tương đối hiệu quả. Dự án đường giao thông đến trung tâm 3 xã vùng kinh tế mới ven biển (Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải) với tổng mức đầu tư là 181,1 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao thương của nhân dân. Đầu tư xây dựng chợ đầu mối thủy sản Kim Đông với tổng mức đầu tư 8,2 tỷ đồng. Hỗ trợ thủy lợi phí tạo nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất từ năm 2010 - 2013, mỗi năm 311 triệu đồng…
Kết quả bước đầu trong xây dựng NTM
Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, 6/6 xã vùng bãi ngang đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban quản lý, Ban giám sát đầu tư cộng đồng xây dựng NTM cấp xã, 53 Ban phát triển thôn, xóm. Đến nay, các xã đã thực hiện cơ bản 5/7 bước trong xây dựng NTM; đang triển khai thực hiện bước 6 và bước 7 là tổ chức thực hiện Đề án xây dựng NTM. Các xã đã đẩy mạnh việc học tập, nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về mục đích, nội dung và ý nghĩa của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM để người dân hiểu và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.
Tất cả 6/6 xã bãi ngang đã được UBND huyện phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung và đề án xây dựng NTM, triển khai thực hiện công bố, công khai quy hoạch; cắm mốc giới quy hoạch ngoài thực địa. Năm 2013 đã lập và phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất cho xã Kim Mỹ; năm 2014 đang triển khai lập và phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất cho 3 xã: Kim Tân, Cồn Thoi, Kim Đông. Các xã đã triển khai thực hiện các chương trình, dự án phục vụ xây dựng nông thôn mới như: Đề án đào tạo nghề, các chương trình tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, đề án hỗ trợ sản xuất lúa chất lượng cao, các dự án khuyến nông, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho xây dựng NTM của 6 xã bãi ngang đạt trên 259 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước trên 206 tỷ đồng; nhân dân đóng góp trên 50 tỷ đồng; các tổ chức, doanh nghiệp trên 2 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như: Xây dựng và nâng cấp 3 công trình trường học với tổng kinh phí 17,7 tỷ đồng; trong 3 năm (2011-2013) các xã bãi ngang đã cải tạo và nâng cấp trên 13 km đường giao thông thôn, xóm, với tổng giá trị 5,4 tỷ đồng; nâng cấp nhà văn hóa xã Kim Đông với tổng giá trị 500 triệu đồng; xây dựng mới 1 chợ nông thôn đạt chuẩn, tổng giá trị bằng 8,2 tỷ đồng. Về phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường, đến nay có 3/6 trường mầm non, 6/6 trường tiểu học, 2/6 trường THCS đạt chuẩn quốc gia. 18/53 xóm đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định. Hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống xử lý rác thải tại xã Kim Đông với tổng kinh phí 700 triệu đồng. Hệ thống tổ chức chính trị xã hội được quan tâm, an ninh trật tự xã hội được đảm bảo, đến nay 4/6 xã đạt tiêu chí về hệ thống tổ chức chính trị xã hội và 6/6 xã đạt tiêu chí về an ninh trật tự xã hội…
Những giải pháp cần tập trung chỉ đạo
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng các xã bãi ngang có số tiêu chí đạt chuẩn NTM thấp hoặc có các tiêu chí chưa đạt là do thời tiết khí hậu những năm qua diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa bão, rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất. Dịch bệnh lạ những năm gần đây thường xuyên xảy ra đối với thủy sản gây thiệt hại về kinh tế cho người dân; việc huy động đóng góp của người dân thực hiện một số nội dung xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất còn nhiều điểm chưa phù hợp như: Cơ chế quản lý chưa rõ, thiếu chặt chẽ, nhất là việc đánh giá mục tiêu hỗ trợ, nguyên tắc hỗ trợ; phạm vi, đối tượng hỗ trợ.
Nguồn vốn đầu tư cho các xã bãi ngang còn hạn chế, nhất là các xã mới được bổ sung; các dự án đã và đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng chủ yếu phục vụ nuôi trồng thủy sản nhưng chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, chưa phát huy tốt hiệu quả đầu tư. Nhận thức về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình xây dựng NTM của một bộ phận cán bộ, công chức, người dân còn nhiều hạn chế, vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước như các chương trình, dự án đã được đầu tư trên địa bàn. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn yếu; phần lớn diện tích đất canh tác do người dân sản xuất theo kiểu nuôi thả quảng canh (dựa vào thiên nhiên là chính), việc phối hợp, liên doanh, liên kết với nhà sản xuất giống, thức ăn và tiêu thụ sản phẩm thiếu chặt chẽ nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Chưa thu hút các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào địa bàn tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Những vấn đề cần tập trung giải quyết để tạo ra đột phá trong xây dựng NTM tại các xã bãi ngang hiện nay là công tác lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển Kim Sơn đến năm 2020 cũng như các dự án trong vùng nuôi trồng thủy sản còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đạt tiến độ được phê duyệt, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất nên người dân chưa dám mạnh dạn đầu tư và yên tâm sản xuất. Thu nhập của người dân vùng bãi ngang ven biển chủ yếu từ nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi trồng, khai thác luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do diễn biến bất thường của thời tiết, dịch bệnh lạ…. ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, thu nhập của người dân.
Để triển khai xây dựng NTM tại các xã bãi ngang huyện Kim Sơn, huyện đã đề ra những giải pháp cụ thể để tập trung chỉ đạo. Trước hết là tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực, triển khai tốt các chương trình đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ bản, phát triển sản xuất, nhất là nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn bền vững. Đầu tư kiên cố hệ thống kênh mương, đảm bảo tưới tiêu chủ động, xây dựng hệ thống đường giao thông nội đồng phục vụ sản xuất. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đội ngũ cán bộ các cấp trong thực hiện đề án xây dựng NTM. Lựa chọn tiêu chí nào cần triển khai thực hiện trước, tiêu chí nào nên thực hiện sau, ưu tiên các công trình trọng điểm để thực hiện nguồn vốn đầu tư. Ban chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện; tổ chức tuyên truyền sâu rộng về nhận thức và cách làm để người dân thấy rõ vai trò chủ thể của mình trong việc xây dựng NTM; đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, phổ biến rộng rãi các điển hình về xây dựng NTM. Xây dựng kế hoạch hàng năm và tổ chức thực hiện đảm bảo theo đúng tiến độ kế hoạch đề ra.
Thanh Chiên