Xác định xây dựng nông thôn mới là việc làm khó khăn, phức tạp, cần có nguồn vốn lớn để thực hiện, nên ngay từ đầu năm tỉnh ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân huy động nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Ngoài nguồn vốn Ngân sách Nhà nước cấp và nguồn tín dụng, tỉnh ta đã huy động trên 412 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp hỗ trợ trên 44 tỷ đồng; người dân đóng góp trên 236 tỷ đồng, hiến 192 ha đất và hàng chục nghìn hộ dân đã đóng góp bằng ngày công lao động, nguyên vật liệu để xây dựng các công trình công cộng. Nhờ nguồn vốn huy động cùng nguồn vốn khác, trong năm 2013, tỉnh đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Các địa phương đã quan tâm đầu tư, nâng cấp, kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân như đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa... Với chính sách hỗ trợ theo Đề án 06/ĐA-UBND của UBND tỉnh, phong trào làm đường giao thông nông thôn đã tạo thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, huy động được mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Để khuyến khích nhân dân chung sức xây dựng đường giao thông nông thôn, ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã cũng đã chủ động bố trí ngân sách hỗ trợ cho các xã để động viên, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Do đó phong trào làm đường giao thông nông thôn được cán bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng và đạt được kết quả thiết thực. Đến tháng 11-2013, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng và nâng cấp được được gần 5.350 tuyến đường với tổng chiều dài 536 km. Trong đó, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ các xã trên 66.000 tấn xi măng, bình quân hỗ trợ 123 tấn xi măng/km đường giao thông. Bên cạnh đó, các địa phương còn quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất, giáo dục, văn hóa, môi trường… Các địa phương đã vận dụng linh hoạt và chủ động ban hành, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ có tính đặc thù riêng. Đồng thời khuyến khích, động viên các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tích cực ủng hộ ngày công, kinh phí để xây dựng các công trình. Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây mới và nâng cấp trên 380 cầu cống dân sinh; cải tạo và nạo vét 76 km kênh mương do xã quản lý; 117 công trình thủy lợi được cải tạo; hoàn thiện 7 trụ sở UBND xã; có thêm 31 trường mầm non, 7 trường tiểu học và 3 trường THCS đạt chuẩn; sửa chữa và xây mới 9 nhà văn hóa xã đạt chuẩn; nâng cấp và xây mới 3 sân vận động đạt chuẩn, 39 nhà văn hóa thôn, 3 chợ nông thôn đạt chuẩn (Khánh Thành, Ninh Hải, Khánh Thiện).
Cùng với đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư, thực hiện các tiêu chí liên quan đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2013, tỉnh ta đã tích cực triển khai các đề án phát triển sản xuất, hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp xây dựng nông thôn mới như: hỗ trợ máy làm đất, máy cấy, máy gặt đập liên hợp, máy sấy hàng nông sản. Đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm chi phí, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân như hỗ trợ sản xuất vụ đông, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa chất lượng cao, dự án sản xuất giống lúa chất lượng cao QR1, lúa gieo thẳng, liên kết với doanh nghiệp phát triển cây vụ đông tạo sản phẩm xuất khẩu. Đẩy mạnh thực hiện và hoàn thành 4 mô hình phát huy lợi thế: mô hình phát huy lợi thế vùng biển nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Kim Đông, huyện Kim Sơn; mô hình hỗ trợ các HTX liên kết với xã viên tổ chức sản xuất, phát triển nghề nuôi gà sinh học tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn; mô hình phát triển cây khoai sọ tại xã Yên Quang, huyện Nho Quan; hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao tay nghề chế tác đá, gắn kết người lao động với doanh nghiệp, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư. Các mô hình trên bước đầu đã cho kết quả tốt, mang lại thu nhập khá cho người dân. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ xây dựng mô hình khu trang trại sản xuất tổng hợp kiểu mẫu tại xã Khánh Thành (Yên Khánh) và xã Yên Thắng (Yên Mô).
Công tác dồn điền, đổi thửa đang được các huyện, thị xã tập trung triển khai đồng bộ và đạt được kết quả đáng khích lệ. Đồng ruộng của nhiều địa phương đã hình thành những ô, thửa lớn tạo tiền đề phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo điều kiện cơ giới hóa nông nghiệp gắn với quy hoạch chi tiết sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh đã có 2 xã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, đổi lại ruộng đất cho nông dân là xã Khánh Nhạc và xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh); 23 xã đang tiến hành đào đắp, chỉnh trang hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; 5 xã đã xây dựng xong phương án dồn điền, đổi thửa; các xã khác đang tổ chức tuyên truyền xây dựng phương án.
Về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, phát huy lợi thế của địa phương, nhiều xã đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân mở rộng ngành nghề ở làng nghề đan cói huyện Kim Sơn, đá mỹ nghệ Ninh Vân, thêu ren Ninh Hải; phát triển dịch vụ ở các xã có khu, điểm du lịch như Chùa Bái Đính, Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, đền thờ vua Đinh - vua Lê, Khu đất ngập nước Vân Long, Nhà thờ đá Phát Diệm… Nhờ đầu tư nguồn lực và nỗ lực trong phát triển sản xuất nên thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh năm 2013 đạt trên 19,5 triệu đồng/năm. Ngoài ra, các tiêu chí liên quan đến vấn đề văn hóa - xã hội - môi trường, hệ thống chính trị và an ninh trật tự xã hội cũng được các địa phương quan tâm thực hiện.
Với những nỗ lực trong việc thực hiện các tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2013, tỉnh ta đã có 3 xã đạt 19/19 tiêu chí; 10 xã đạt từ 14-18 tiêu chí; 52 xã đạt từ 9-13 tiêu chí; 49 xã đạt từ 5-8 tiêu chí; 5 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Hồng Giang