Hình mẫu nông thôn mới Đến Khánh Thiện thời điểm này, không ai có thể phủ nhận vẫn là những làng xóm đã hình thành từ bao đời, nhưng nay như khoác một tấm áo mới lộng lẫy hơn nhiều lần. Dễ nhận thấy nhất là những con đường được cứng hóa rộng rãi với đủ loại hoa, cây cảnh đua nhau khoe sắc. Phía trong làng là những ngôi nhà kiên cố khang trang...
Sau 5 năm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Khánh Thiện không tự bằng lòng với những kết quả đạt được, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, huy động mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Yên Khánh.
Đồng chí Phạm Minh Xanh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Khánh Thiện đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp để đạt các tiêu chí, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Trong đó, phấn đấu thu nhập tăng hơn 1,5-2 lần so với giai đoạn xã đạt chuẩn nông thôn mới, có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phù hợp, đồng bộ; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý.
Tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế của xã theo hướng bền vững và xây dựng chương trình phát triển kinh tế từng năm, từng giai đoạn cho phù hợp. Xây dựng, hoàn thiện đề án "Du lịch cộng đồng gắn với làng nghề ẩm thực, làng nghề cây cảnh xã Khánh Thiện"; xây dựng mô hình có giá trị kinh tế cao là mô hình nuôi chim bồ câu kết hợp với nuôi dế thương phẩm; mô hình đầu tư phát triển làng nghề bánh đa; mô hình VAC tổng hợp điển hình...
Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND xã, hiện nay Khánh Thiện tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích các hộ dân phát triển kinh tế trên mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây nông sản giá trị kinh tế cao. Hướng tới mục tiêu có các gia trại sản xuất nông sản chất lượng cao ở vùng đã được quy hoạch, đồng thời gắn phát triển nông thôn với xây dựng và hình thành đô thị, xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
Không chỉ có Khánh Thiện, về Yên Khánh bây giờ, người ta dễ dàng nhận thấy sự thay da đổi thịt ở các làng quê, đó là những cánh đồng cây trái bát ngát, những tuyến đường bê tông kiên cố trải khắp từ khu dân cư ra ruộng, là những bóng đèn đường soi sáng mỗi khi đêm về, là trường học, nhà văn hóa, trạm y tế khang trang…
Đồng chí Phạm Ngọc Quý, Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết: Là huyện thuần nông nên Yên Khánh xác định xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ sản xuất, do vậy đã tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp; thực hiện cơ giới hóa, gắn với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác tăng cao, từ 127 triệu đồng/ha năm 2011 tăng lên 138 triệu đồng/ha năm 2018.
Nhiều chính sách hỗ trợ, nhiều mô hình, cách làm mới sáng tạo, có tính đột phá được triển khai, thực hiện có hiệu quả như: dồn điền, đổi thửa gắn với tổ chức lại sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; thu hút các doanh nghiệp tích tụ ruộng đất liên doanh, liên kết với các công ty, doanh nghiệp; thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, đầu tư vốn, công nghệ cao vào sản xuất nông sản sạch, an toàn có quy mô lớn tạo nên chuỗi sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả cao gấp 2-7 lần so với cách làm thông thường, truyền thống.
Sản xuất công nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, trên địa bàn huyện Yên Khánh có 4 khu, cụm công nghiệp đã và đang đi vào hoạt động; trên 2.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả, nhiều công trình, dự án được đầu tư vào địa bàn.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quy hoạch, nâng cấp, xây mới tương đối đồng bộ. Hệ thống đường giao thông được xác định là khâu đột phá, từ chỗ có quy mô nhỏ bé, xuống cấp, sau khi được tỉnh đầu tư hỗ trợ xi măng, huyện, xã có chính sách hỗ trợ phù hợp, nhân dân tự nguyện đóng góp đã nâng cấp và làm mới hơn 3.000 tuyến đường, với tổng chiều dài hơn 400 km; đến nay 100% tuyến đường giao thông trong huyện đều được nâng cấp, mở rộng, cơ bản là bê tông và nhựa hóa.
Trên địa bàn huyện, các xã đều có trụ sở làm việc cao tầng, khang trang, có nhà văn hóa và khu thể thao; 265/268 thôn, xóm, phố có nhà văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo không thuộc đối tượng chính sách bảo trợ xã hội giảm còn 1,38%; có 100% trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn Quốc gia; 2/3 trường THPT trên địa bàn đạt chuẩn; 19/19 trạm y tế đều có bác sỹ và đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2018 đạt trên 90%.
Bài học kinh nghiệm
Từ những kết quả đạt được qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, đồng chí Phạm Ngọc Quý, Chủ tịch UBND huyện đánh giá: Bài học kinh nghiệm lớn nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện Yên Khánh chính là nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Muốn thực hiện có kết quả tốt phải có quyết tâm chính trị cao, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy cao nhất vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, cùng với sự quan tâm của toàn xã hội đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng nông thôn mới phải lấy dân làm trọng tâm, do đó cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phát huy tính chủ động và sáng tạo của người dân. Trong tuyên truyền luôn nhất quán quan điểm đề cao vai trò chủ thể của người dân. Có như vậy thì cán bộ và nhân dân mới có nhận thức rõ hơn, đúng đắn hơn về bản chất, nội dung, phương châm, bước đi, cách làm nông thôn mới. Trong quá trình thực hiện phải tuân thủ các nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ và bảo vệ thành quả xây dựng nông thôn mới".
Chính vì thế trong 10 năm, toàn huyện đã huy động được 4.713 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp 1.329 tỷ đồng, chiếm 28%; hiến 125 ha đất, hơn 88.000 ngày công lao động để dồn điền, đổi thửa, làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, phố, chỉnh trang nhà ở.
Trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải có kế hoạch, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, đề ra để có sự điều chỉnh và có giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, cách làm sáng tạo. Cùng với đó, việc đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội theo quy hoạch phải có sự phân công, phân cấp quản lý, đầu tư cụ thể để phát huy hiệu quả cao nhất nguồn vốn huy động, đặc biệt là các hạng mục công trình do thôn, xóm quản lý.
Có thể nói, nông thôn mới ở Yên Khánh sau 10 năm xây dựng đã để lại những dấu ấn tích cực, thay đổi bộ mặt nông thôn, phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của người dân ở nông thôn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Khánh xác định, xây dựng nông thôn mới là chương trình không có điểm kết thúc, không cho phép tâm lý chủ quan, tự mãn với kết quả đã đạt được. Trước mắt, Yên Khánh phấn đấu đến năm 2020 có từ 3-4 xã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu, 30 khu dân cư đạt khu dân cư kiểu mẫu. Giai đoạn tiếp theo đến năm 2025 huyện Yên Khánh đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Bảo Yến