Việc xây dựng nếp sống văn minh trong các lễ hội được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương trong tỉnh quan tâm nhằm đem đến cho người dân và du khách một không gian sinh hoạt văn hóa lành mạnh, vui tươi, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Ngọc Văn, trưởng phòng gia đình và xây dựng nếp sống văn hóa, sở văn hóa, thể thao và du lịch.
PV: Xin đồng chí cho biết về tình hình lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh?
Đ/c Phạm Ngọc Văn: Ninh Bình hiện nay có 1.499 di tích, được phân bố đều khắp trên địa bàn tỉnh. Tính đến tháng 9-2014, toàn tỉnh có 315 di tích đã được xếp hạng, gồm 1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 79 di tích cấp Quốc gia (trong đó có 2 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt là Cố đô Hoa Lư và Khu hang động Tràng An - Tam Cốc, Bích Động), 235 di tích cấp tỉnh. Toàn tỉnh có 228 lễ hội, trong đó dịp mùa xuân là 149 lễ hội, đặc biệt trong tháng giêng có 52 lễ hội. Lễ hội là di sản văn hóa chứa đựng nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hoạt động lễ hội là nhu cầu không thể thiếu được trong sinh hoạt đời sống của nhân dân. Các lễ hội trên địa bàn tỉnh thường mang đậm nét văn hóa làng quê, là sự kiện tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức của các vị thần đối với cộng đồng, dân tộc, là hình thức sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân…Thông qua hoạt động duy trì việc tổ chức các lễ hội truyền thống ở các địa phương đã góp phần phục hồi và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng quê, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
PV: Việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội trên địa bàn tỉnh được triển khai như thế nào?
Đ/c Phạm Ngọc Văn: Trong những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng tổ chức thực hiện. Về công tác quản lý của ngành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các địa phương xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế tổ chức lễ hội. Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức lễ hội, về nội dung, chương trình, công tác tổ chức, quy mô, cấp độ của lễ hội. Năm 2014, việc tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đã quán triệt Công điện số 179/CĐ-TTg của Thủ tướng về thực hiện phương thức xã hội hóa, không lấy ngân sách Nhà nước để tổ chức lễ hội, không tổ chức mời khách tràn lan. Tuyên truyền nhân dân tháo dỡ và không chăng treo các loại đèn lồng không rõ nguồn gốc, viết chữ nước ngoài, không đúng với bản sắc văn hóa dân tộc.
Để duy trì nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội, Sở đã hướng dẫn các địa phương, Ban quản lý di sản nơi tổ chức lễ hội và Ban tổ chức lễ hội tổ chức sắp xếp hợp lý các dịch vụ phục vụ du khách và hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội như: Làm biển chỉ dẫn sơ đồ các khu vực trong khuôn viên di tích; bảng tóm tắt giới thiệu lịch sử, giá trị kiến trúc, văn hóa nghệ thuật của di tích. Bố trí, sắp xếp hợp lý hòm công đức, nơi đặt tiền giọt dầu, lư hương, hạn chế đốt vàng mã, không đốt đồ mã. Hướng dẫn khách tham quan và người hành lễ không ném tiền bừa bãi, gài tiền vào tượng cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích. Ban quản lý di tích bố trí lực lượng phù hợp để kịp thời thu gom các loại hương, tiền giọt dầu và tiền lễ mà người hành lễ đã đặt tại những vị trí không thích hợp. Quy hoạch sắp xếp hệ thống hàng quán dịch vụ hợp lý, nơi trông giữ phương tiện giao thông, bố trí nhà vệ sinh, thu gom và bố trí nơi chứa rác thải, đảm bảo tiện lợi cho du khách về dự lễ hội… Đối với các lễ hội quy mô lớn, như lễ hội Cố đô Hoa Lư, Chùa Bái Đính, đền Thái vi, Đền Dâu, Quán Cháo… UBND các địa phương cùng với ngành Giao thông - Vận tải và các cơ quan có liên quan chỉ đạo xây dựng phương án, các biện pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, bảo đảm cho nhân dân đi lại thuận lợi. Đặc biệt kiên quyết dỡ bỏ các biển quảng cáo dựng trái phép, nội dung phản cảm, gây nhầm lẫn cho du khách dọc các tuyến đường dẫn vào khu vực lễ hội. Phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá về lễ hội và hình ảnh đất nước, con người của địa phương, của tỉnh Ninh Bình với bạn bè trong nước và quốc tế; có thời lượng hợp lý phản ánh những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội, biểu dương, cổ vũ các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, đồng thời phê phán những hiện tượng tiêu cực về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Vào mỗi dịp tổ chức lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra trước, trong và sau lễ hội. Đặc biệt quản lý giá cả hàng hóa dịch vụ trong lễ hội và xử lý những sai phạm trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội, ngăn chặn tình trạng đeo bám, chèo kéo, nâng giá, ép giá dịch vụ, xâm phạm di tích, danh lam thắng cảnh; đặt hòm công đức, đặt lễ, đặt tiền giọt dầu tùy tiện... Phối hợp với lực lượng Công an tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho nhân dân, tuyệt đối không để xảy ra tai nạn cháy nổ.
PV: Để giữ gìn và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống phục vụ du lịch, theo đồng chí cần quan tâm đến những vấn đề gì?
Đ/c Phạm Ngọc Văn: Những năm qua, các lễ hội truyền thống trên địa bàn đã thu hút sự tham gia của đông đảo du khách trong và ngoài nước, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động du lịch. Do đó, việc giữ gìn và phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống là hết sức quan trọng và cần thiết. Để các lễ hội truyền thống phát huy hiệu quả giá trị trong việc phục vụ hoạt động du lịch, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương và của tỉnh về việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc tổ chức lễ hội truyền thống. Quan tâm làm tốt công tác rà soát và củng cố, hoàn thiện bộ máy quản lý di tích ở cơ sở. Xác định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm và quyền hạn của các cấp, các ngành ở địa phương, đặc biệt là trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng Ban quản lý lễ hội, Ban quản lý các di tích đối với các hoạt động lễ hội và việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích tại địa phương. Các cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức lễ hội phải chịu trách nhiệm về nội dung chương trình và quá trình tổ chức lễ hội theo quy định của pháp luật. Không lấy ngân sách Nhà nước để tổ chức lễ hội, huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa để tổ chức lễ hội và phải được chi phí tiết kiệm, minh bạch.
Bên cạnh đó, các lễ hội được tổ chức cũng phải có nội dung phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn minh và bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình; không được đốt pháo nổ, thả đèn trời, trang trí đèn lồng không rõ nguồn gốc xuất xứ, in bằng chữ nước ngoài không phù hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam… Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan với MTTQ ở cơ sở và các đoàn thể ở địa phương thực hiện nghiêm túc việc tổ chức lễ hội theo các quy định hiện hành. Phối hợp triển khai các giải pháp đồng bộ đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ cảnh quan di tích, giữ gìn vệ sinh môi trường; đảm bảo an toàn giao thông.
Ban tổ chức các lễ hội cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong hoạt động nghiệp vụ để đảm bảo nếp sống văn minh, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Tin rằng khi những người làm công tác quản lý, những ngườì hành lễ và du khách thập phương cùng chung tay xây dựng (dù là việc làm nhỏ nhất) thì mỗi lễ hội năm nay sẽ đảm bảo văn minh, tiết kiệm, ý nghĩa.
PV: Xin cảm ơn đồng chí !
Phan Hiếu (Thực hiện)