Những năm gần đây, việc xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động tổ chức lễ hội đã từng bước được chính quyền địa phương quan tâm, có nhiều giải pháp để các lễ hội được diễn ra an toàn, lành mạnh, vui tươi.
Đi cùng với bạn bè về dự lễ hội Báo bản làng Nộn Khê (xã Yên Từ - Yên Mô) hôm 13, tháng Giêng vừa qua, anh Nguyễn Việt Thành (phường Vân Giang - thành phố Ninh Bình) tỏ ra hết sức bất ngờ vì một lễ hội làng nhưng được tổ chức khá quy mô và sôi nổi. Anh Thành chia sẻ: Mặc dù nghe về nét đặc sắc của lễ hội này đã lâu, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được trực tiếp về dự. Cảm nhận của tôi về một lễ hội làng đó là không khí sôi nổi nhưng khá nền nếp, văn minh. Suốt cả một ngày lang thang trong làng để tìm hiểu về lễ hội, anh Thành đi hết từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Anh bảo: Báo bản nghĩa là ngày hội để dân làng báo đáp lại nguồn gốc, công lao của các bậc tiền nhân khai hoang lập ấp theo truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.
Qua tìm hiểu ở gia đình người bạn, qua việc hỏi thăm các cụ cao tuổi trong làng, tôi còn biết thêm những nét đặc sắc trong việc giữ gìn truyền thống quê hương, cách mạng của người dân làng Nộn Khê. Không phải đợi đến lễ hội Báo bản, mà hàng năm ngay từ mồng 1 Tết, người dân trong làng đã tập trung tại đình làng để dâng hương tưởng nhớ các vị tiên hiền và các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Việc làm ấy đã góp phần giáo dục truyền thống quê hương, cách mạng cho thế hệ trẻ. Chính vì vậy mà không có gì ngạc nhiên khi vào ngày hội làng, có rất nhiều con em quê hương về dự hội.
Tham dự các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh, không chỉ người dân địa phương mà nhiều du khách đều có chung cảm nhận về các lễ hội truyền thống mang đặc trưng Ninh Bình chính là ý nghĩa nhân văn sâu sắc của các lễ hội. Điều dễ nhận thấy là trong các lễ hội, phần lễ được tổ chức trang trọng, kết hợp hài hòa giữa nghi lễ truyền thống và hiện đại. Phần hội được các địa phương tổ chức có sự lồng ghép giữa hoạt động tâm linh với các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao phong phú, sôi nổi, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của người dân địa phương và du khách trong suốt thời gian mở hội. Đồng thời, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước.
Để xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động tổ chức lễ hội theo đúng tinh thần Chỉ thị 27-CT/T.Ư của Bộ Chính trị (khóa VIII) về "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội", Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả.
Sở còn phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn các xã, phường, thị trấn nơi có hoạt động lễ hội tổ chức tuyên truyền, bổ sung nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào hương ước tại cộng đồng dân cư. Phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai việc đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... thực hiện theo đúng quy chế lễ hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần lành mạnh của nhân dân.
Bên cạnh đó, thanh tra chuyên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Phòng PA25 (Công an tỉnh), Đội 814 của tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa trong hoạt động lễ hội, ngăn ngừa và xử lý vi phạm, kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh các hành vi lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan và các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động lễ hội. Nhiều lễ hội có chuyển biến tích cực, khắc phục được hạn chế, tồn tại từ những năm trước.
Nét nổi bật trong hoạt động lễ hội những năm gần đây còn thể hiện ở việc tổ chức lễ hội đã gắn với hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch để giới thiệu với du khách gần, xa về văn hóa, vùng đất và con người Ninh Bình. Qua đó góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa - tâm linh gắn với thăm quan du lịch và hưởng thụ văn hóa, vui chơi giải trí của đông đảo nhân dân trong tỉnh và khách thập phương.
Bùi Diệu