Đây là những dòng đầu tiên trong bài viết "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trước yêu cầu mới" của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân dịp kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 được đăng trên Báo Nhân Dân điện tử ngày 31/8/2016. Đối với nhiều người dân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chính là tấm gương sáng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước yêu cầu mới.
Đồng chí Ngô Văn Tuyến, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch ủy ban MTTQ huyện Kim Sơn tâm sự: Chủ tịch nước Trần Đại Quang luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vào chiều 29/3/2018, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ trì hội nghị tổng kết thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam năm 2017, đề ra phương hướng, nhiệm vụ triển khai Quy chế phối hợp năm 2018. Tại hội nghị này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội, hoạt động đối ngoại nhân dân. Cùng với đó là yêu cầu thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, có hình thức, biện pháp cụ thể để nhân dân bày tỏ ý kiến và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Tiếp tục tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.
Theo đồng chí Ngô Văn Tuyến, những ý kiến của Chủ tịch nước đã thể hiện những yếu tố cốt lõi, sự nhất quán trong đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta về đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên cơ sở đó cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua, MTTQ và các tổ chức thành viên từ huyện đến các xã, thị trấn huyện Kim Sơn đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Công tác tuyên truyền được triển khai đồng bộ và có hiệu quả, góp phần định hướng dư luận và phản ánh thông tin hai chiều đến các đồng chí lãnh đạo, tích cực vận động nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... Qua đó hình ảnh đất và người Kim Sơn được bạn bè trong, ngoài nước biết đến, nổi bật là phong trào đăng ký, hiến tặng giác mạc của người dân Kim Sơn, đến nay toàn huyện đã có hàng nghìn người đăng ký hiến tặng giác mạc; hiện tại đã có 278 người đã hiến giác mạc mang lại ánh sáng cho nhiều người.
MTTQ và các tổ chức thành viên từ huyện đến các xã, thị trấn thường xuyên quan tâm đến các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, nhân dân bị ảnh hưởng thiên tai, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho các tầng lớp nhân dân, nhất là việc xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội được coi trọng, ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội của huyện.
Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Trần Đại Quang về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo, dân tộc, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội huyện Kim Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, đặc biệt là đoàn kết lương giáo để phát triển kinh tế - xã hội. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được thực hiện linh hoạt, thiết thực, phù hợp với thực tiễn địa phương nơi có đông đồng bào có đạo: Mở lớp học tập chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho các chức sắc, chức việc các tôn giáo; quan tâm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về tôn giáo cho chức sắc, chức việc; nhân dịp các ngày lễ lớn lãnh đạo huyện, xã đều tổ chức các đoàn đến thăm, chúc mừng các cơ sở, chức sắc, chức việc tôn giáo; tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu thể thao giữa lãnh đạo huyện, xã với các chức sắc, chức việc; quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Ban đoàn kết Công giáo, Ban trị sự Phật giáo huyện, việc xây mới, sửa chữa cơ sở thờ tự; tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, vận động đồng bào Công giáo xây dựng và phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, hướng tới mục tiêu cao cả: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Đồng thời chú trọng định hướng công tác tư tưởng, củng cố niềm tin cho đồng bào Công giáo với Đảng, Nhà nước và thực hiện tốt phương châm "Nước vinh - Đạo sáng", "Sống phúc âm trong lòng dân tộc", "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội"... Qua đó đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng, củng cố đoàn kết lương giáo, tạo sự đồng thuận trong xã hội; khơi dậy tinh thần thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Đồng bào lương giáo ngày càng phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành, quản lý của chính quyền các cấp.
Một minh chứng cụ thể là ở xã Lai Thành, một xã đông dân nhất của huyện Kim Sơn với 3.700 hộ, hơn 13.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào Công giáo chiếm 29%. Từ một xã với điều kiện còn nhiều khó khăn, bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2011, xã chỉ đạt 4 tiêu chí. Sau hơn 5 năm thực hiện, với nỗ lực quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân địa phương, con em xa quê, đến tháng 12/2016, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các nguồn lực để thực hiện xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền là hơn 189 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 120 tỷ đồng, chiếm 63,3%. Đến hết năm 2017, xã còn 4,76% hộ nghèo. 17/17 xóm đạt khu dân cư tiên tiến, trong đó 15/17 xóm đạt danh hiệu Làng văn hóa cấp huyện, 82,4% số hộ được công nhận gia đình văn hóa.
Có thể khẳng định, nhờ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tinh thần đoàn kết nhân dân, đoàn kết lương giáo trên địa bàn huyện Kim Sơn không ngừng được củng cố, quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng được phát huy và triển khai sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Đây là sức mạnh để các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện vươn lên giành thắng lợi trên các lĩnh vực.
Xuân Trường