Kỳ 1: Từ những xóm không có đảng viên, không có chi bộ
Trung bình 3 xóm mới có 1 chi bộ
Đồng chí Hoàng Văn Thắng, Phó Bí thư Huyện ủy Kim Sơn cho biết: Kim Sơn là huyện có đông đồng bào theo đạo Công giáo (chiếm tới 47,07% tổng dân số), nhiều xóm Công giáo toàn tòng. Điều này đã tạo nên những sắc thái riêng, hình thành những "vùng có tính chất đặc thù" trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong công tác xây dựng Đảng của huyện. Cách đây 10 năm (năm 2008), khi ấy toàn huyện còn 7/27 xã, thị trấn có chi bộ ghép với tổng số 13 chi bộ ghép của 32 thôn, xóm. Như vậy trung bình một chi bộ lãnh đạo 3 xóm! Thậm chí nhiều xóm chỉ có 1 đảng viên và toàn huyện còn 2 xóm không có đảng viên. Điều đáng nói là con số này phần lớn rơi vào những xã có đông đồng bào Công giáo, những xóm Công giáo toàn tòng.
Thực tế này đã gây khó khăn không nhỏ cho công tác lãnh đạo của cấp ủy, nhất là hoạt động của chi bộ ghép đã bộc lộ không ít những nhược điểm, dẫn đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở một số nơi còn hạn chế. Đấy là chưa kể những xóm không có đảng viên, hoặc chỉ có 1 đảng viên thì gặp rất nhiều khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Ông Lê Văn Thế, Bí thư chi bộ xóm 12, xã Định Hóa nhớ lại: Trước đây, tôi phải tham gia sinh hoạt chi bộ ghép với các đảng viên chi bộ xóm 9 và xóm 11 của xã. Mỗi lần triệu tập sinh hoạt, cấp ủy đều rất vất vả. Đặc thù dân cư, trình độ sản xuất, nếp sống văn hóa mỗi xóm khác nhau, số lượng đảng viên trong chi bộ lại ít nên mỗi đảng viên phải đảm trách rất nhiều hộ, các đảng viên có muốn sâu sát cơ sở, sâu sát với quần chúng nhân dân cũng không dễ gì làm được.
Cùng quan điểm với ông Lê Văn Thế, đồng chí Hoàng Xuân Quý, Bí thư Đảng ủy xã Định Hóa cho rằng: thực tế ở Định Hóa, trong nhiều năm qua đã chứng minh, tại những xóm không có chi bộ, những xóm không có đảng viên, công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng ủy xã rất khó khăn. Hiệu quả hoạt động của chi bộ ghép còn có mức độ, vì một phần do năng lực của một số đảng viên hạn chế, một phần do chưa sâu sát địa bàn nên chưa phát huy được khả năng vận động quần chúng, nắm bắt tình hình ở cơ sở. Vì thiếu hạt nhân lãnh đạo nên hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cũng cầm chừng. Chính vì thế, không ít phong trào như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới... tại các thôn, xóm này chuyển biến rất chậm. Từ đó kéo theo những hạn chế trong công tác phát triển Đảng, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đến đầu năm 2013, Định Hóa vẫn còn 2 chi bộ ghép của 5 xóm và 1 xóm chưa có đảng viên.
Những rào cản trong phát triển đảng viên và tổ chức Đảng
Trước thực trạng xóm "trắng" đảng viên, "trắng" chi bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Sơn đã tập trung phân tích nguyên nhân để tìm ra giải pháp khắc phục. Đồng chí Hoàng Văn Thắng, Phó Bí thư Huyện ủy Kim Sơn cho biết: Qua rà soát, đánh giá, Ban Thường vụ Huyện ủy nhận thấy việc triển khai công tác kết nạp đảng viên của một số địa phương có chuyển biến chậm là do cấp ủy chưa nhận thức đúng đắn ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng; chưa xây dựng được kế hoạch và thiếu những biện pháp cụ thể để thực hiện công tác kết nạp đảng viên từ khâu tạo nguồn bồi dưỡng, đến phân công đảng viên giúp đỡ quần chúng ưu tú. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận quần chúng có đạo về các chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, cho rằng vào Đảng là "khô đạo, nhạt đạo" nên băn khoăn không muốn vào Đảng.
Tư tưởng này hơn ai hết những người có đạo là hiểu rõ nhất. Ông Lê Văn Thế, người đảng viên công giáo đầu tiên của xóm 12 nhớ lại: Hồi tôi chuẩn bị được kết nạp Đảng, không ít người trong giáo xứ bày tỏ băn khoăn, nghi ngại. Thậm chí, nhiều người còn nói với tôi rằng vào Đảng sẽ hạn chế rất nhiều trong thực hiện đức tin của mình với Chúa...
Những nguyên nhân khác xuất phát từ nội tại của tổ chức cơ sở đảng cũng được Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Sơn thẳng thắn chỉ ra, đó là: Nội dung sinh hoạt chi bộ ở nông thôn còn nghèo nàn, chưa tổ chức được các buổi sinh hoạt chuyên đề về công tác phát triển đảng viên; công tác tuyên truyền, giác ngộ cho quần chúng về Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng còn hạn chế. Một bộ phận đảng viên có biểu hiện khắt khe, tư tưởng cục bộ, dòng họ trong công tác kết nạp Đảng. Mặt khác, thủ tục hành chính về kết nạp đảng viên còn có biểu hiện phiền hà, đấy là chưa kể đến nhận thức và thực hiện các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn kết nạp đảng viên ở một số nơi còn máy móc, cứng nhắc; một số cấp ủy chưa nắm vững nghiệp vụ về công tác đảng viên, lúng túng trong nhận thức và tổ chức thực hiện. Việc bố trí sử dụng cán bộ là người có đạo trong bộ máy của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến tư tưởng của quần chúng muốn phấn đấu kết nạp vào Đảng. Mặt khác, nguồn kết nạp ở các khu dân cư ngày càng hạn hẹp do thanh niên đi làm ăn xa. Số còn lại ở nhà học thức thấp, hoặc mắc tệ nạn xã hội, một số vi phạm chính sách dân số, cao tuổi không muốn vào Đảng...
Những nguyên nhân trên là rào cản ảnh hưởng không nhỏ đến công tác kết nạp đảng viên của huyện Kim Sơn trong nhiều năm, số lượng quần chúng là người có đạo được kết nạp vào Đảng hàng năm thấp. Năm 2008, tỷ lệ đảng viên là người có đạo so với tổng số đảng viên của Đảng bộ chiếm 8,57%, so với giáo dân mới chỉ chiếm 0,61%. Nhiều đơn vị trong vùng đồng bào có đạo nhưng nhiều năm không kết nạp được đảng viên là người có đạo. Và tính đến hết năm 2008, toàn huyện Kim Sơn còn 96 chi bộ thôn, xóm có đông đồng bào theo đạo Công giáo nhưng chưa có đảng viên là người có đạo.
Mai Lan
Kỳ 2: Đến quyết tâm xóa xóm "trắng" đảng viên, "trắng" chi bộ