Thẳng thắn nhận diện suy thoái
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy tập trung nghiên cứu, quán triệt nắm chắc tinh thần của Nghị quyết và Chương trình hành động số 11-Ctr/TU, ngày 28/12/2016 của Tỉnh ủy, theo đó đã tiến hành ngay việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình gắn với kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị.
Do có sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy nên việc tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình của các cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở được đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc, chất lượng, nhận diện rõ những biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết đã chỉ ra để tự phê bình và phê bình. Tuy chưa dẫn đến những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" nhưng đã xuất hiện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thể hiện rõ nét nhất ở một số nội dung như: Một số cán bộ còn lười đi cơ sở; trong lãnh đạo, chỉ đạo có lúc, có việc còn thiếu kiểm tra, đôn đốc, do vậy không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị. Một số cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên lười học tập, nhất là học tập lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; một số cán bộ, đảng viên sa sút ý chí phấn đấu, thỏa mãn với những gì đã đạt được, thiếu gương mẫu trong công tác. Có đơn vị do lãnh đạo quan liêu, chủ quan trong quản lý, thiếu kiểm tra, đôn đốc dẫn đến để xảy ra sai phạm, gây thất thoát tài sản của Nhà nước đến mức bị xử lý kỷ luật. Một số cán bộ, đảng viên, công chức còn gây phiền hà, sách nhiễu trong thực thi công vụ, nhất là việc giải quyết các thủ tục hành chính. Có nơi còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao như việc cán bộ xã phụ trách công tác chính sách, địa chính, tài chính, xây dựng cơ bản để tham nhũng đến mức phải xử lý kỷ luật, cá biệt có cán bộ bị truy tố hình sự. Thẳng thắn nhìn nhận những biểu hiện suy thoái, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất chủ đề hành động của Đảng bộ tỉnh năm 2017 là "Nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu" và được các cấp ủy cụ thể hóa và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả nhằm khắc phục những biểu hiện suy thoái đã được chỉ ra.
Trong năm 2017, Tỉnh ủy đã tiến hành xem xét, kỷ luật cảnh cáo về Đảng và đề nghị Ban Bí thư cho 1 đồng chí thôi tham gia ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét cho thôi chức vụ giám đốc Sở do vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống và công tác quản lý cán bộ; chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh điều chuyển 1 đồng chí Chủ tịch UBND huyện về giữ chức Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh do vi phạm trong quản lý và giải phóng mặt bằng từ những năm trước đây. Chỉ đạo cấp có thẩm quyền xem xét cho thôi giữ chức giám đốc và phó giám đốc Bệnh viện huyện Gia Viễn do vi phạm về phẩm chất, đạo đức, lối sống. Tập trung chỉ đạo, xem xét giải quyết ở những nơi xuất hiện những biểu hiện mất đoàn kết nội bộ; thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành... Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm đã góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Những giải pháp đồng bộ, khoa học
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động cụ thể, sát với thực tiễn, có lộ trình, công việc cụ thể, rõ ràng cho từng cơ quan, đơn vị. Tập trung đổi mới về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo thống nhất các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh thực hiện việc tổ chức sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ vào sáng thứ hai của tuần đầu tháng với nội dung sinh hoạt đa dạng, phong phú, ngắn gọn và ý nghĩa. Sau nghi thức chào cờ là phần đọc hoặc kể một câu chuyện về tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thông tin tình hình thời sự nổi bật, đồng thời phân tích, liên hệ và xác định nhiệm vụ cụ thể trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Đến nay, việc sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đã trở thành nền nếp; thông qua hình thức sinh hoạt này đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi người về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 26/6/2017 "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững" hướng tới xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ; đậm nét đặc trưng của vùng đất Cố đô Hoa Lư văn hiến; ban hành Quy chế văn hóa công sở và chuẩn mực ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động làm việc trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, qua đó đã nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị; xây dựng phong cách, chuẩn mực ứng xử của cán bộ, công chức và người lao động, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đã chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm sắp xếp, hoàn thiện bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở tại 4 xã, phường của thành phố Ninh Bình và huyện Yên Khánh với các chức danh không chuyên trách; nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị; Trưởng phòng Văn hóa kiêm Giám đốc Đài truyền thanh..., đối với các chức danh bán chuyên trách ở xóm, phố, 1 người kiêm nhiệm từ 2 - 3 chức danh. Sau khi sắp xếp, số người hoạt động không chuyên trách bình quân ở mỗi xã, phường, tổ dân phố, xóm giảm được 40 người, bằng 35% tổng số cán bộ không chuyên trách ở mỗi xã, phường. Thực hiện chủ trương này bước đầu đã phát huy hiệu quả tốt, tổ chức bộ máy đã tinh gọn hơn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, nhân dân và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 13/3/2017 về nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc phân công cấp ủy viên và đảng viên thuộc chi bộ cơ quan cấp xã định kỳ hàng tháng về dự sinh hoạt với các chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố; duy trì định kỳ hàng quý tổ chức giao ban cụm xã, giao ban tiểu khu để trao đổi, giải đáp các kiến nghị, đề xuất của tổ chức đảng và đảng viên. ở một số đảng bộ như thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp và huyện Yên Mô thực hiện mô hình phân công đảng viên là cảnh sát khu vực và công an phụ trách xã định kỳ về dự sinh hoạt với chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố đã và đang phát huy hiệu quả tốt.
Để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ của tỉnh có thêm thực tiễn và kinh nghiệm công tác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 140-QĐ/TU ngày 1/3/2016 về phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách và doanh nghiệp kết nghĩa với các xã có tính chất đặc thù. Các cơ quan, đơn vị đã thường xuyên cử cán bộ, chuyên viên về làm việc với cơ sở để tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ cho các xã đặc thù về các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới...
Tuy thời gian thực hiện chưa dài, đến nay các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đã hỗ trợ cho các xã đặc thù với tổng giá trị trên 35 tỷ đồng. Tỉnh ủy đã ban hành Quy định 526-QĐ/TU, ngày 22/3/2017 về một số nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và mối quan hệ công tác của cán bộ, chuyên viên theo dõi các đảng bộ trực thuộc tỉnh, nhằm giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nắm chắc tình hình ở cơ sở, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ được sâu sát thực tiễn, tích lũy thêm kinh nghiệm công tác; triển khai thực hiện đề án biệt phái công chức, viên chức của Sở Nông nghiệp và PTNT là cán bộ có trình độ chuyên môn đại học và trên đại học về lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn về các huyện, thành phố công tác để hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp... Đây là những việc làm mới, nhưng kết quả đạt được có ý nghĩa rất lớn, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh; đồng thời giúp cho cán bộ từ tỉnh đến cơ sở có sự chuyển biến tích cực trong việc đổi mới tư duy, phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả hơn, gần dân và sát với dân hơn.
Qua rà soát Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Tỉnh ủy, ngoài những nhiệm vụ thực hiện ngay và thường xuyên, có 55 nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình được Tỉnh ủy phân công cho các cơ quan, đơn vị; đến nay các nhiệm vụ đã và đang cơ bản triển khai thực hiện, còn một số nhiệm vụ chưa triển khai do chờ quy định, hướng dẫn của Trung ương.
Có thể khẳng định, thời gian tuy chưa dài, nhưng bằng nhiều giải pháp cụ thể, cách làm sáng tạo và sự vào cuộc quyết tâm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đã đem lại những kết quả tích cực; qua đó từng bước khắc phục những biểu hiện suy thoái đã được chỉ ra, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Quỳnh Thu