Chuẩn bị đến ngày diễn ra Lễ hội Hoa Lư, người dân xã Trường Yên (Hoa Lư) vô cùng náo nức và phấn khởi bởi lễ hội ngày càng được tổ chức với quy mô lớn với sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành và được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh quan tâm, hưởng ứng. Đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết: Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư, những năm qua, các cấp, các ngành đã quan tâm đầu tư, tôn tạo cảnh quan, khuôn viên, các hạng mục của Khu di tích. Từ năm 2002 đến nay, Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư được tỉnh triển khai nhiều dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo, xây dựng hạ tầng khu di tích với giá trị hàng nghìn tỷ đồng, như dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Đền thờ vua Lê Đại Hành và Lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành; xây dựng hệ thống giao thông đường bao, hào nước vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư; nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê; xây dựng sân lễ hội... Bên cạnh sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất khu di tích, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với xã Trường Yên tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm giới thiệu giá trị của khu di tích Cố đô Hoa Lư như tổ chức hội thảo xác định giá trị di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư và Khu du lịch sinh thái Tràng An; hội thảo về thân thế, sự nghiệp vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành và hoàng hậu Dương Vân Nga... để bảo tồn giá trị vật thể và phi vật thể của vùng đất Cố đô nơi đây.
Đình làng Yên Thành thuộc Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư được tôn tạo lại. Ảnh: Tiến Minh
Đặc biệt, Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và UNESCO đã ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An của Ninh Bình là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, trong đó, Cố đô Hoa Lư thuộc vùng bảo vệ đặc biệt (vùng lõi) của Di sản. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân trong xã giữ gìn và phát huy giá trị của Khu di tích. Theo đó, xã chú trọng công tác quản lý di tích, tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác bảo vệ môi trường, hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và các quy định pháp luật khác về thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng. Đến nay các điểm bán hàng lưu niệm được quy hoạch riêng trong khu vực bãi đỗ xe đảm bảo thuận tiện, người dân có ý thức giữ gìn để khu du lịch đẹp hơn trong mắt du khách.
Việc phát huy giá trị lịch sử của Khu di tích còn được xã quan tâm trong công tác tổ chức Lễ hội Hoa Lư hàng năm (từ mùng 8 đến 10 tháng 3 âm lịch). Mặc dù Lễ hội được tỉnh tổ chức với quy mô lớn nhưng để các hoạt động tổ chức phục vụ lễ hội đảm bảo yêu cầu đề ra, hàng năm, UBND xã đã thành lập Ban phục vụ lễ hội Hoa Lư, phân công nhiệm vụ cụ thể, gắn trách nhiệm ở từng khâu, từng công đoạn cho từng thành viên đảm bảo hiệu quả, chất lượng nhất. Xã Trường Yên hiện nay đã khôi phục được 6 nghi lễ truyền thống để góp phần đưa giá trị lịch sử của lễ hội tới nhân dân cả nước và trên thế giới, như lễ rước nước, lễ rước kiệu, lễ mộc dục, lễ tiến phẩm, tế cửu khúc (nam quan, nữ quan), tế lễ đồng quan. Xã Trường Yên hiện còn lưu giữ được 6 nghi lễ có giá trị lịch sử văn hóa và các trò chơi dân gian như: Đu tiên, cờ tướng, tổ tôm điếm, đấu vật, chọi gà, kéo co, bơi chải, viết thư pháp. Ngoài ra, mỗi lễ hội, xã được giao đảm nhiệm cuộc thi chèo thuyền khéo và phối hợp với các cơ quan liên quan đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… trên địa bàn những ngày diễn ra lễ hội.
Hồng Vân