Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học nên rất kính trọng những người làm nghề dạy học. Cha mẹ là người sinh ra và nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn, nhưng thầy, cô giáo mới là người cho tri thức, chắp cho chúng ta đôi cánh, truyền cho chúng ta niềm đam mê, sáng tạo, vươn tới những đỉnh cao trí tuệ mới để trở thành người có ích cho xã hội. Từ thuở ấu thơ cắp sách tới trường đã được nghe những lời khuyên nhủ thiết tha, ngọt ngào mà chứa chan nghĩa tình của cha, mẹ: "không thầy đố mày làm nên". Những câu nói đó từ ngàn xưa đã thấm vào tâm trí bao lớp người, trở thành truyền thống "Tôn sư trọng đạo" tốt đẹp của dân tộc. Ngày nay, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã dành ngày 20-11 hằng năm, trở thành ngày hội, ngày tôn vinh, ngày tri ân của cả xã hội, của các thế hệ học trò dành cho các thầy, cô giáo.
Lịch sử dân tộc ta có những tấm gương người thầy mà nhân cách đã được khẳng định vĩnh hằng qua thời gian như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi… Đầu thế kỷ thứ XX, các thầy giáo như: Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp… bằng nhân cách cao đẹp của mình đã thắp lên ngọn lửa yêu nước giữa đêm trường nô lệ, truyền cho các học trò lòng nhiệt tình cách mạng để vững bước trên con đường giải phóng dân tộc. Chỉ những người có nhân cách thì mới giáo dục, dạy dỗ được nhân cách cho các thế hệ học trò. Nhân cách thầy, cô giáo càng cao đẹp thì hiệu quả giáo dục càng lớn. Rất mừng là nền giáo dục nước nhà mấy chục năm qua đã có những nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, những thầy, cô giáo đã và đang hết lòng vì học sinh thân yêu góp phần quan trọng đào tạo nên những nhân tài làm rạng danh đất nước.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và xây dựng chủ nghĩa xã hội, các thầy, cô giáo đã khắc phục khó khăn, thi đua dạy tốt, ươm trồng cho dân tộc biết bao những anh hùng, dũng sỹ, những tướng lĩnh tài ba, những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà kinh tế đã và đang góp Sức, góp Tài và góp Tâm vào công cuộc giải phóng dân tộc và sự phát triển của đất nước hôm nay. Nhiều thầy giáo, cô giáo tạm biệt quê hương, lên với vùng cao, " cõng con chữ" đến với bản làng xa xôi và gắn bó hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục nơi vùng sâu, vùng xa, nơi biên cương, hải đảo. Nhân cách của các thầy cô giáo đó thật cao đẹp và rất đáng kính trọng.
Thế hệ chúng tôi, những người sinh ra vào thập niên 60 của thế kỷ trước, khi đang tuổi ăn, tuổi lớn thì đất nước khó khăn, cơm độn khoai, sắn, bữa đói, bữa no, sách giáo khoa mấy người chung một quyển, song vẫn được sự dạy bảo ân cần, quan tâm chu đáo của các thầy, các cô. Nhiều bạn còn được các thầy, cô dù đang rất khó khăn sẻ cho bát cơm, nhường cho manh áo, cho bút, sách vở để đến trường…. Dẫu có đi đến bốn phương trời, có làm nghề nghiệp hay chức quyền gì chăng nữa, hẳn trong lòng mỗi chúng ta đều không bao giờ quên ơn và luôn khắc ghi kỷ niệm đẹp về các thầy, cô giáo.
Giáo dục là một nghề đặc biệt liên quan đến mọi tầng lớp, mọi gia đình trong xã hội. Chưa bao giờ, Đảng, Nhà nước và cả xã hội quan tâm đến giáo dục đào tạo nói chung và các thầy cô giáo như hiện nay. Tháng 12- 1996, Đảng đã có Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo. Đến tháng 11-2013, Đảng tiếp tục có Nghị quyết số 29-NQ/TW về "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Tỉnh Ninh Bình cũng đã có các Chương trình hành động, Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết của Trung ương. Những thành tựu giáo dục đào tạo đã đạt được, những khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và quan điểm chỉ đạo của Đảng, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong những năm tới đây đã được chỉ rõ trong từng văn bản của mỗi cấp, mỗi ngành. Chỉ biết rằng, cả đất nước hôm nay đang mong mỏi, chờ đợi và kỳ vọng nhiều vào các thầy, cô giáo và sự nghiệp giáo dục đào tạo nước nhà. "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không"; tương lai của đất nước ta có tốt đẹp hơn không, điều đó đang trông chờ ở chính bản thân mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi em học sinh góp sức mà làm nên.
Bằng nhân cách làm thầy được xã hội tôn vinh; bằng tri thức trí tuệ, bằng lòng tận tụy và sự say mê sáng tạo, mỗi thầy giáo, cô giáo cần có ý thức đổi mới trong từng bài giảng, từng tiết học, tạo ra cho giáo dục một diện mạo mới và đào tạo ra cho đất nước một lớp thế hệ công dân Việt Nam tuổi trẻ, có tư duy sáng tạo, cách nghĩ, cách làm mới để bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ nền độc lập, xây dựng đất nước giàu đẹp, tiến bộ, văn minh và khi đó các thầy giáo, cô giáo cũng mới làm trọn sứ mệnh của mình.
Để hoàn thành tốt trách nhiệm của người thầy, nhất là trong bối cảnh cả nước đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, các thầy giáo, cô giáo cần phải có ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, có lòng tự trọng nghề nghiệp cao, thường xuyên tự học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và sáng tạo trong các hoạt động giáo dục… nhằm đào tạo ra những con người có ích cho xã hội, có kiến thức kỹ năng sáng tạo phù hợp với kỷ nguyên phát triển hội nhập và có ý thức dân tộc, phục vụ, cống hiến cho đất nước.
Cả xã hội đang mong đợi nhiều ở các thầy, cô giáo!
Nguyễn Đông