Gia đình bà Nguyễn Thị Lan, xóm 6 là một trong những hộ công giáo tiêu biểu trong phong trào hiến tặng giác mạc của xã, với 2 người đã hiến tặng giác mạc thành công sau khi qua đời cho Ngân hàng Mắt Trung ương. ở tuổi 74, bà Lan cũng đã đăng ký tình nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời từ nhiều năm trước cùng với người chồng của mình. Bà Lan chia sẻ, vợ chồng bà noi gương những nghĩa cử cao đẹp của người đã khuất trong gia đình, dòng họ, hàng xóm, láng giềng nên tự nguyện đăng ký. Cách đây 3 tháng, chồng bà Lan không may qua đời, thực hiện di nguyện của ông, bà và các con đã liên hệ với Hội chữ thập đỏ các cấp và cán bộ hội phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận giác mạc. "Tôi nghĩ rằng, việc làm của chồng tôi và những người đã mất trong gia đình khi để lại giác mạc cho những người cần ánh sáng thực sự rất ý nghĩa và là tấm lòng nhân đạo cao cả không gì so sánh được. Tôi đã đăng ký và chắc chắn các con, cháu tôi cũng sẽ đăng ký và thực hiện theo tấm gương của bố mẹ khi mất đi để lại ánh sáng cho đời..."- bà Lan chia sẻ thêm.
Cũng là một gia đình có nhiều người thân đã hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, gia đình ông Trịnh Văn Long vừa mới thực hiện di nguyện của người vợ quá cố vừa qua đời vì căn bệnh suy tim viêm phổi cấp ở tuổi 65. Vợ ông Long là người thứ 4 trong gia đình (gia đình ông Long có bố, mẹ, vợ và người em ruột) đã hiến tặng giác mạc thành công. "Dù nỗi đau vẫn còn đó, nhưng gia đình tôi luôn tự hào vì những người đã khuất đã có hành động cao cả, làm việc nghĩa còn lại cho đời. Bản thân tôi cũng sẵn sàng cho việc hiến tặng giác mạc khi qua đời, để con cháu noi theo và mong muốn mọi người luôn hướng đến việc thiện, việc nghĩa, góp phần cho những người mù có được ánh sáng...'- ông Long xúc động chia sẻ khi người vợ mới mất đột ngột được hơn 1 tháng.
Xóm 6 là xóm của cụ Nguyễn Thị Hoa - người khởi nguồn, tiên phong hiến tặng giác mạc, sau 10 năm lan tỏa việc làm ý nghĩa này, hiện có nhiều gia đình trong xóm có từ 2-3 thế hệ với 3-5 người trong gia đình đã hiến tặng giác mạc thành công, có người là mẹ liệt sĩ, có người thuộc gia đình chính sách, có công với cách mạng... Như gia đình ông Trần Đăng Thành, mẹ ông là bà Nguyễn Thị Vượng, có con là liệt sĩ Trần Đăng Cơ, năm 2016, bà Vượng đã hiến giác mạc sau khi qua đời. "Tôi nghĩ sau này chết đi, thân xác tan biến hết, việc hiến giác mạc rất ý nghĩa, có ích cho nhiều người đang sống nên không có gì phải băn khoăn suy nghĩ cả. Trong gia đình, anh em họ hàng nhà tôi, đến nay đã có 4 người hiến giác mạc và 30 người, trong đó có vợ chồng tôi, đã đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời..." - ông Thành chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Lý, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cồn Thoi cho biết: Xã Cồn Thoi hiện có dân số trên 11.000 người, trong đó 90% là đồng bào theo đạo Công giáo. Với tinh thần "Kính Chúa, yêu nước" và thực hiện phương châm "Sống phúc âm trong lòng dân tộc, vì hạnh phúc của đồng bào", người Công giáo nơi đây luôn sẵn lòng thực hiện các nghĩa cử cao đẹp, đầy tình nhân ái. Hiện toàn xã có gần 500 người đăng ký và đã có 120 người hiến tặng giác mạc thành công, trong đó chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 12 người qua đời hiến tặng giác mạc thành công. Trong số những người đã hiến tặng, người nhỏ tuổi nhất là 12 tuổi, lớn tuổi nhất là một cụ hơn 100 tuổi...
Cũng theo ông Nguyễn Minh Lý, không phải tự nhiên và ngày một ngày hai mà xã Cồn Thoi có được phong trào hiến tặng giác mạc dẫn đầu cả tỉnh và cả nước như vậy. "Đó là cả một quá trình và sự vào cuộc tích cực của tất cả các tổ chức chính trị, xã hội, trong đó có vai trò quan trọng và to lớn của các vị là linh mục, chánh trương, trùm trưởng, các vị chức sắc, chức việc công giáo đã tuyên truyền, vận động, giao giảng về ý nghĩa, tính nhân văn của việc làm này. Giai đoạn 2007- 2010 là thời gian khó khăn nhất của xã Cồn Thoi trong việc vận động người dân hiến giác mạc. Khi đó, mọi người còn có suy nghĩ phải chết toàn thây và chưa quan tâm đến việc hiến giác mạc, do đó khó tạo được sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong gia đình. Nhưng sau khi được tuyên truyền thì người dân đăng ký ngày càng nhiều hơn. Hiện nay phong trào đã lan tỏa sâu rộng và đi vào tiềm thức mỗi người dân, mỗi gia đình. Nhiều người dân và gia đình không đăng ký trước, nhưng vẫn tình nguyện và chủ động thông báo cho các tổ chức có trách nhiệm khi người thân không may qua đời để thực hiện hiến tặng giác mạc." - ông Nguyễn Minh Lý cho biết thêm.
ở xã Cồn Thoi nói riêng, huyện Kim Sơn nói chung đã có nhiều câu chuyện cảm động về việc hiến tặng giác mạc của những người không may mắc bệnh hoặc rủi ro do tai nạn không thể tiếp tục duy trì sự sống. Qua hơn 10 năm phát động, đến nay, huyện Kim Sơn đã vận động được gần 11 nghìn người đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, đã có 320 người hiến tặng giác mạc thành công, giúp 640 người mù được nhìn thấy ánh sáng. Những việc làm cao đẹp, đầy ý nghĩa nhân văn đó không chỉ là niềm hạnh phúc của những người được nhận, là niềm tự hào của những người tình nguyện hiến tặng và còn là sự trân trọng của xã hội dành cho những người "Sống là cho đi, đâu chỉ nhận riêng mình" và ngày càng lan tỏa sâu rộng thông điệp "Cho đi là còn mãi" trong suy nghĩ mỗi người dân và trong cộng đồng xã hội.
Bài, ảnh: Hạnh Chi