Ngay từ khi tái lập tỉnh năm 1992, tỉnh Ninh Bình đã bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương, tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách về an sinh xã hội. Qua đó, góp phần quan trọng đảm bảo ổn định tình hình chính trị- xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và 'không để ai bị bỏ lại phía sau".
Vượt khó đảm bảo an sinh xã hội
Hiện nay, tỉnh ta đang chi trả trợ cấp hàng tháng cho trên 47.000 đối tượng bảo trợ xã hội (năm 1996 chỉ có 2.758 đối tượng); hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo và người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên; quản lý, nuôi dưỡng và chăm sóc gần 500 đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập thuộc tỉnh...
Hằng năm, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội nhân dịp lễ, Tết... Công tác trợ giúp xã hội khẩn cấp được thực hiện tốt và kịp thời, các hộ gia đình và cá nhân chịu hậu quả bởi thiên tai đều được hỗ trợ theo quy định của Nhà nước.
Công tác giảm nghèo được triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Nhiều Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND và kế hoạch của UBND tỉnh về công tác giảm nghèo được ban hành, triển khai thực hiện đã đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả thiết thực, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Điển hình năm 2010, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành việc xóa nhà tranh tre, dột nát cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo với 2.660 ngôi nhà được xây mới, sửa chữa, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 62 tỷ đồng; giai đoạn 2015-2020 có 3.253 hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở, với tổng kinh phí trên 120,1 tỷ đồng, được Trung ương đánh giá là tỉnh nằm trong tốp đầu của cả nước làm tốt công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách có khó khăn về nhà ở.
Trong 2 năm 2020-2021, toàn tỉnh có 407 hộ nghèo có thành viên là người có công được hỗ trợ kinh phí với số tiền gần 3,4 tỷ đồng, góp phần đảm bảo 100% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú. Đặc biệt, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 24/10/2016 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020, các chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội tiếp tục được tập trung triển khai và đạt kết quả tích cực; nâng cao mức hưởng thụ về vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm nhanh qua các năm, từ 30% (năm 1995) giảm xuống còn 2,91% (năm 2015) theo tiêu chí nghèo đơn chiều và từ 7,46% (cuối năm 2015) xuống còn 1,87% (năm 2020) theo tiêu chí nghèo đa chiều, đến năm 2021 giảm còn 3,07% theo tiêu chí giai đoạn 2022-2025.
Tỉnh Ninh Bình cũng đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ gia đình chính sách, người khó khăn như: Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup đã hỗ trợ 3.865 con bê giống cho hộ nghèo; Tập đoàn Xuân Thành, Doanh nghiệp Xuân Trường, Công ty xi măng The Vissai cùng một số doanh nghiệp đã hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo bằng nhiều hình thức khác nhau, mỗi năm hàng chục tỷ đồng.
Từ năm 2017, từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội", đến nay đã huy động trên 110 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh 48 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, tỉnh ta đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để đền ơn đáp nghĩa và hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn.
Đặc biệt, để đảm bảo cho công tác giảm nghèo thực sự bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, tỉnh ta cũng đặc biệt quan tâm tới công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động.
Nghề phụ đã góp phần cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho lao động nông thôn.
Theo đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ lao động học nghề và giải quyết việc làm cho người lao động như: Hỗ trợ tiền học giáo dục định hướng cho đối tượng là con của người có công với cách mạng, lao động trong các hộ nghèo giai đoạn 2004-2005; triển khai thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020"; chính sách hỗ trợ về xuất khẩu lao động, du học nghề; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng cho học sinh, sinh viên người Ninh Bình nhằm khuyến khích đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động để phục vụ nhu cầu nhân lực cho sự phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh như: Du lịch - dịch vụ, sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp điện tử...
Nếu như năm 1992, tỉnh ta giải quyết việc làm cho 8.295 lao động thì đến giai đoạn 2015-2020, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 20.500 người, trong đó có trên 1.250 người đi xuất khẩu lao động.
Cùng với phát triển công nghiệp ở trình độ cao, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và phát triển làng nghề được quan tâm hỗ trợ và có bước phát triển mới. Đến nay, tỉnh đã quyết định công nhận 76 làng nghề, 02 nghề truyền thống và 99 nghệ nhân nghề thủ công mỹ nghệ. Sau khi được công nhận, phần lớn các làng nghề tiếp tục duy trì ổn định, một số làng nghề đã phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh, như làng nghề cói, làng nghề thêu, làng nghề chế tác đá mỹ nghệ.
Hoạt động sản xuất làng nghề đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.