Một ngày cuối năm 2019, chúng tôi cùng cán bộ Ngân hàng CSXH tỉnh về thăm xưởng may của chị Thơm, đúng dịp các lao động đang khẩn trương hoàn thành đơn hàng gia công quần cho một đơn vị chuyên xuất khẩu hàng may mặc. Qua trò chuyện và tìm hiểu chúng tôi được biết, vợ chồng chị Thơm có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi cả hai đều là người khuyết tật.
Chị Thơm bị gù lưng nên rất khó khăn trong các hoạt động hàng ngày, người dân địa phương vẫn hay trêu chị là "Tể tướng lưng gù", còn chồng chị bị câm từ nhỏ. Anh chị cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình khi cả hai chỉ có đôi bàn tay trắng, vốn liếng không có gì ngoài mấy sào ruộng. Sau một vài năm lần lượt các con ra đời, cuộc sống gia đình chị ngày càng khó khăn hơn.
Để có tiền nuôi con, cho con cái học hành, vợ chồng chị làm đủ việc nhưng cũng chẳng khá lên là mấy. Do sức khỏe yếu không làm được việc nặng nhọc, chị Thơm học thêm nghề may để có đồng ra đồng vào những lúc nông nhàn. Với bàn tay khéo léo và sự cần cù chịu khó, nghề may đã góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình chị.
Không dừng lại ở đó, chị Thơm luôn ấp ủ dự định mở cơ sở may để dạy và tạo việc làm cho người lao động địa phương. Bằng sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các hội đoàn thể, đặc biệt là Ngân hàng CSXH, chị Thơm được vay vốn chương trình cho vay hộ nghèo, tiếp sau đó là chương trình cho vay hộ cận nghèo. Nhờ có nguồn vốn ấy, chị mua thêm máy móc, thiết bị mở rộng quy mô từ 1-2 máy lên 5-6 máy. Làm ăn hiệu quả, chị trả gốc, lãi ngân hàng đúng hạn và vươn lên thoát nghèo.
Mới đây nhất, chị Thơm tiếp tục được Ngân hàng CSXH cho vay 100 triệu đồng, mức vay cao nhất chương trình cho vay hộ cận nghèo để sửa lại xưởng may và đầu tư mua thêm máy móc, thiết bị. Hiện nay cơ sở may có 22 máy may, chủ yếu là may gia công hàng xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; có 16 lao động làm việc thường xuyên với mức lương bình quân từ 4-5,5 triệu đồng/người/tháng.
Điều đáng quý hơn là chị Thơm còn tạo việc làm cho nhiều lao động khuyết tật của địa phương. "Không may mắn như người bình thường, người khuyết tật chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, đặc biệt là trong việc tìm kiếm và duy trì việc làm. Cũng là người khuyết tật nên tôi thấu hiểu điều đó và luôn ưu tiên việc làm cho họ". - Chị Thơm chia sẻ.
Hiện cơ sở may của chị Thơm có 5 lao động là người khuyết tật, chủ yếu là câm, điếc và vận động. Tại đây, những người khuyết tật có cơ hội hòa nhập với cuộc sống cộng đồng, có thêm thu nhập, giảm bớt gánh nặng lên gia đình.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở thị trấn Yên Ninh bị khuyết tật ở chân không đi lại được từ nhỏ chia sẻ: "Trước đây, tôi chỉ quanh quẩn ở nhà, ít khi tiếp xúc với người ngoài do tự ti, mặc cảm. Hơn 3 năm nay, tôi được chị Thơm tạo điều kiện làm việc ở cơ sở may với thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Không chỉ tạo việc làm ổn định, chị Thơm còn bầu bạn, hỗ trợ tôi trong công việc, trong cuộc sống. Giờ đây tôi đã tự tin hơn, có thêm nhiều bạn và thấy mình là người có ích cho gia đình, cho xã hội".
Nhờ cần cù, chịu thương, chịu khó, đến nay vợ chồng chị Thơm đã có cơ sở may cho riêng mình với thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng/tháng và có tiền nuôi 3 con theo học cao đẳng và đại học.
Chị Phạm Thị Loan, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Yên Ninh cho biết: Chị Thơm là một trong những phụ nữ tiêu biểu của xã đã vượt qua nghịch cảnh để vươn lên trong cuộc sống. Nhờ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, chị phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, trong đó có nhiều lao động khuyết tật.
Chị Thơm là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống để chị em phụ nữ trong thị trấn cũng như trong huyện học hỏi và noi theo.
Bài, ảnh: Giáng Hương