Gia đình chị Hiền cũng như nhiều người dân khác trong xã gắn bó với nghề dệt chiếu cói từ lâu lắm rồi. Nhưng những năm gần đây, các sản phẩm thủ công không thể cạnh tranh được với các sản phẩm từ máy móc công nghiệp. Nhiều gia đình không còn mặn mà với công việc này nữa vì vừa vất vả mà thù lao chả đáng là bao. Trước thực trạng đó, năm 2009, chị Hiền bàn với gia đình và mạnh dạn dành hết phần vốn tích cóp bấy lâu kết hợp với vay mượn thêm của bạn bè và người thân đầu tư 100 triệu đồng để mua máy dệt chiếu. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm sử dụng máy nên sản phẩm làm ra chưa đẹp, nhiều khi máy bị trục trặc không biết sửa thế nào. Nhưng với ý chí và lòng quết tâm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, gia đình chị Hiền đã làm chủ được nghề dệt chiếu bằng máy. Chị Hiền chia sẻ: "So với dệt thủ công thì dệt bằng máy có ưu điểm là nhanh hơn rất nhiều, chất lượng chiếu đồng đều và có thể đáp ứng những hợp đồng mua chiếu thành phẩm với số lượng lớn trong thời gian ngắn. Trung bình một ngày máy có thể dệt được 30 đôi chiếu. Tuy nhiên, muốn có được một chiếc chiếu đẹp, dù dệt máy hay dệt tay trước tiên phải chọn ra được những mớ cói đẹp, không sâu, không nấm, đủ độ dài, các sợi đều nhau. Đồng thời, khi dệt đòi hỏi người thợ phải xử lý thật tinh ý, sao cho các đường bẻ mép, bắt biên gọn gàng".
Nhờ năng động, sáng tạo, nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và thường xuyên cải tiến mẫu mã nên những lá chiếu do gia đình chị Hiền làm ra được nhiều khách hàng từ Nam ra Bắc ưa chuộng. Nhờ thị trường đầu ra ổn định nên gia đình chị Hiền đã quyết định mua thêm 1 máy dệt chiếu nữa, đồng thời đầu tư cải tạo nhà xưởng. Hiện nay cơ sở sản xuất chiếu cói của chị Hiền tạo việc làm thường xuyên cho 15-17 lao động với mức thu nhập trung bình 2,5-3 triệu đồng/ người/tháng. Chị Nguyễn Thị Mùi, một lao động tại xưởng dệt bộc bạch: Trước đây, cứ cấy gặt xong là tôi lại phải lo đi kiếm việc làm thêm ở khắp nơi. Nhưng từ khi về làm việc ở xưởng nhà chị Hiền, tôi không những tranh thủ làm được việc nhà, mà đồng lương lại ổn định, đủ trang trải các khoản chi tiêu cho gia đình.
Dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư phát triển nghề truyền thống theo hướng cơ giới hóa, mỗi năm gia đình chị Đào Thị Hiền thu lãi hàng trăm triệu đồng. Không chỉ biết cách làm ăn, chị Hiền còn rất nhiệt tình trong công tác xã hội và luôn đi đầu trong việc đóng góp xây dựng quê hương giàu đẹp.
Bài, ảnh: Hà Phương