Phóng viên: Xin đồng chí đánh giá một số kết quả nổi bật của ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình trong năm học 2019-2020?
Nhà giáo Đỗ Văn Thông: Năm học 2019-2020, quy mô trường, lớp các cấp học trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 155 trường mầm non (trong đó có 7 trường tư thục), 148 trường tiểu học (trong đó có 1 trường tư thục), 136 trường THCS, 5 trường liên cấp tiểu học và THCS, 26 trường THPT (trong đó có 2 trường tư thục), 8 cơ sở GDTX cấp THPT, với tổng số hơn 246.700 học sinh, học viên. Các xã, phường, thị trấn đều có trung tâm học tập cộng đồng. Các huyện, thành phố có từ 2-4 trường trung học phổ thông và 1 cơ sở GDTX cấp THPT.
Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được củng cố vững chắc và nâng cao. Huy động trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ đến lớp đạt 60,2% dân số độ tuổi, mẫu giáo đạt 99,1% dân số độ tuổi. Huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học vào lớp 6. Tỷ lệ học sinh được tuyển vào lớp 10 THPT, GDTX đạt 85,8% so với số học sinh tốt nghiệp THCS.
Trong năm học, Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh. Hoàn thành và đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông của tỉnh Ninh Bình bộ phim phóng sự tài liệu truyền thông "Chuyện kể lịch sử Ninh Bình" - 24 tập, góp phần giáo dục học sinh giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương. Tổ chức các cuộc thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đánh giá khách quan thực trạng giáo dục. Thành tích các kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia và thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia ổn định...
Các địa phương, nhà trường tiếp tục tập trung nguồn lực để xây dựng, tu bổ, sửa chữa trường, lớp; mua sắm thêm bàn ghế, sách, thiết bị dạy học, đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho dạy và học; xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới theo nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố trong toàn tỉnh đạt 88%. Dự án xây dựng Trường THPT chuyên tỉnh Ninh Bình theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện, dự kiến đến tháng 9/2020 sẽ cơ bản hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Phóng viên: Đến nay, công tác chuẩn bị triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa mới đối với lớp 1 được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Nhà giáo Đỗ Văn Thông: Năm học 2020-2021, Ninh Bình có trên 600 lớp 1 với trên 19.000 học sinh. Để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, Sở đã chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện, như: Tích cực phối hợp với UBND huyện, thành phố tuyển dụng, luân chuyển giáo viên; đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên nâng cao trình độ, đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019.
Tổ chức hiệu quả các lớp bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên. Mời các chuyên gia là tác giả chương trình, sách giáo khoa các môn học về tập huấn cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán dạy lớp 1. Sở cũng đã phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức cho 1.183 cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 1 tham gia bồi dưỡng trực tuyến các bộ sách: "Kết nối tri thức với cuộc sống", "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục"; phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức bồi dưỡng trực tiếp cho 340 cán bộ quản lý, giáo viên dạy tiếng Anh lớp 1, 693 đại diện cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán dạy lớp 1...
Về cơ sở vật chất, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo rà soát mạng lưới trường lớp; tăng cường cơ sở vật chất các trường tiểu học, đáp ứng điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Chính quyền cấp huyện và cấp xã đã quan tâm nâng cấp, xây mới, sửa chữa các hạng mục công trình, mua sắm thiết bị giáo dục cho các trường tiểu học, gắn xây dựng nông thôn mới với trường chuẩn quốc gia. Đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 116/153, bằng 75,8% trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Năm 2020, Sở GD&ĐT cấp thiết bị dạy học hiện đại cho 33 trường tiểu học, với kinh phí gần 60 tỷ đồng. Nhìn chung, các trường tiểu học đáp ứng được yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt đối với lớp 1.
Về sách giáo khoa, đã có 3 bộ sách được lựa chọn, đó là: Kết nối tri thức với cuộc sống; Cánh Diều; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Có 85,6% số trường tiểu học lựa chọn 3 bộ sách giáo khoa tiếng Anh đó là: I Learn Smatr Start, English Discovery, Macmillan Next Move. Sở đã chỉ đạo các phòng giáo dục đăng ký số lượng sách giáo khoa qua Công ty cổ phần Sách thiết bị trường học Ninh Bình, để đơn vị cung ứng sách trước khi bước vào năm học mới. Đồng thời, Sở GD&ĐT phối hợp với NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Ninh Bình. Hiện nay đã tổ chức thẩm định xong, tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh cấp kinh phí mua sách giáo khoa và thiết bị dạy học lớp 1 cho các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn sử dụng thiết bị dạy học thông minh...
Phóng viên: Thưa đồng chí, năm học mới 2020-2021 bắt đầu trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 vẫn có những diễn biến phức tạp. Vậy ngành Giáo dục chỉ đạo việc vừa phòng, chống dịch bệnh vừa đảm bảo chương trình như thế nào?
Nhà giáo Đỗ Văn Thông: Các nhà trường cần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế, như vệ sinh môi trường toàn bộ trong và ngoài khuôn viên nhà trường, các lớp học, các thiết bị, vật dụng phục vụ nhiệm vụ giảng dạy và học tập... Đồng thời, tích cực tuyên truyền cho học sinh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác, đảm bảo học sinh được học tập trong môi trường an toàn. Chỉ đạo các nhà trường chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, đảm bảo an toàn trong tổ chức lễ khai giảng năm học mới theo tình hình cụ thể của dịch bệnh...
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Hồng Vân (Thực hiện)