Hành trình khám phá...bất ngờ...hấp dẫn
Từ bến hang Chùa Hải Nham (Ninh Hải) chiếc canô nổ máy, tạo sóng vỗ dào dạt trên sông, phải qua hai hang núi, mất chừng 50 phút đoàn nhà báo đã đến Thung Nham. Anh Thiện, người của Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại và du lịch Doanh Sinh giãi bày với khách, đoạn sông này do đơn vị bạn quản lý cũng mới được khai thông. Các đơn vị đều thuộc khu du lịch Tam Cốc- Bích Động.
Bước lên đồi nham, từ xa đã thấy một nghinh phong các của Chi cục kiểm lâm vươn giữa mây trời, in bóng xuống lòng hồ trong xanh. Theo con đường đất tới "đại bản doanh" đúng như giám đốc Phạm Công Chất đã nói trong điện thoại: "Nơi đây đang đầu tư xây dựng. Nể quá trước đề nghị của Ban Biên tập, đành nhận lời các anh..." Đường đến Thung Nham độc đạo chỉ một lối vào. Trước mặt là đãy núi đã hùng vĩ, mang hình ảnh của đàn voi chiến. Tương truyền các tướng lĩnh của vua Quang Trung đã đến thị sát, tập trận nơi đây, rồi xuất quân từ phòng tuyến Tam Điệp làm nên kỳ tích chiến thắng 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh mùa xuân năm 1789. Phía tây bắc Thung Nham là quèn chị, quèn em, thung khế, phải qua rừng già, tới núi chùa Bái Đính. Chếch sang trái dãy núi là Sơn Hà đi Hang Bụt. Anh Phạm Quốc Sử quản lý tại đây trải tấm bản đồ rộng xuống nhà sàn giới thiệu khu du lịch có 9 điểm hấp dẫn trên diện tích hơn 34ha, đầu tư trên 37 tỷ đồng, đến hết năm nay mới cơ bản xong.
Từ nhà sàn rẽ trái vài trăm mét là cây đa trăm tuổi, thân giữa đã bị mục, cứ thả rễ xuống phát triển thành cây mới, như sức sống trường tồn của nó. Bên cạnh là ngôi miếu nhỏ, trên phiến đã cổ là những bát hương cổ. Các đoàn dừng lại thắp nén nhang tưởng nhớ nhiều người đã khai sơn phá thạch, những anh hùng vô danh có công gìn giữ nước non này.
Nhà sàn đồi Nham |
Cây duối nghìn năm. |
Theo con đường đã mở, giữa bạt ngàn cây xanh, có các loại keo, cây sưa, cây trầm, tới cây duối nghìn năm tuổi mọc trên đá vẫn giữ một màu xanh. Qua thung khế, chúng tôi cùng trở lại ven hồ ngắm đàn cá lững lờ bơi, có cá trắm trên chục cân, cá mè dăm cân. Đâu đó tiếng khỉ gọi bạn vọng về, anh Sử ước đảo khỉ có chừng 80 con. Nhưng hấp dẫn nhất là lúc hoàng hôn, màn đêm buông xuống những đàn chim (khoảng 8 loài) đi kiếm ăn từ miền biển về, Nho Quan xuống, Yên Mô lên, bay sà xuống cánh rừng tạo nên âm thanh muôn điệu, nhìn trắng cả những khu đồi. Thích nhất là đại bàng đã xuất hiện ở Thung Nham, còn Bạch Hạc bay về trong bóng đêm tĩnh lặng, khoảng 20-30 con. Anh Sử đã từng đi Nga tâm sự; anh đã thấy rõ được niềm vui của các bạn Nga xem chim hồng hạc trên bãi biển Caxpia, nay lại được chứng kiến Bạch Hạc về đậu trên vùng đất lành, thật là may mắn. Người xưa đã từng ví rằng: thứ nhất Hạc về, thứ nhì nghề mới. Những du khách nào mong có điều may mắn đến , hãy nghỉ lại Thung Nham....chờ để gặp Hạc.
Gìn giữ thung chim cho muôn đời sau
Nơi đây đang hình thành các loại hình du lịch: câu cá, leo núi, miệt vườn, ngắm rừng ngập nước, sân chim, hồ nuôi cá sấu, đảo khỉ, giếng tiên... Còn đón du khách, ở đây mới có 2 khu nhà sàn Thái bằng gỗ Chai, gỗ táu đủ chỗ cho vài chục khách du lịch. Anh Giao đang thiết kế các nhà sàn, cho biết sự kiến sẽ lắp khoảng 15 nhà sàn ở Thung Nham.
Khá nhiều người tâm đắc với điều mà các anh trong HĐQT của Công ty cổ phần dịch vụ thương mại và du lịch Doanh Sinh đã nhắc đến: nếu các bạn nước ngoài thuê 1 quả đồi thì chỉ san làm 1 góc thôi, vẫn lo về môi trường. Còn Công ty đang đầu tư, trước mắt chỉ hưởng một phần tự khai thác, nhưng điều quan trọng hơn là hãy gìn giữ cho muôn đời sau môi trường sinh thái, tài sản vô giá từ vườn chim này, để mang niềm vui, điều may đến cho mọi người.
Tố Mai