Kết quả sản xuất nhiều năm qua cho thấy, vụ đông luôn là vụ cho thu nhập cao, thậm chí ở một số nơi vụ đông còn là vụ làm giàu của nhiều nông dân. Ngay như năm 2017, chỉ với diện tích gieo trồng 9.002 ha nhưng tổng giá trị sản xuất vụ đông toàn tỉnh đã chạm tới con số 800 tỷ đồng, bình quân đạt 92,4 triệu đồng/ha. Đặc biệt, ở những mô hình sản xuất có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có thể mang lại thu nhập cao và ổn định từ 120-160 triệu đồng/ha.
Cụ thể như: Mô hình trồng cà chua ở xã Văn Phong, huyện Nho Quan đạt 135 triệu đồng/ha, mô hình trồng khoai sọ ở xã Yên Quang, huyện Nho Quan đạt 140-160 triệu đồng/ha; mô hình liên kết và tiêu thụ sản phẩm khoai tây ở 9 HTX nông nghiệp của huyện Yên Mô; mô hình liên kết, sản xuất dược liệu ở Yên Khánh, nhiều hộ trồng từ 1-3 mẫu trạch tả thu nhập từ 30-90 triệu đồng/vụ…
Tuy nhiên thực tế cũng chỉ ra, sản xuất vụ đông ở nhiều địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc đầu tư thâm canh, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh của một số hộ nông dân còn thấp nên cây trồng sinh trưởng phát triển kém, năng suất, sản lượng thấp.
Ngoài ra, vẫn chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ nông dân, các HTX nông nghiệp và doanh nghiệp còn hạn chế, vẫn còn hiện tượng không thực hiện nghiêm túc hợp đồng của các bên.
Các cơ sở bảo quản, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh còn ít. Diện tích vụ đông còn manh mún, chi phí sản xuất tăng, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định dẫn đến hiệu quả sản xuất của một số cây trồng vụ đông chưa cao. Lực lượng lao động nông nghiệp ngày càng thiếu hụt, già hóa, do đó gây khó khăn trong việc mở rộng sản xuất.
Đại diện Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp &PTNT) cho biết: Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những hạn chế ở vụ đông năm trước, vụ đông năm 2018, Ninh Bình định hướng không chú trọng mở rộng diện tích mà tập trung thâm canh các cây trồng có giá trị kinh tế cao, có đầu ra ổn định.
Xây dựng kế hoạch trên cơ sở rà soát quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, đảm bảo năng suất, chất lượng, có đầu ra, có giá trị kinh tế cao, dễ bảo quản, có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất. Bố trí hợp lý cơ cấu cây trồng giữa nhóm cây ưa ấm và nhóm cây ưa lạnh.
Đa dạng hóa cây trồng, mở rộng diện tích sản xuất các loại rau đậu áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP… Tiếp tục triển khai các chương trình, mô hình, dự án theo tinh thần Nghị quyết số 37 của HĐND tỉnh để khuyến khích, thúc đẩy phát triển sản xuất vụ đông hiệu quả, an toàn, bền vững.
Vụ đông 2018, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng khoảng 9.000 ha cây vụ đông các loại. Các cây trồng chủ lực sẽ là ngô, lạc, khoai tây, khoai lang, khoai sọ, bí xanh, trạch tả và rau các loại…Theo tổng hợp nhanh của Sở Nông nghiệp &PTNT, đến thời điểm ngày 17/10, toàn tỉnh đã thu hoạch được 17.300 ha lúa mùa, đồng thời trồng được hơn 3.000 ha cây trồng vụ đông các loại. Trong đó, ngô 675 ha, lạc 148 ha, khoai lang 325 ha, bí xanh 186 ha, trạch tả 79 ha, đậu tương 38 ha, rau đậu các loại 1.490 ha, cà chua 16 ha...
Các địa phương đã xuống giống cây vụ đông nhiều là Yên Khánh, Yên Mô, Nho Quan. Xác định thời tiết vụ này sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, không theo quy luật có thể ảnh hưởng đến thời vụ gieo trồng cũng như sự sinh trưởng, phát triển, năng suất của các cây vụ đông. Mặt khác, đầu ra cho sản phẩm vụ đông thiếu ổn định, nguy cơ các loại sâu bệnh sẽ gây hại nặng đối với cây trồng, đặc biệt là trên diện tích các loại rau, đậu.
Bởi vậy, ngành Nông nghiệp đã đề ra những giải pháp cụ thể nâng cao hiệu quả sản xuất, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật mới; thường xuyên cập nhật thông tin, dự tính, dự báo thị trường, diễn biến thời tiết, sâu bệnh hại… đến người sản xuất. Rà soát, điều chỉnh kế hoạch, quy hoạch các vùng sản xuất vụ đông phù hợp với tình hình thực tế của sản xuất vụ mùa 2018 tại các địa phương, nhất là đối với những diện tích cây ưa ấm, yêu cầu thời vụ khắt khe.
Tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh gọn lúa và cây màu vụ mùa, giải phóng đất sớm để triển khai sản xuất vụ đông kịp thời vụ. Tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân cho mượn đất, thuê đất để liên kết, đầu tư sản xuất thành vùng tập trung, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa nhằm giảm công lao động, chi phí sản xuất. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Bên cạnh đó, lựa chọn những tiến bộ kỹ thuật phù hợp với thực tế sản xuất tại địa phương để khuyến cáo người dân áp dụng. Cụ thể như: gieo trồng bằng phương pháp che phủ rơm rạ, nilon để hạn chế cỏ dại, giữ ẩm đất; sử dụng các giống cây trồng mới có chất lượng tốt thay thế dần những cây trồng cũ; áp dụng canh tác trong nhà lưới, sử dụng màng phủ nông nghiệp, quy trình sản xuất rau, củ, quả an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt. Tăng cường sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc hữu cơ sinh học…
Hà Phương