Cầm trên tay tấm Bằng công nhận Người có công với cách mạng do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình trao tặng, ông Nguyễn Mạnh Thân (Trần Ngọc Đại), cán bộ lão thành cách mạng ở phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình không khỏi bồi hồi xúc động. Người lính già bao năm chinh chiến trong bom đạn, nay đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm" nghẹn ngào cho biết: Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước tôn vinh, công nhận là lão thành cách mạng với nhiều chế độ, chính sách ưu đãi, quan tâm, chăm lo cả đời sống vật chất và tinh thần, nhưng hôm nay tiếp tục được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng công nhận là người có công với cách mạng, nhất là vào thời điểm cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, càng khiến chúng tôi thêm ấm lòng. Đối với ông Dương Minh Đức, được cầm trên tay tấm Bằng ghi tên người cha của mình là lão thành cách mạng Dương Văn Tấu, xã Trường Yên (Hoa Lư) được công nhận là Người có công với cách mạng như nhắc nhở ông nhớ về tấm gương của người cha, về truyền thống gia đình, truyền thống cách mạng của địa phương, góp phần dựng xây nền độc lập, tự do cho dân tộc. Xúc động phát biểu tại buổi lễ trao bằng, ông Dương Minh Đức cảm ơn sự quan tâm, ghi nhận của Đảng, Nhà nước và tỉnh Ninh Bình đối với những người có công với cách mạng nói riêng, những gia đình chính sách nói chung; đồng thời hứa quyết tâm phát huy truyền thống quý báu đó, sống và làm việc, nuôi dạy con cháu thực hiện tốt nghĩa vụ của người công dân, thi đua học tập, lao động, sản xuất, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước ngày càng no ấm, tiến bộ, hạnh phúc...
Có thể thấy, trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm, đề cao trách nhiệm đối với việc chăm sóc người có công. Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, song tỉnh ta vẫn luôn ưu tiên dành phần ngân sách xứng đáng, đồng thời huy động mọi nguồn lực xã hội cùng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền, đài liệt sỹ được tỉnh và toàn xã hội chăm lo. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc nuôi dưỡng, phục hồi sức khỏe cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với nước ngày càng được chăm lo, chú trọng hơn. Cùng với đó, chế độ chăm sóc, ưu đãi người có công dần được nâng lên. Đến nay, hầu hết những người có công đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở...
Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi người có công theo quy định của Đảng và Nhà nước, ở tỉnh ta, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành hoạt động thường xuyên và sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, trở thành một trong những nét đẹp văn hóa của người Cố đô. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã cùng Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhiều đơn vị, cá nhân tự nguyện vận động, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như tặng nhà tình nghĩa, xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", "Đi tìm đồng đội", "Xã, phường làm tốt công tác chăm sóc người có công".... Đến nay, Ninh Bình đã xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được hơn 4 tỷ đồng; đã xây 3.606 nhà tình nghĩa trị giá hơn 22 tỷ đồng; tặng 6.649 sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 300 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách và người có công.
Đặc biệt, qua hơn 20 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định số 31 của Chính phủ về việc thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc việc hướng dẫn, lập hồ sơ, xét đề nghị công nhận người có công với cách mạng. Tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh đã có 137.000 người được hưởng chính sách người có công với cách mạng, trong đó có 690 cán bộ lão thành cách mạng, 211 cán bộ tiền khởi nghĩa và 1.104 Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện nay có 83 Mẹ còn sống, đang được các cơ quan, tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời). Đặc biệt, việc cấp Bằng công nhận Người có công với cách mạng cho cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa không phải là chính sách chung của cả nước, mà là chính sách riêng của tỉnh ta, là việc làm có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn, thể hiện sự quan tâm của tỉnh cùng các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đối với Người có công với cách mạng.
Để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, phụng dưỡng người có công, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; vận động quần chúng nhân dân có những việc làm thiết thực, quan tâm, chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công; đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho con em những người có công, trước hết là đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống; phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu: Các gia đình có công với nước phải có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư. Trước mắt, tiếp tục hướng dẫn, hoàn thiện các hồ sơ xét đề nghị công nhận người hoạt động cách mạng theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ. Thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách ưu đãi khác về kinh tế - xã hội đối với người có công. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về truyền thống yêu nước, về đạo nghĩa "Uống nước nhớ nguồn" trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao nhận thức, bồi đắp thêm lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, sống có trách nhiệm với quê hương, đất nước.
Mỹ Hạnh