Chị Nguyễn Thị Loan và Đặng Thị Thanh ở thôn Mai Trung, xã Gia Vân (huyện Gia Viễn) năm nay gần 40 tuổi. Vì số tuổi này mà hai chị phải nghỉ việc tại một công ty may đóng chân trên địa bàn huyện, dù rằng tay nghề của hai chị đã vững và sức khỏe thì đang rất dồi dào. Lý do mà doanh nghiệp đưa ra, đó là hai chị tuổi… đã cao, cần nhường chỗ cho những người trẻ tuổi. "tôi đã lên phòng tổ chức để bày tỏ nguyện vọng muốn làm việc lâu dài tại doanh nghiệp nhưng yêu cầu đó đã không được chấp nhận. Tôi là lao động phổ thông, làm công đoạn Là. Vì vững vàng về tay nghề nên năng suất lao động của tôi luôn được đánh giá cao. Mức lương trung bình mỗi tháng cũng được 5 triệu đồng. Phải từ bỏ công việc quen thuộc này đồng nghĩa với nguồn thu chính trong gia đình tôi từ nhiều năm nay đã bị cắt bỏ"- Chị Thanh chia sẻ. Hiện tại, để có thu nhập trang trải cho cuộc sống, chị Thanh và chị Mai xin vào làm vệ sinh cho công ty Tân Phú ở gần nhà. Công việc vất vả, nhưng mức thu cũng chỉ được 2,9 triệu một tháng. Gia đình còn quá nhiều việc phải chi tiêu, chị Thanh, chị Mai đều mong muốn có việc làm mới với thu nhập cao hơn, song ở lứa tuổi ngoài 35 như hai chị thì lại không thuộc đối tượng tuyển dụng của doanh nghiệp.
Trên địa bàn tỉnh ta hiện có gần 20 Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp cùng hàng nghìn công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các địa phương với hàng trăm nghìn công nhân lao động đang làm việc, chiếm gần 50% tổng số công nhân, viên chức, người lao động trong toàn tỉnh. Đa phần số công nhân được tuyển dụng vào làm việc tại KCN, nhà máy khi tuổi đời còn rất trẻ và được đào tạo ngắn hạn chỉ để đảm nhiệm một công đoạn trong quá trình hoàn thành sản phẩm. Với nhiều doanh nghiệp, khi sử dụng lực lượng lao động trẻ này sẽ tiết giảm được nhiều chi phí. Ngoài việc không phải trả lương cao, đóng BHXH thấp lại có thể tận dụng được cường độ lao động cao. Vì thế, dù khan hiếm lao động nhưng các doanh nghiệp lại duy trì một nguyên tắc chung là không tuyển dụng lao động quá 35 tuổi, không ít doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để có thể tiết kiệm chi phí tối đa mà vẫn có đủ nguồn lực để sản xuất. Thực tế này dẫn đến nhiều lao động trên 35 tuổi đứng trước nguy cơ thất nghiệp, thị trường lao động ngày càng bị mất cân đối. Bị thất nghiệp, công nhân ở độ tuổi sau 35 rất khó xin việc ở nơi khác và việc học nghề để có một công việc ổn định lại càng khó khăn hơn… Vì vậy trên thực tế, có rất nhiều chị em cùng chung hoàn cảnh thất nghiệp sau một thời gian dài làm việc tại doanh nghiệp như chị Mai, chị Thanh mặc dù họ đang trong độ tuổi lao động "vàng".
Ông Vũ Đức Mạnh, Trưởng phòng Việc làm, Sở Lao động Thương binh và Xã hội thừa nhận, hiện nay nhiều nhà máy, xí nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định, không cần tuyển lượng lớn lao động như những năm đầu. Theo đó, việc tuyển chọn không ồ ạt như trước mà có chọn lọc hơn, chủ yếu là tuyển lao động từ 18-35 tuổi. Theo các nhà tuyển dụng thì lao động trẻ có sức khỏe, có sự nhạy bén và khả năng tiếp thu cao hơn so với những lao động sau tuổi 35. Đó là những tiêu chí của doanh nghiệp khi tuyển dụng "đầu vào". Còn đối với những lao động làm việc lâu năm ở doanh nghiệp cho đến khi họ qua tuổi 35 thì mỗi doanh nghiệp lại có cách sắp xếp khác nhau. Có những doanh nghiệp sẽ bố trí nhóm lao động này vào những công đoạn phù hợp với sức khỏe, sự nhanh nhạy… và cũng có không ít doanh nghiệp lựa chọn giải pháp sa thải đối với lao động ở lứa tuổi này. Tất nhiên, khi bị sa thải, người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm một công việc khác với mức thu nhập ổn định, đảm bảo cho cuộc sống. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cũng sẽ thiệt hại không ít, bởi câu chuyện này không hẳn chỉ là vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động, mà còn là sự lãng phí về lớn về tay nghề. Vì thông thường, khi ở lứa tuổi này thì người lao động đã được rèn luyện để có một tay nghề khá, tác phong và thái độ làm việc cũng rất chăm chỉ. Nếu ở những công đoạn cần sự cẩn thận, tỉ mỉ…thì nhóm đối tượng lao động này sẽ phát huy được hiệu quả hơn.
Đồng quan điểm với ông Vũ Đức Mạnh, bà Trịnh Thị Tâm, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Ninh Bình-Enter. B (phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình) khẳng định, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sa thải lao động ngoài tuổi 35 như một cách để tận dụng lao động trẻ, thậm chí sau khi được tuyển dụng từ 1-3 năm là người lao động sẽ bị sa thải. Hiện tại, ở doanh nghiệp chúng tôi làm về may mặc, đa số lao động ở đây là nữ và nằm trong độ tuổi từ 18-42. Nếu so sánh lao động trẻ và lao động ngoài tuổi 35 thì không có sự khác biệt về chất lượng lao động. Không bàn đến những lý do có sự tính toán kỹ hơn về lợi ích cho doanh nghiệp, nhưng việc sa thải lao động khi họ đang ở độ tuổi "chín" nhất về cả tay nghề lẫn ý thức, tác phong làm việc thì đó là sự lãng phí lớn.
Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể rằng toàn tỉnh có bao nhiêu lao động bị thất nghiệp khi bước qua tuổi 35, song trên thực tế không ít lao động đã lâm vào tình cảnh thất nghiệp khi bước vào giai đoạn "trẻ đã qua mà già chưa tới" này. Nếu tình trạng trên tiếp tục diễn ra sẽ là sự lãng phí lớn nguồn lực lao động cho xã hội. Về lâu dài, các cơ quan quản lý Nhà nước cần rà soát lại cơ chế, chính sách để ràng buộc các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động, tránh tình trạng "vắt chanh, bỏ vỏ" chỉ tuyển dụng lao động trẻ. Thiết nghĩ, để giải quyết tình trạng này các cơ quan quản lý cũng cần có các chế tài, quy định chặt chẽ nhằm bảo vệ hợp pháp quyền và lợi ích cho người lao động.
Đào Hằng