Để đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng hồ sơ cũng như đảm bảo tính thống nhất trong quản lý khu di sản đề cử theo yêu cầu của UNESCO, UBND tỉnh Ninh Bình đã thành lập Ban xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới; thành lập Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An để tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý di sản và xây dựng hồ sơ di sản thế giới theo yêu cầu của UNESCO. Sau khi được thành lập, Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An đã tham mưu cho tỉnh chọn được các đơn vị tư vấn là những đơn vị có chuyên môn sâu về địa chất, địa mạo, khảo cổ học và quản lý di sản; đặc biệt là mời được Giáo sư Paul Dignwall, chuyên gia của IUCN (UNESCO) tư vấn tổng thể cho tỉnh xây dựng hồ sơ di sản thế giới ngay từ đầu.
Ngoài ra, tỉnh còn mời được Trường Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) và nhiều chuyên gia hàng đầu của UNESCO về văn hóa và tự nhiên sang phối hợp nghiên cứu, chứng minh, làm rõ các giá trị về văn hóa thời tiền sử của quần thể danh thắng Tràng An.
Do đó, công tác xây dựng hồ sơ di sản thế giới của tỉnh Ninh Bình đã được triển khai một cách bài bản, chuyên nghiệp, theo đúng hướng dẫn của UNESCO và hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra, đảm bảo về mặt thời gian, chất lượng, cũng như tính khoa học của bộ hồ sơ.
Cụ thể, đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế "Xác định giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể danh thắng Tràng An" với sự tham gia của 5 nhà khoa học quốc tế và nhiều chuyên gia trong nước. Qua hội thảo này, tỉnh đã chọn được 3 tiêu chí chính thức cho việc xây dựng hồ sơ di sản, đó là: tiêu chí 5 (về truyền thống định cư lâu dài, sự thích ứng với biến đổi môi trường của người tiền sử); tiêu chí 7 (về giá trị thẩm mỹ, cảnh quan); tiêu chí 8 (về giá trị địa chất, địa mạo).
Sau đó, tỉnh đã xây dựng và hoàn thiện Dự thảo hồ sơ di sản (lần 1) theo 3 tiêu chí 5,7,8 và kế hoạch quản lý di sản theo mẫu của UNESCO trình Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, Bộ VH,TT&DL vào cuối tháng 8 năm 2012. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép, hồ sơ lần 1 đã được gửi sang Trung tâm di sản Thế giới tại Paris để tham vấn và được tiếp nhận.
Trên cơ sở đó, Trung tâm Di sản thế giới đã có ý kiến phản hồi góp ý cho hồ sơ. BQL quần thể danh thắng Tràng An đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và tích cực phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ, nhất là đã tăng cường và củng cố cho tiêu chí 5 (thông qua sự giúp đỡ của Trường Đại học Cambridge, Vương quốc Anh). Hồ sơ di sản chính thức quần thể danh thắng Tràng An đã được hoàn thiện, trình Bộ VH,TT&DL.
Bến thuyền Tràng An. Nguồn ảnh: Dulichninhbinh
Tháng 1/2013, hồ sơ đề cử quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới đã chính thức được Trung tâm Di sản thế giới tiếp nhận, vượt mốc thời gian quy định của Trung tâm Di sản thế giới UNESCO 13 ngày.
Các chuyên gia đánh giá: Hồ sơ quần thể danh thắng Tràng An là hồ sơ hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới theo 3 tiêu chí. Các tiêu chí đều rất có sức nặng thuyết phục… Như tiêu chí 5: "Quần thể danh thắng Tràng An là một thí dụ nổi bật về truyền thống cư trú của loài người, truyền thống sử dụng đất hoặc sử dụng biển, đại diện cho một (hay nhiều) nền văn hóa, hoặc quá trình tương tác giữa con người với môi trường đặc biệt khi nó trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những thay đổi không thể đảo ngược". Tiêu chí 7: "Bao hàm những hiện tượng thiên nhiên bậc nhất, hoặc những khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên và tầm quan trọng thẩm mỹ nổi bật". Tiêu chí 8: "Là thí dụ nổi bật đại diện cho các giai đoạn lịch sử chính của Trái Đất, bao gồm cả tiến trình phát triển sự sống, những quá trình địa chất quan trọng đang hình thành nên các dạng địa hình, các đặc điểm địa mạo hoặc sơn văn nổi bật".
Ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc BQL quần thể danh thắng Tràng An cho biết: Con đường để Quần thể Danh thắng Tràng An trở thành di sản thế giới đã đi được những bước quan trọng. Việc xây dựng hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO công nhận Tràng An trở thành di sản thế giới đã được đánh giá cao.
Từ nay đến năm 2014, Ninh Bình sẽ đón tiếp và giải trình với các đoàn thẩm định của UNESCO đối với Hồ sơ quần thể danh thắng Tràng An và bảo vệ thành công hồ sơ vào năm 2014. Phối hợp với các chuyên gia tư vấn UNESCO chuẩn bị kỹ các nội dung chương trình làm việc, phương án giải trình với các chuyên gia thẩm định. Xây dựng và chuẩn bị hệ thống ấn phẩm, tài liệu quảng bá về giá trị di sản quần thể danh thắng Tràng An (phim, sách ảnh, tập gấp, bản đồ, hồ sơ khoa học, các báo cáo khoa học có liên quan).
Tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các giá trị di sản và hình ảnh Quần thể danh thắng Tràng An trong và ngoài nước, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh ngoại giao, các sự kiện tuần văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, các hội chợ, triển lãm văn hóa. Tổ chức tiếp xúc, vận động các cơ quan tư vấn (IUCN và ICOMOS), chuyên gia UNESCO ở khu vực ủng hộ cho hồ sơ quần thể danh thắng Tràng An trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Tổ chức các cuộc tiếp xúc và vận động một số nước thành viên của Ủy ban Di sản thế giới năm 2014. Tổ chức tham gia hội nghị thường niên lần thứ 37 của Ủy ban Di sản thế giới tổ chức tại Phnômpênh-Campuchia để tuyên truyền và tiếp xúc với các chuyên gia UNESCO; tham gia hội nghị lần thứ 38 tại Algeria để bảo vệ hồ sơ trước Ủy ban Di sản thế giới… tất cả vì một Tràng An-di sản thế giới trong tương lai gần.
Nguyễn Thơm