Theo báo cáo số 152/BC-UBND ngày 15-11-2016 của UBND tỉnh, đến nay sau 3 năm thực hiện Nghị quyết này ở các địa phương vẫn chưa sáp nhập được các cặp trường quy mô nhỏ nào; mô hình trường chất lượng cao ở các bậc học của các huyện, thành phố mới dừng ở lựa chọn trường nhưng chưa có phương án cụ thể. Tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XIII đã chất vấn nội dung này nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến trong thực hiện. Tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa XIV, cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc; sắp tới có tiếp tục thực hiện hay không; nếu có thì giải pháp như thế nào?
Về vấn đề trên, UBND tỉnh trả lời như sau: Việc sáp nhập các cặp trường THCS có quy mô nhỏ. Thực trạng năm 2013, toàn tỉnh có 3 cặp trường THCS quy mô dưới 5 lớp cần sáp nhập giai đoạn 2013-2016, tuy nhiên đến năm 2016 thì quy mô các trường này đã tăng trên 5 lớp gồm: huyện Nho Quan (THCS Sơn Thành: 7 lớp, THCS Thanh Lạc: 8 lớp); huyện Gia Viễn (THCS Gia Vượng: 5 lớp, THCS thị trấn Me: 12 lớp); huyện Kim Sơn (THCS Kim Chính: 9 lớp, THCS Yên Mật: 4 lớp). Hiện tại chỉ còn 1 cặp trường của huyện Kim Sơn thuộc đối tượng sáp nhập là THCS Kim Chính: 9 lớp và THCS Yên Mật: 4 lớp.
Tuy nhiên, việc sáp nhập vẫn chưa thực hiện theo kế hoạch, nguyên nhân do tâm lý của nhân dân, cán bộ, giáo viên, học sinh thuộc các địa phương còn nhiều băn khoăn, chưa muốn thay đổi; các địa phương thiếu kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho các trường sau sáp nhập; Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chưa tập trung nghiên cứu mô hình tổ chức quản lý trường sáp nhập, chính quyền các địa phương chưa quyết liệt chỉ đạo thực hiện.
Giải pháp là: Căn cứ vào tình hình thực tế, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết điều chỉnh Đề án, trong đó không sáp nhập các trường THCS quy mô nhỏ đến thời điểm năm 2016 đã tăng quy mô trên 5 lớp; đối với các trường quy mô ổn định và nhỏ dưới 5 lớp trước mắt chỉ sáp nhập về tổ chức bộ máy, học sinh vẫn học tại hai trường cũ như trước khi sáp nhập để tạo sự ổn định cho học sinh và nhân dân, sau đó tùy điều kiện của các địa phương để từng bước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường liên xã theo hướng xây mới hoặc xây dựng bổ sung cơ sở vật chất cho cơ sở hiện có để đảm bảo đáp ứng được quy mô mới.
Về việc xây dựng mô hình trường chất lượng cao: Giai đoạn vừa qua, 8/8 huyện, thành phố đã lựa chọn danh mục trường công lập mầm non, tiểu học và trung học cơ sở để xây dựng trường chất lượng cao. Riêng UBND huyện Hoa Lư đã xây dựng Đề án trường chất lượng cao các cấp học.
Tuy nhiên, việc xây dựng trường chất lượng cao còn nhiều vướng mắc, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về mô hình trường mầm non, trường phổ thông chất lượng cao; hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chỉ có hướng dẫn đối với hệ đại học chất lượng cao. Giải pháp là: Mỗi huyện, thành phố chủ động nghiên cứu xây dựng mô hình trường mầm non, tiểu học, THCS chất lượng cao phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương mình, đảm bảo trường chất lượng cao sau khi xây dựng hoàn thành là trường điển hình cho mỗi cấp học trên địa bàn huyện, thành phố về các mặt: đội ngũ, chất lượng dạy và học, tổ chức hoạt động giáo dục, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, cơ chế và nguồn lực tài chính.
P.B.Đ