Rà soát, kiểm tra chặt chẽ hoạt động kinh doanh, phân phối sản phẩm sữa
Thứ Năm, 08/05/2025, 11:27
Zalo
Việc nhiều loại sữa giả bị phát hiện trong thời gian gần đây đã khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng, bất an vì sữa là sản phẩm được sử dụng thường xuyên để bổ sung dinh dưỡng hàng ngày cho nhiều đối tượng, từ người cao tuổi, người mắc một số bệnh lý mạn tính cho đến trẻ em…
Đoàn kiểm tra chuyên ngành của Sở Y tế kiểm tra các sản phẩm sữa tại Cửa hàng sữa Tuấn Huyền (phường Tân Thành, thành phố Hoa Lư).
Người tiêu dùng trước nỗi lo sữa giả
Đại lý Năng Thơ-một trong những đại lý lớn ở thành phố Hoa Lư chuyên kinh doanh mặt hàng sữa, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Tại đây bày bán hàng chục mẫu mã sản phẩm các loại đến từ nhiều nhãn hàng trong nước, nước ngoài. Ông Lê Đức Năng, chủ cơ sở cho biết: Từ ngày có thông tin cơ quan chức năng phát hiện một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, quảng cáo, phân phối nhiều loại sữa giả đã khiến rất nhiều người tiêu dùng lo lắng, bất an. Thông tin này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của cơ sở.
Những ngày qua, bà Thơ, vợ ông Năng là người đứng quầy đã trực tiếp nhận nhiều sản phẩm sữa từ khách hàng đã mua tại đại lý của gia đình mình đến trả lại. Mặc dù đại lý đã giải thích, đối chiếu các mẫu sữa giả bị phát hiện với mẫu sữa nhà mình bán ra nhưng nhiều khách hàng vẫn cương quyết trả lại. Lý do để khách hàng “quay lưng” với sản phẩm sữa thời điểm này là “không biết tiếp tục sẽ phát hiện thêm những sản phẩm sữa giả nào tiếp theo nên tốt nhất là không tiếp tục sử dụng…”.
Giới thiệu với chúng tôi mấy sản phẩm sữa dễ gây hiểu nhầm cho khách hàng, bà Thơ cho biết: Sữa giả được “nhái” thương hiệu như thế này thì bảo sao khách hàng người ta nghĩ sữa thật chính là sữa giả…
Cầm các hộp sữa được bày bán tại đây, chúng tôi tra cứu trên mạng tên các sản phẩm sữa giả bị cơ quan chức năng phát hiện và công khai thì thấy ngay từ nhãn hiệu đã bị làm “nhái” rất tinh vi với tên thương hiệu gần giống nhau. Ví dụ: Sure IQ Sure Gold, Endsure Diamond organic được “nhái” từ thương hiệu Ensua Gold; Nance được “nhái” từ thương hiệu Nan; Cilonmum “nhái” thương hiệu Colostrum, Samice “nhái” thương hiệu Similac…
Là khách hàng thường xuyên sử dụng sữa, bà Nguyễn Thị Hoa (phường Vân Giang, thành phố Hoa Lư) cho biết: Nhiều năm qua, vợ chồng tôi có nhu cầu bổ sung thêm sữa nên con cái đã tìm hiểu để chọn sữa Ensua Gold cho bố mẹ. Phần lớn các lần mua sữa đều do con cái mua hộ. Khi nghe thấy thông tin sữa giả, sữa bị “nhái” thương hiệu, tôi hết sức lo lắng bởi với người cao tuổi chúng tôi nếu có tự đi mua sữa cũng khó nhận biết được vì tên thương hiệu toàn tiếng nước ngoài, rất dễ nhầm lẫn, nhất là đối với người cao tuổi không biết ngoại ngữ, ít tiếp xúc mạng xã hội…
Chưa kể, những cái tên như: Kid Baby Talacmum, Gludiabet Talacmum, Kasumi Pedia Colos, IQ Colos Premium, Newsure Colos… trong danh sách các sản phẩm sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả còn gây phẫn uất với nhiều người tiêu dùng bởi các sản phẩm giả mạo còn hướng tới đối tượng khách hàng là người cao tuổi, người mắc các bệnh xương khớp, tiểu đường, trẻ sơ sinh…khi tung ra thị trường các sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt dành cho các đối tượng có hệ miễn dịch kém.
Ngoài các sản phẩm sữa giả “nhái” tên thương hiệu, nhiều người tiêu dùng còn bất ngờ với hàng loạt các sản phẩm sữa với những cái tên hết sức mới, lạ như: Michiko Pedia, Michiko Kids, PC100 Pedia Colostrum, Bebumil, StaSure… được rao bán trên các trang mạng xã hội với giá rẻ như cho, chỉ từ 70.000 đồng đến 250.000 đồng/hộp có trọng lượng 900g.
Bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng sữa giả ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của cơ sở, chủ đại lý Năng Thơ bày tỏ quan điểm: Bản thân cơ sở khi kinh doanh mặt hàng liên quan đến sức khoẻ người tiêu dùng, chúng tôi đều lựa chọn các nhà cung cấp uy tín, có thương hiệu. Khi xuất hiện tình trạng sữa giả, đại lý đã gửi thông báo cho đơn vị phân phối sản phẩm, công ty sản xuất về danh mục sữa được cung cấp để khẳng định chắc chắn đây là những sản phẩm không có tên trong danh sách sữa giả bị cơ quan chức năng phát hiện. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát, có công bố chính thức kết quả kiểm tra để người tiêu dùng yên tâm mua sắm…
Đoàn kiểm tra tại Đại lý Năng Thơ (phường Vân Giang, thành phố Hoa Lư).
Chưa phát hiện sữa giả trên địa bàn Ninh Bình
Thực hiện sự chỉ đạo theo Công điện số 40-CĐ/TTg ngày 17/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, của UBND tỉnh, Sở Y tế đã khẩn trương chỉ đạo và triển khai nhiều biện pháp rà soát, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm sản phẩm sữa trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
Đến thời điểm này, Sở Y tế Ninh Bình không cấp giấy tiếp nhận bản công bố chất lượng sản phẩm và tự công bố chất lượng cho các sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (dạng sữa bột) có tên trong danh mục hàng giả bị lực lượng chức năng phát hiện.
Đối với nguồn sữa do các cơ sở giáo dục là các trường mầm non, tiểu học sử dụng, qua rà soát không có trường học nào trong tỉnh sử dụng sản phẩm sữa có tên trong 12 loại sữa giả đã được công bố và 72 sản phẩm sữa đang được tiếp tục điều tra.
Tại các cơ sở y tế công lập, qua kiểm tra, rà soát cho thấy các đơn vị không kinh doanh các sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng có trong danh sách sữa giả, thực phẩm chức năng giả bị cơ quan chức năng phát hiện.
Bác sỹ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Bệnh viện Đa khoa tỉnh không bày bán sữa, thực phẩm chức năng tại nhà thuốc của Bệnh viện. Bệnh viện thường xuyên kiểm tra, quán triệt cán bộ, nhân viên y tế không kê đơn, tư vấn, giới thiệu, bán các loại sữa, thực phẩm chức năng cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Đối với hoạt động kinh doanh sữa tại các đại lý, cửa hàng, siêu thị…trên địa bàn tỉnh, từ ngày 29/4 đến nay, đoàn kiểm tra chuyên ngành của Sở Y tế phối hợp với Công an tỉnh đã tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh sữa, thực phẩm chức năng trên địa bàn tỉnh.
Qua kiểm tra thực tế, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện việc kinh doanh sữa giả, thực phẩm chức năng giả. Kiểm tra bất kỳ một số sản phẩm bày bán tại các cơ sở đều cho kết quả sản phẩm có đầy đủ giấy chứng nhận chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ. Điều này cho thấy các cơ sở kinh doanh trên địa bàn đã có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật tương đối tốt.
Đoàn kiểm tra cũng lấy mẫu một số sản phẩm sữa để kiểm nghiệm chất lượng nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các sản phẩm không đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Hường, Phó Giám đốc Sở Y tế: Sở Y tế tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng để kiểm soát chặt chẽ thị trường kinh doanh sữa, thực phẩm chức năng nhằm bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, để phòng tránh việc người tiêu dùng mua phải các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ngành Y tế cũng khuyến cáo người tiêu dùng khi mua sữa, thực phẩm chức năng hãy chọn cơ sở kinh doanh có uy tín, có đầy đủ giấy phép hoạt động; kiểm tra kỹ bao bì sản phẩm, hạn sử dụng, tem nhãn chống hàng giả, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuyệt đối không mua hàng trôi nổi, hàng xách tay không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội hoặc các kênh bán hàng không chính thống. Khi phát hiện nghi vấn về sản phẩm giả, sản phẩm kém chất lượng, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc thông tin đến đường dây nóng của Sở Y tế (0965.261.414) để kịp thời xử lý.