Đồng thời thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh. Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai. Phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.
Qua nghiên cứu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tôi xin góp ý cụ thể vào vấn đề điều tiết nguồn thu từ đất. Tại khoản 1, điều 148 Dự thảo Luật quy định: "Nhà nước điều tiết nguồn thu từ đất của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật để phân bổ cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ, phục hồi đất bị thoái hóa, ô nhiễm".
Tuy nhiên, theo khoản 1, Điều 37 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, các khoản thu từ đất gồm thu tiền sử dụng đất (trừ khoản thu từ bán tài sản Nhà nước, kể cả thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý), tiền cho thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp và phi nông nghiệp là các khoản thu mà ngân sách địa phương được hưởng 100%.
Như vậy, việc điều chỉnh Luật Đất đai có điều tiết nguồn thu từ đất của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về ngân sách Trung ương sẽ dẫn đến có sự mâu thuẫn trong thực thi giữa Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đất đai.
Thực tế, tiền sử dụng đất hàng năm chiếm tỷ trọng lớn trong chi đầu tư phát triển, nên việc điều tiết về ngân sách Trung ương khoản thu này sẽ ảnh hưởng lớn trong việc cân đối chi đầu tư, cũng như các mục tiêu về nâng cấp đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng thời, nguồn thu trên được để lại ngân sách địa phương 100% sẽ tạo điều kiện cho địa phương chủ động hơn trong điều hành ngân sách cũng như xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn. Do vậy, tôi đề nghị không đưa nội dung này vào điều chỉnh tại Luật Đất đai (sửa đổi).
Bùi Thị Thanh Tâm
(Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp)
Cần thể chế hóa quy định để đảm bảo quyền lợi cho người có đất bị thu hồi
Tại Điều 107 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về "Bố trí tái định cư cho người có đất ở thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở" có quy định: "Hộ gia đình, cá nhân có đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất đủ điều kiện được bồi thường về đất ở thì được bố trí tái định cư".
Theo tôi, cần thể chế hóa quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi. Cụ thể là: Trong trường hợp hộ gia đình có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất, trong đó có cặp vợ chồng đã ly hôn hoặc cặp vợ chồng có người vợ hoặc người chồng đã chết hoặc đang phải chấp hành án phạt tù, các con của cặp vợ chồng này cùng chung sống… khi Nhà nước thu hồi đất, họ có đủ điều kiện được bồi thường về đất ở thì phải được bố trí tái định cư để đảm bảo quyền lợi cho người dân, đảm bảo tính công bằng, nhân văn của quy định pháp luật.
Trên thực tế, nhiều vụ khiếu kiện, vụ việc có số đông hộ dân không đồng thuận liên quan đến "điểm nghẽn" như quy định hiện hành và quy định của Dự thảo Luật.
Nguyễn Hồng Phú
(Xã Phú Lộc, Nho Quan)