Sự cần thiết phải đổi mới phương pháp dạy học
Được dự tiết chào cờ vào buổi sáng ngày thứ 2 đầu tuần gắn với hội thi "Hành trình về miền di sản" tại Trường THPT Nho Quan C, chúng tôi như bị cuốn vào các hoạt động của các em học sinh, bởi tiết chào cờ đã không còn bó buộc trong việc đánh giá, nhận xét các hoạt động của các lớp trong tuần, đôi khi còn nặng về kiểm điểm phê bình, thiếu tính tích cực đối với học sinh, dẫn đến tâm lý nhàm chán, học sinh thiếu tập trung, mất trật tự trong giờ chào cờ. Nay, tiết chào cờ đã trở thành một buổi học ngoại khóa gắn với việc thực hiện phương pháp dạy và học qua di sản. Đó là sau khi các em được đi học thực tế tại các di tích lịch sử, các làng nghề... các em sẽ làm bản báo cáo thuyết trình trước toàn trường bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, qua đó các em trong đội (từ 10-12 người) sẽ thể hiện năng lực (văn nghệ, diễn xuất), kỹ năng sống (giao tiếp, thuyết trình, hoạt động tập thể)….
Em Bùi Thị Sinh, học sinh lớp 12H, Trường THPT Nho Quan C chia sẻ: Chúng em rất hào hứng và thú vị khi trong các giờ chào cờ có nhiều hoạt động ngoại khóa thiết thực như đã và đang được triển khai tổ chức tại nhà trường. Đây là hình thức học không chỉ hiệu quả mà còn thu hút học sinh thi đua tìm hiểu, thể hiện mình. Đặc biệt, qua các chuyên đề học tập gắn với thể hiện bằng tiếng Anh, chúng em vừa được học hỏi thêm kỹ năng nghe, nói, vừa được cổ vũ hết mình cho các đội thi, thực sự là một sân chơi bổ ích, lý thú và thoải mái cho tất cả mọi học sinh trước khi vào tuần học tập mới.
Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình), phương pháp dạy học mới cũng đã được áp dụng. Thay vì học sinh ngồi theo bàn kê hàng ngang từ trên xuống dưới và hướng lên phía bảng nghe thầy cô giáo giảng bài; thì khi học theo phương pháp này, các em sẽ kê bàn vuông theo nhóm tập hợp từ 6-8 bạn, lúc này các em sẽ phải tự tìm ra những kiến thức của bài học thông qua các ví dụ, bài tập do thầy giáo đưa ra. Phương pháp dạy học này giúp học sinh phát huy được tính tích cực, phát triển năng lực cộng tác làm việc và năng lực giao tiếp của mình; đồng thời đòi hỏi tất cả các học sinh trong nhóm, trong lớp đều phải vận động, suy nghĩ đóng góp ý kiến của mình vào bài học.
Cô giáo Ngô Thị Thu Hiền, giáo viên dạy môn Văn học Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết: Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học đòi hỏi người giáo viên phải làm việc bằng 2-3 lần thời gian ở nhà. Đó là thầy cô phải suy nghĩ, đầu tư vào bài giảng, xây dựng được khung bài giảng theo hướng đề ra nhiều tình huống, giải pháp để học sinh thảo luận, nhận thức theo các góc cạnh, chiều hướng đa dạng của vấn đề. Khi đưa ra giảng dạy trên lớp, thầy cô lại rất nhàn khi chỉ phải định hướng, nắm bắt những vấn đề mà các nhóm đưa ra thảo luận và kết luận bài giảng theo hướng tích cực nhất. So với kiểu dạy truyền thống, thì việc đổi mới phương pháp giảng dạy này có tác dụng rất tích cực, đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ, phải tư duy và làm việc không ngừng, từ đó giúp các em hiểu bài học theo logic, không bị học vẹt, học gạo…
Hiệu quả phương pháp dạy học mới ở các trường THPT
Nghị quyết 29-NQ/T.Ư về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó nêu rõ: "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học…". Để thực hiện Nghị quyết đòi hỏi cả giáo viên và học sinh đều phải thay đổi phương pháp dạy và phương pháp học, lấy học sinh làm trung tâm, qua đó nhằm phát huy hết khả năng, trình độ tư duy cũng như năng lực của các em học sinh.
Theo thầy giáo Lê Thành Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Nho Quan C, việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập tại trường, cụ thể là việc tổ chức chuyên đề "Lồng ghép tiếng Anh trong giờ chào cờ" đã tạo chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện. Một mặt nhà trường vẫn giữ được những hoạt động trang trọng trong giờ chào cờ nhằm tôn vinh ý thức tự hào dân tộc, trân trọng Quốc kỳ, thể hiện lòng yêu nước, yêu dân tộc, ý thức trách nhiệm với những công việc cụ thể của mỗi người. Đồng thời cũng là một hình thức học, một sân chơi thu hút các em học sinh tìm hiểu về lịch sử truyền thống, về cách giao tiếp, học hỏi bộ môn tiếng Anh và các môn học khác, qua đó giúp các em thể hiện năng lực hiểu biết, kỹ năng sống, hoạt động tập thể… Cùng với đó, nhà trường cũng chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề theo hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh, xây dựng hệ thống địa chỉ các môn học có nội dung học lồng ghép tích hợp, tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Cô giáo Nguyễn Thị Kiều Nga, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình) cho biết: Với việc đổi mới phương pháp dạy và học gắn với phát triển năng lực của học sinh đã đem lại kết quả tích cực cho nhà trường. Ngoài việc kích thích giáo viên tư duy và không ngừng trau dồi kiến thức ở nhiều lĩnh vực, bộ môn khác nhau, còn giúp học sinh hứng thú với những tiết học hơn, dễ hiểu và hiểu sâu nội dung bài học, ít phải ghi nhớ kiến thức một cách máy móc. Đặc biệt, việc đổi mới cách dạy và học này đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nhà trường. Trong năm học 2015- 2016, chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn đều tăng so với năm học trước, đặc biệt là nhà trường đã đạt giải nhất trong cuộc thi "Dạy học theo chủ đề tích hợp", xếp thứ 7/27 trường tham gia cuộc thi "Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn". Năm học 2016-2017, nhà trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy gắn với việc phát triển năng lực của học sinh. Hiện nhà trường đã xây dựng kế hoạch cho từng môn học theo phương pháp dạy học mới, trình Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Theo đồng chí Đỗ Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, việc đổi mới phương pháp dạy học đang thực hiện bước chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, nghĩa là từ chỗ quan tâm đến việc học sinh học được cái gì đến chỗ quan tâm học sinh vận dụng được cái gì qua việc học. Theo đó, có thể chọn lựa một cách linh hoạt các phương pháp chung và phương pháp đặc thù của môn học để thực hiện. Tuy nhiên, dù sử dụng bất kỳ phương pháp nào cũng phải đảm bảo được nguyên tắc "Học sinh tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên". Và tùy theo mục tiêu, nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể để có những hình thức tổ chức thích hợp như học cá nhân, học nhóm; học trong lớp, học ở ngoài lớp… Đồng thời cần tích cực vận dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
Cũng theo đồng chí Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, việc đổi mới phương pháp dạy học để học sinh chủ động tích cực, sáng tạo trong học tập là một vấn đề cần thiết và không thể thiếu được trong thời đại mới. Đây không chỉ là một phong trào mà còn là một yêu cầu bắt buộc với mọi giáo viên và học sinh. Những năm học trước đã có nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh áp dụng phương pháp dạy học mới cho kết quả tích cực, tiêu biểu như các Trường THPT Kim Sơn A, Lương Văn Tụy, Yên Khánh A, Nguyễn Huệ… Từ năm học 2015-2016, phương pháp giáo dục phát triển năng lực học sinh đã được hầu hết các trường THPT trên địa bàn tỉnh thực hiện tùy vào điều kiện thực tế của từng trường. Để thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học mới, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường THPT trong tỉnh cũng đã tổ chức nhiều lớp, nhiều đợt bồi dưỡng chuyên đề, chuyên môn nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; đồng thời khuyến khích các nhà trường đầu tư, mua sắm trang thiết bị cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học như máy tính, máy chiếu, bàn ghế, dụng cụ giảng dạy... đảm bảo việc thực hiện đổi mới được triển khai nghiêm túc, từng bước vững chắc và theo lộ trình, góp phần tích cực vào việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh