Những năm qua chính quyền cùng mặt trận, đoàn thể thôn đã vận động nhân dân đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Thôn có 127 hộ, 467 nhân khẩu, với 95% dân số làm nông nghiệp, kinh tế của thôn chủ yếu phụ thuộc vào việc sản xuất các vụ lúa, rau màu trong năm. Để nâng cao thu nhập cho người dân, cán bộ lãnh đạo thôn cùng Ban công tác Mặt trận thôn đã phối hợp với các Hội, đoàn thể đầu tư học hỏi kiến thức, kinh nghiệm qua nhiều kênh thông tin về kiến thức, kĩ thuật mới áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, sau đó tuyên truyền, hỗ trợ nông dân mạnh dạn chuyển đổi chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất thâm canh, tăng vòng quay của đất từ một vụ thành ba vụ chính trong năm. Ngoài ra, theo nhiều kênh khác nhau, các Hội, đoàn thể đứng ra tín chấp cho gia đình hội viên vay vốn để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ.
Ông Tạ Quang Chu, Bí thư Chi bộ thôn Văn Giáp cho biết: Để thực hiện thành công phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống thôn văn hóa", cấp ủy, chính quyền, Ban công tác Mặt trận thôn xác định phải tạo ra sự gắn bó, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, phải thể hiện được tình làng nghĩa xóm bằng những việc làm cụ thể trong mối quan hệ hằng ngày của nhân dân trong thôn. Trong đó tập trung giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, nắm bắt khoa học kỹ thuật, chuyển đổi các loại cây trồng vật nuôi có hiệu quả. Từ điểm xuất phát thấp, đến nay thôn Văn Giáp có trên 90% hộ có đời sống kinh tế ổn định, hộ khá và giàu theo tiêu chí khoảng 20%, số hộ nghèo còn 0,65%, không còn hộ đói.
Ban công tác Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Hiện thôn có Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Văn Giáp thờ ông tổ đời Trần và hậu Lê (3 tể tướng và 18 quận công). Năm 2009, Văn Giáp đã xây dựng được nhà văn hóa trên diện tích 2.000 m2, với kinh phí gần 1 tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của con em quê hương đang sinh sống và làm việc ở trong và ngoài tỉnh. Đến nay, nhà văn hóa đã đi vào sử dụng và phát huy hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Hằng năm, Ban công tác Mặt trận thôn bình xét gia đình văn hóa ở từng tổ dân cư. Để đảm bảo chất lượng, trước hết từng hộ cân nhắc, tự chấm điểm, sau đó đưa ra họp tổ để những hộ khác đóng góp và bình xét. Với sự công khai và tự nguyện tự giác, số hộ gia đình văn hóa của thôn đạt 95%. Ý thức của người dân trong thôn về vấn đề vệ sinh môi trường được nâng cao, trên 97% hộ có nước sạch sử dụng, 85-90% hộ có công trình vệ sinh đạt yêu cầu, nhân dân trong thôn đang thực hiện thành công mô hình "hố rác 3 ngăn tại góc vườn gia đình" đảm bảo vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, phát huy truyền thống hiếu học, phong trào xây dựng xã hội học tập đã đi vào nền nếp của các gia đình, dòng họ, tiêu biểu như dòng họ Tạ có nhiều con em thành đạt, đã được các cấp từ Trung ương tới địa phương khen thưởng. Toàn thôn đã có 15 từ đường khuyến học, khuyến tài, 85% số hộ trong thôn xây dựng gia đình khuyến học.
"Điều chúng tôi tự hào nhất trong những năm qua là an ninh trật tự được giữ vững, không xảy ra vụ việc nghiêm trọng. Khi có những việc xảy ra bất hòa, mâu thuẫn trong gia đình, với hàng xóm thì tổ hòa giải kịp thời đến tìm hiểu, hòa giải, không để sự bất hòa thành mâu thuẫn lớn xảy ra" - ông Tạ Quang Chu chia sẻ. Ngoài ra, Ban công tác Mặt trận còn vận động nhân dân tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, đề cao cảnh giác, đấu tranh chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội... Do đó, thôn Văn Giáp luôn dẫn đầu trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhờ sự đồng lòng của nhân dân, sự đoàn kết của chi bộ thôn và các đoàn thể, Văn Giáp đã có sự đổi thay nhiều mặt như hôm nay. Nhiều năm liền Chi bộ thôn Văn Giáp được công nhận Chi bộ trong sạch vững mạnh; các Chi hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh đạt danh hiệu xuất sắc cấp xã, cấp huyện. 6 năm qua, Văn Giáp liên tiếp giữ vững danh hiệu "Làng văn hóa cấp tỉnh".
Hồng Vân